Kết cục không mong đợi của cựu Tổng thống Morales
Ngày 12-11, cựu Tổng thống Bolivia Juan Evo Morales Ayma đã xuống sân bay tại thủ đô Mexico City của Mexico để tị nạn chính trị tại nước này. Vậy là sau 14 năm trên đỉnh cao quyền lực, giờ đây vị tổng thống đầu tiên là thổ dân da đỏ phải chấp nhận cuộc sống lưu vong dù ông tuyên bố "Chừng nào tôi còn sống, chúng tôi sẽ vẫn theo con đường chính trị và tiếp tục đấu tranh". Tuy nhiên đường về của ông sẽ không dễ dàng.
Đi vào lịch sử Bolivia khi là người da đỏ đầu tiên làm Tổng thống
Juan Evo Morales Ayma sinh ngày 26-10-1959 trong một gia đình nông dân người Aymara tại Isallawi, Orinoca Canton. Năm 1978 ông đến tỉnh Chapare vừa trồng coca vừa tham gia vào nghiệp đoàn cocalero, ông nổi lên trong công đoàn campesino (của những người lao động nông thôn) đấu tranh chống lại những nỗ lực của chính quyền Bolivia và Mỹ trong việc xóa bỏ cây coca như một phần của cuộc chiến thuốc phiện.
Năm 1993, ông được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn nông dân trồng coca ở địa phương, trước khi tham gia thành lập đảng Phong trào hướng tới Chủ nghĩa Xã hội (MAS) và được bầu vào Quốc hội năm 1997. Tên tuổi của ông ngày càng được biết đến qua cuộc xung đột khí đốt và các cuộc biểu tình tại Cochabamba năm 2000.
Năm 2002 ông bị trục xuất khỏi quốc hội mặc dù trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó, ông đứng thứ hai. Tuy nhiên, chỉ 3 năm năm sau, ngày 19-12-2005, ông Evo Morales đã tuyên bố thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tại Bolivia với 53.740% số phiếu, một tỷ lệ ít thấy trong những cuộc bầu cử tại Bolivia.
Việc Morales trở thành Tổng thống là dấu mốc lịch sử của Bolivia khi lần đầu tiên, một người gốc thổ dân da đỏ trở thành nguyên thủ quốc gia. Không những thế, là người theo phong cách xã hội dân túy và chống Mỹ, Morales đã tiếp tục đưa một quốc gia nữa của Mỹ Latinh đi theo quan điểm cánh tả, sau các quốc gia trong khu vực này như Brazil, Argentina, Venezuela... Khi Morales thắng cử, nhiều người dân Bolivia đã hy vọng vị tổng thống mới sẽ mang đến cho họ việc làm, sự ổn định và giá trị thực mà họ đang khao khát.
Cựu tổng thống Bolivia Evo Morales tại cuộc họp báo ngày 13-11. |
Ngày 22-1-2006, ông Morales tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng trước khi ông chính thức nhậm chức tại Thủ đô La Paz, ông đã nhậm chức tại địa điểm nghi lễ Aymara ở địa điểm khảo cổ Tiwanaku trước đám đông hàng nghìn người Aymara và các đại diện các phong trào cánh tả trên khắp Mỹ Latinh.
Dù chỉ mang tính biểu tượng, nghi lễ này không phải xuất phát từ truyền thống và chủ yếu chỉ mang tính đại diện cho người thổ dân Aymaras, chứ không phải số dân nói tiếng Quechua đa số.
Từ cuộc chinh phục của người Tây Ban Nha đầu những năm 1500, vùng Nam Mỹ này, với đa số dân bản xứ, từng chủ yếu nằm dưới sự cai trị của con cháu người di cư châu Âu, với một thiểu số nhỏ viên chức người mestizo (người lai châu Âu và bản xứ). Chính Morales cũng là một người Aymara, và ông đã cho rằng 500 năm thực dân đã trôi qua và một kỷ nguyên tự cường mới đã bắt đầu.
