Khi nhà văn trở thành kẻ sát nhân

Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:46
Vào tháng 8/2017, xã hội Trung Quốc chấn động bởi vụ án một nhà văn nổi tiếng với nhiều giải thưởng, có vô số người hâm mộ đã bị cảnh sát bắt, với tội danh liên quan đến vụ án đẫm máu tại khách sạn Mẫn Ký.


Cầm bút

Lưu Vĩnh Bưu sinh năm 1965 tại Nam Lăng, Trung Quốc. Y bộc lộ tài năng văn học của mình từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Vĩnh Bưu bắt đầu sự nghiệp sáng tác khi học sơ trung (trung học cơ sở), sau khi thi trượt cấp ba, y quyết định chuyên tâm vào sáng tác. Vĩnh Bưu lấy hết khoản tiền tiết kiệm để mua máy ảnh nhằm chụp ảnh dạo trang trải cho cuộc sống và sáng tác thơ văn. Năm 1985, tác phẩm đầu tay của Vĩnh Bưu đã được đăng lên tạp chí "Nhà văn tương lai" của Hội Nhà văn Hợp Phì. 

Đến năm 1994, truyện ngắn "Nhớ mãi thời thanh xuân" của y đăng trên tạp chí văn học nổi tiếng được mệnh danh là niềm tự hào của các nhà văn - tạp chí "Thanh Minh", y cũng chính là người Nam Lăng đầu tiên có tác phẩm đăng trên tạp chí danh tiếng này. Sau khi đạt một số thành tựu nhỏ, Vĩnh Bưu xin học lớp sáng tác tại Học viện văn học Lỗ Tấn, đến năm 2005, tập truyện ngắn đầu tay "Một bộ phim" của y được phát hành bởi Nhà xuất bản Tác gia.

Lưu Vĩnh Bưu khoác lên mình là một người chồng mẫu mực, một nhà văn nổi tiếng với nhiều người hâm mộ.

Tập truyện ngắn này đã đưa tên tuổi Vĩnh Bưu bay xa hơn, đem về cho y giải ba "Văn học nghệ thuật xã hội" tỉnh An Huy năm 2006 - đây là một cuộc thi danh giá lúc bấy giờ. Tác phẩm của Lưu Vĩnh Bưu đã rất nổi trội và được đánh giá rất cao, tháng 3/2010, Hội văn nghệ Vu Hồ và Hội Nhà văn Nam Lăng cùng bắt tay tổ chức hội thảo về các tác phẩm của Lưu Vĩnh Bưu, hội thảo này có rất đông người tham gia và theo dõi. 

Danh tiếng của nhà văn Vĩnh Bưu càng ngày vang rộng, y cho xuất bản hàng loạt đầu sách như: "Vũ điệu tâm hồn", "Điều khó nói"… các tác phẩm đều dày hơn 500 trang. Ngoài ra còn có kịch bản điện ảnh "Cửa và cửa sổ", tiểu thuyết trinh thám "Bí mật tội lỗi" có nhân vật chính là một nhà văn dính đến nhiều vụ án mạng liên hoàn bí ẩn, nhiều người cho rằng tác phẩm này được lấy nguyên mẫu từ chính Vĩnh Bưu. 

Đến tháng 7/2013, Lưu Vĩnh Bưu được kết nạp vào Hội Nhà văn Trung Quốc, danh tiếng càng bay xa, y hết mực được báo chí truyền thông ca ngợi Vĩnh Bưu là nhà văn nông dân tài ba sánh ngang với Mạc Ngôn - một nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Đến tháng 11/2014, Vĩnh Bưu cho xuất bản cuốn tiểu thuyết hơn 500 trang "Hành giả Võ Tòng", tác phẩm nhanh chóng được yêu thích và đón đọc. Một năm sau, "Hành giả Võ Tòng" được chuyển thể thành phim truyền hình dài 50 tập cùng tên.