5 tháng sau khi cầm quyền, tháng 5 năm 2006, Morales thông báo kế hoạch tái quốc hữu hóa các mỏ hydrocarbon của Bolivia. Ông đã đưa quân đội Bolivia đồng thời tới chiếm 56 cơ sở sản xuất khí gas. Quân đội cũng được đưa gửi tới 2 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của Petrobras tại Bolivia, chiếm tới hơn 90% năng lực lọc dầu Bolivia.
Một thời hạn chót 180 ngày được công bố, theo đó mọi công ty năng lượng nước ngoài bị yêu cầu ký kết các hợp đồng mới trao cho Bolivia quyền sở hữu tới 82% nguồn thu. Thời hạn chót này đã trôi qua và tất cả các công ty đó đều đã ký hợp đồng.
Ngoài các mỏ khí, Tổng thống Morales cũng quyết định tịch thu đất đai, tái phân phối và quốc hữu hóa các ngành công nghiệp then chốt, hạn chế dần sự dính líu của Mỹ ở Bolivia trong khi xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latin và tham gia vào Liên minh Bolivar vì châu Mỹ (Bolivarian Alliance for the Americas).
Chỉ trong 5năm dưới sự điều hành của Tổng thống Morales, Bolivia đã trở thành một trong những quốc gia Mỹ Latinh thành công nhất trong việc cải thiện mức sống của công dân. Các chỉ số kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp thấp và giảm nghèo, cũng như giáo dục và y tế công cộng tốt hơn, là rất nổi bật.
Từ năm 2005 đến 2010, tỷ lệ người nghèo ở mức trung bình đã giảm từ 60% xuống 49,6%, trong khi nghèo cùng cực giảm từ 38% xuống 25%. Tương tự như vậy, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 8.4% xuống 4%. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chỉ ra rằng Bolivia là quốc gia hàng đầu ở Mỹ Latinh về việc chuyển tài nguyên cho dân số dễ bị tổn thương nhất - 2,5% GNP.
Theo Alicia Bárcena, thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về Châu Mỹ Latinh và Caribê, "Bôlivia là một trong số ít các quốc gia đã giảm bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo đã bị thu hẹp rất nhiều". Nền kinh tế đã không ngừng mở rộng kể từ năm 2007, trung bình 4,5% một năm.
Bôlivia đã được tuyên bố là một quốc gia không mù chữ. Phân phối lại thu nhập đã thúc đẩy mức tăng 7% trong tiêu thụ điện nội bộ, nước tinh khiết và khí đốt trong nước giữa các ngành không được tiếp cận với các dịch vụ này trước đây.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý bỏ phiếu tín nhiệm năm 2008, ông đã xây dựng một hiến pháp mới trước khi được bầu làm tổng thống lần 2 với một chiến thắng năm 2009. Ông đã đẩy mạnh hơn nữa các chính sách cánh tả và tham gia vào Ngân hàng phương Nam và Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latin và Caribbe (Community of Latin American and Caribbean States).
Năm 2007, Bolivia đã triển khai chương trình trợ cấp lương hưu nhằm mục đích giảm tỷ lệ nghèo cùng cực ở người già. Chính sách này cùng với các biện pháp khác đã giúp giảm tỷ lệ nghèo cùng cực của quốc gia này từ 38% xuống chỉ còn 17% trong năm 2016.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) cho biết từ năm 2013, Bolivia đã đảm bảo 97% dân số nước này được hưởng chế độ lương hưu. Tỷ lệ này còn cao hơn cả Argentina, Brazil và Chile, những quốc gia có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao, và hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 62,5% của khu vực Mỹ Latin.
Năm 2017, Tổng thống Morales khẳng định Bolivia nằm trong danh sách 4 quốc gia hàng đầu thế giới đảm bảo 100% người dân được hưởng lương hưu. Theo đó những người nghỉ hưu từ 60 tuổi trở lên sẽ được nhận khoản trợ cấp suốt đời tương đương 560 USD/ năm.
Năm 2016, hơn 9,7 triệu lượt bệnh nhân tại Bolivia đã được hưởng lợi từ chương trình chăm sóc y tế miễn phí Mi Salud (Sức khỏe của tôi) do chính phủ triển khai từ năm 2013.
Với sự giúp đỡ và tư vấn của chuyên gia Cuba, đến năm 2016, chương trình này đã được triển khai tại 307/339 huyện của Bolivia và đã cứu sống được hơn 17.000 người. Có tới 51% số bệnh nhận được khám chữa tại nhà, đặc biệt là tại vùng sâu vùng xa.
Chương trình cũng dành ưu tiên cho bà mẹ mang thai, với hơn 90.000 bệnh nhân được theo dõi cả thai kỳ; và trẻ em dưới 5 tuổi, với 1,6 triệu ca khám tổng thể nhằm xác định các vấn đề về suy dinh dưỡng. Đây là những con số rất có ý nghĩa nếu xét tới quy mô dân số 10 triệu người của Bolivia.
Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales đến sân bay Mexico City. |
Bắt buộc phải ra đi
Ngày 20-10-2019, cuộc bầu cử tổng thống kết thúc với việc Morales tuyên bố thắng cử. Tuy nhiên tổ chức Các Quốc gia châu Mỹ (OAS) cho rằng có những bất thường nghiêm trọng diễn ra trong cuộc bỏ phiếu. Việc Morales tuyên bố trúng cử nhiệm kỳ thứ 4 châm ngòi cho các vụ bạo lực trên đường phố. 300 người đã bị thương trong những cuộc đụng độ giữa người ủng hộ ông Morales và người phản đối chính phủ.
Lực lượng cảnh sát ở Thủ đô La Paz quyết định đứng về phía người biểu tình và phản đối ông Morales. Quân đội cũng tuyên bố hiến pháp không cho phép họ đụng độ với người dân. Tình trạng hỗn loạn đã buộc ông phải lên truyền hình vào ngày 10-11 tuyên bố từ chức để giúp ổn định trật tự, dù vẫn chỉ trích điều mà ông gọi là "một cuộc lật đổ".
Chỉ vài tiếng sau Cảnh sát và quân đội Bolivia đã phát lệnh bắt Tổng thống đồng thời một chiến dịch tìm kiếm. Những diễn biến này khiến ông Morales quyết định xịn tị nạn chính trị tại Mexico và ông đã rời đất nước trên chiếc máy bay của không quân Mexico trên một "chuyến bay bão táp" khi một loạt nước từ chối chiếc máy bay chở ông bay qua không phận.
Morales ra đi để lại phía sau một đất nước Bolivia rơi vào hỗn loạn và bất trắc ở Bolivia, đồng thời gây lo ngại về khoảng trống quyền lực. Đã có những hành vi cướp bóc, phá hoại, phóng hỏa của cả người ủng hộ lẫn người phản đối ông.
Cho tới lúc này chưa có ai lấp đầy khoảng trống quyền lực sau khi ông Morales ra đi dù ngày 13-11, Phó chủ tịch Thượng viện Jeanine Anez đã triệu tập phiên họp khẩn thượng viện để chính thức thông qua quyết định từ chức của Morales và tuyên bố mình là tổng thống lâm thời, phụ trách chính phủ nhằm tổ chức bầu cử mới.
Trong khi đó, từ Mexico, ông Morales cho biết ông chỉ tạm thời sống lưu vong tại Mexico và sẽ về Bolivia "dù sớm hay muộn". "Nếu người dân yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng trở lại để bình ổn Bolivia", Morales nói trong cuộc họp báo ở Mexico City ngày 13-11. Ông kêu gọi mở cuộc "đối thoại quốc gia" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Bolivia và bác bỏ tính hợp pháp của Tổng thống lâm thời Jeanine Anez.
Chưa biết rồi đây ông sẽ trở về quê hương thế nào, tuy nhiên chắc chắc đó sẽ là hành trình không dễ dàng.