Cầm "lưỡi hái tử thần"

Một vụ thảm án mà cảnh sát đã truy lùng suốt 22 năm nhưng gần như đi vào ngõ cụt tại tỉnh Hồ Châu, Trung Quốc. Sáng ngày 29/11/1995, trước cửa khách sạn Mẫn Ký đã được niêm phong bởi kí hiệu của cảnh sát cấm vào, dân chúng xung quanh tò mò đứng xem làm tắc cả khu phố. Khách sạn này là của ông chủ họ Mẫn, nằm tại thị trấn Chức Lý, Hồ Châu - là một nơi kinh tế rất phát triển của Trung Quốc thời bấy giờ. 

Buổi sáng sớm ngày 29/11/1995, nhân viên vệ sinh của khách sạn Mẫn Ký đi dọn dẹp các phòng như thường lệ, khi lên đến tầng 2 của toà nhà, nhân viên kinh hãi khi chứng kiến ông chủ Mẫn cùng một người đàn ông khác đang nằm bất động trên vũng máu thấm ướt hết sàn. 

Cảnh sát nhanh chóng đến hiện trường, tổng cộng có 4 thi thể, bao gồm: ông chủ Mẫn cùng một vị khách nam chết tại phòng 203 gần hành lang tầng hai, bà chủ Mẫn và con trai 12 tuổi cũng tử vong tại phòng bên cạnh 202. Khám nghiệm pháp y cho thấy cả 4 nạn nhân đều tử vong do một vật có bề mặt nhẵn diện tích tròn như búa hoặc chày gây ra. Tại hiện trường có dấu vết lục lọi và xô xát, theo phán đoán cảnh sát xác định đây là một vụ giết người, cướp của.

Cảnh sát nhanh chóng phong tỏa hiện trường, lấy lời khai của nhân viên cùng những người xung quanh. Theo nhân viên lễ tân thì trước khi xảy ra vụ án mạng có hai người đàn ông hành động khả nghi nói giọng tỉnh An Huy đến thuê khách sạn được vài tiếng thì rời đi ngay. Ngoài thông tin hai người đàn ông này nói giọng tỉnh An Huy ra thì cảnh sát không còn thêm thông tin nào khác. Tại hiện trường, cảnh sát tìm được đầu lọc thuốc lá hiệu Thắng Đường - hãng thuốc phổ biến ở thành phố Vũ Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Điều này khẳng định hung thủ có thể đến từ An Huy. 

Ngoài ra, các thanh tra cũng tìm thấy nhiều vật chứng khác như khăn len, dấu vân tay tại các hộc tủ, dấu giày trên sàn… nhưng do hạn chế của công nghệ lúc bấy giờ nên công cuộc điều tra dần đi vào ngõ cụt. Khó khăn lớn là nghi phạm và nạn nhân không hề có mối liên hệ nào, cảnh sát đề ra trường hợp hung thủ giả dạng thành khách thuê phòng với mục đích cướp của, nhưng bị ông chủ Mẫn và những người khác phát hiện nên giết người diệt khẩu.

Đầu tháng 8/2017, cảnh sát đã tìm ra được bước đột phá, tổ trọng án sử dụng kỹ thuật giám định gen, kiểm tra hoá nghiệm vật chứng và lật lại những chi tiết cũ, cuối cũng cũng lôi được tên sát nhân ra vòng pháp luật. Sau hai tháng rà soát đối chiếu mẫu ADN trên mẩu thuốc sót lại tại hiện trường cùng 30.000 người liên quan thuộc 15 tỉnh, thành phố, cảnh sát đã xác định được hung thủ của vụ án kinh hoàng tại khách sạn Mẫn Ký. Thủ phạm của thảm sát đẫm máu 22 năm trước lại chính là Lưu Vĩnh Bưu - nhà văn nổi tiếng ở tỉnh An Huy, tin tức này gây chấn động dư luận Trung Quốc.

Thủ phạm cho thảm sát đẫm máu 22 năm trước lại chính là Lưu Vĩnh Bưu - nhà văn nổi tiếng ở tỉnh An Huy, tin tức này đã một lần nữa gây chấn động dư luận Trung Quốc.

"Tôi đã đợi các ông mãi đến hôm nay…"

Ngay sáng ngày 11/8/2017, Tổ Chuyên án đến nhà của Lưu Vĩnh Bưu tại thị trấn Qua Giang, huyện Nam Lăng, Trung Quốc để bắt giữ, điều tra. Y không hề phản kháng hay gào thét. Vĩnh Bưu chỉ bình thản đứng dậy nói: "Tôi đã đợi các ông mãi đến hôm nay…", trước khi bị dẫn đi, y đưa cho vợ mình một bức thư, cuối thư có dòng chữ: "Hơn 20 năm nay, anh luôn đợi ngày này. 

Cuối cùng anh cũng thoát khỏi được sự giày vò về tinh thần bấy lâu". Tổ trưởng Tổ Trọng án "Khách sạn Mẫn Ký" là Trần Hồng Duyệt cho biết: "Trước khi bắt Lưu Vĩnh Bưu, chúng tôi đã tiến hành rà soát trong thôn, chắc y đã đoán được trước nên viết thư để sẵn cho vợ mình". Vài ngày sau, dưới sự hợp tác của Vĩnh Bưu, cảnh sát bắt được đồng phạm của y là Uông Duy Minh (sinh năm 1953) tại Thượng Hải.

Vĩnh Bưu khai: mình vốn xuất thân từ nhà nông, lại không học cao mà chỉ chuyên chú vào sáng tác văn học. Lúc bấy giờ chưa nổi tiếng, không có lương, đành lặn lội đến Hồ Châu làm thuê, tại đây y tình cờ gặp người bạn thân thiết cùng thôn là Duy Minh. Do túng quẫn cần tiền gấp cho con gái phẫu thuật mắt, lại được Minh rủ đi ăn trộm, Vĩnh Bưu không suy nghĩ mà lập tức đồng ý. Duy Minh nói rằng ông chủ khách sạn Mẫn Ký rất giàu có, hai người liền lập kế hoạch đến trộm tiền. Vĩnh Bưu và Duy Minh thuê chung một phòng với người khách họ Vu quê ở tỉnh Sơn Đông. 

Khi phát hiện người này có nhiều tiền, hai tên sát nhân liền nổi lòng tham ra tay sát hại. Duy Minh giữ người vị khách họ Vu lại để cho Vĩnh Bưu cầm cục sắt đập chết nạn nhân. Sợ bị phát hiện, bọn chúng liền dụ ông chủ Mẫn sang phòng rồi ra tay sát hại. Không những vậy, hai tên cuồng sát "tiện tay" sang phòng bên cạnh cầm cục sắt đẫm máu đập liên tiếp vào đầu của bà Mẫn cùng con trai 12 tuổi. 

Xong mọi việc, bọn chúng lột sạch vàng trên người vợ chồng ông chủ Mẫn, lục lọi lấy hết những thứ có giá trị tại hiện trường. Ra khỏi khách sạn, hai tên sát nhân chia tiền rồi mỗi người một hướng, cả hai đều cắt liên lạc với nhau. Tên Duy Minh đến Thượng Hải lập nghiệp và rất phát triển, khi bị bắt, y đang là người đại diện pháp lý cho công ty tư vấn đầu tư. Còn Vĩnh Bưu trở về An Huy, tiếp tục sự nghiệp sáng tác, phát triển và dần trở nên nổi tiếng.

Ngày 29/12/2017, án mạng khách sạn Mẫn Ký đã thành án nguội và hết thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc vẫn phê chuẩn truy tố hai tên sát nhân do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến ổn định xã hội. Ngày 30/7 - 28/3/2017, Toà án thành phố Hồ Châu tuyên án tử hình tới Lưu Vĩnh Bưu và Uông Duy Minh với tội danh giết người, cướp của.

Ngọc Hà (tổng hợp)
.
.
.