Italia trong cuộc chiến kép

Thứ Tư, 15/04/2020, 08:54
Trong lúc Chính quyền Italia đang phải đối phó với dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và nguy cơ khủng hoảng kinh tế nặng nề thì các băng mafia lại coi đây là cơ hội làm giàu và củng cố lực lượng. Còn người dân thường thì mặc kệ, chỉ biết bánh mì và thuốc men nhận được từ đâu trong điều kiện thiếu thốn.


Cơ hội để mafia củng cố địa vị

Roberto Saviano, nhà báo và chuyên gia theo dõi tội phạm, trong một bài mới đăng trên tờ La Repubblica đã viết rằng: "Đại dịch, theo một lý do hết sức đơn giản, là một máng ăn lý tưởng cho bọn mafia: đối với người đói đang đi tìm bánh mì thì lò nào nướng bánh và ai là người phân phối đến họ cũng đều thế cả. Những người đang cần thuốc men đâu có cần phân biệt ai là người bán và ai là người trả tiền cho họ. Cơ hội chọn lựa của con người chỉ có trong thời yên bình và đầy đủ".

Italy: phố xá trong những ngày cách ly.

Trên thực tế, đúng là mafia đã củng cố được địa vị của mình trúng vào những lĩnh vực coi như sống còn trong đời sống xã hội Italia thời khủng hoảng. "Công lao" của những băng đảng là chúng chiếm cổ phần trong những hãng, công ty chuyên lo việc thu dọn rác, dọn dẹp nhà cửa, lên kế hoạch - tổ chức và kiểm tra trong các khâu hậu cần, tiếp vận, tang lễ, bán lương thực thực phẩm và xăng dầu.

"Bao giờ cũng thế, bọn mafia biết rõ thứ gì bây giờ đang cần, sẽ cần đến trong tương lai gần và chúng phân phối hàng hóa, bắt người mua phải tuân theo những điều kiện của mình", Saviano nhấn mạnh. Tệ hơn nữa là trong tất cả các lĩnh vực mà bọn mafia thâm nhập được, có cả hệ thống bảo vệ sức khỏe. Cụ thể là vụ kết án Carlo Chiriaco, người đang là lãnh đạo cơ quan bảo vệ sức khỏe của tỉnh Pavia (phía bắc Italia), đồng thời liên quan đến 'Ndrangheta - "chị em" vùng Calabria của  băng đảng Cosa Nostra ở Sicily.

Còn một thế mạnh nữa của bọn tội phạm có tổ chức trong thời buổi gay cấn có liên quan đến sự chú ý của chính quyền bị giảm sút. Trên thực tế tất cả các tin tức đều nói về đại dịch, cho nên mafia có thể hành động hầu như vô tăm tích, mà hệ thống hành pháp Italia vốn đã hoạt động túc tắc chẳng ra tốt mà cũng chẳng ra xấu thì hoàn toàn rệu rã.

Giữa lúc có thông tin về việc các băng đảng đang dùng mạng xã hội để kêu gọi tấn công các cửa hàng thì lực lượng cảnh sát đã được triển khai trên đường phố Palermo, thủ phủ vùng Sicily. Một công ty vận hành phà đã dừng tuyến đi đến hòn đảo này, bao gồm các chuyến phà cung cấp thực phẩm và thuốc men quan trọng, vì bị phá sản.

Trong bối cảnh đó, công ty phà Tirrenia CIN hôm 30-3 quyết định tạm dừng mọi chuyến đi đến Sicily, Sardinia và các đảo nhỏ khác do gặp khó khăn về tài chính. Theo báo La Repubblica, National Revolution, nhóm kín trên Facebook với khoảng 2.600 thành viên, đang thúc giục những người khác thực hiện các cuộc tấn công như ở siêu thị Palermo.

Cảnh sát triển khai ở "thủ phủ mafia" Palermo.

Các nền tảng mạng xã hội khác, bao gồm WhatsApp, đang được theo dõi. Tại tất cả các thị trấn ở Sicily, các chủ cửa hàng nhỏ vẫn được phép mở cửa đang bị cư dân địa phương gây áp lực cho họ thực phẩm miễn phí. Đang có một "quả bom hẹn giờ trong xã hội" tại vùng này, nơi có dân số 5 triệu người và đã ghi nhận nhiều ca tử vong vì dịch bệnh.

"Ở miền Nam Italia, nhiều người sống cầm cự qua ngày, làm những công việc lặt vặt như bốc dỡ xe tải ở chợ, và họ đang gặp khó khăn. Chúng tôi cần cảnh giác để xem liệu các tổ chức tội phạm có đứng đằng sau bất ổn xã hội hay không", ông Stefano Paoloni, lãnh đạo một liên minh cảnh sát nói.

Một quan chức Italy đề nghị giấu tên cho biết việc ngăn chặn tình trạng bất ổn ở khu vực được gọi là Mezzogiorno, vùng kém phát triển ở phía Nam từ lâu đã tụt hậu hơn so với các vùng giàu có ở phía Bắc, đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Tất nhiên, mafia cũng chịu thiệt do hạn chế tự do chuyển dịch trong khuôn khổ cách ly, nhưng nó lại biết hoạt động mềm dẻo và nhanh chóng theo điều kiện đang thay đổi. Ví dụ việc buôn bán ma túy chuyển từ những chỗ công cộng sang những hàng người vô tận trước siêu thị hay hiệu thuốc.

Thêm nữa, cái lợi mà bọn mafia có được từ cuộc khủng hoảng sẽ chẳng biến đi sau khi bãi bỏ những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã áp dụng trong khuôn khổ chiến dịch chống COVID-19. Bởi vì sau khi đại dịch kết thúc, Italia sẽ đụng phải cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề, mà đối với bọn mafia, đấy lại là có lợi cho chúng.

Chính quyền cần sớm hành động sớm

 Ông Giuseppe Sala, Thị trưởng thành phố Milan, đã phát biểu khi nói về những nguy cơ đối với thành phố của mình rằng: "Tiếp sau cuộc khủng hoảng, những cơ hội kinh doanh tốt nhất sẽ thuộc về những kẻ mạnh nhất. Trong các băng đảng mafia vốn có rất nhiều tiền, họ sẽ hoàn toàn đủ lực để tận dụng cơ hội phát sinh trên thị trường".

Theo ông Sala, còn một bối cảnh nữa nghiêm trọng hơn cả là ở miền Nam đất nước: "Ở đó mafia sẽ giúp cho dân chúng đang gặp phải những vấn đề to lớn nhất và lôi kéo lớp người đó về phía mình".

Người dân không liên hệ với bọn mafia rất cần được hỗ trợ.

Chính phủ Italia nhận thấy mối nguy hiểm ấy, nhưng hiện nay tất cả sự chú ý còn phải dành cho cuộc chiến chống COVID-19 ở miền Bắc và chuẩn bị cho miền Nam đối phó với sự lây nhiễm lan rộng của bệnh dịch, cho nên viện trợ sẽ không thể đến nhanh, không thể tránh được những sai lầm do tệ quan liêu.

Theo báo La Repubblica, tại một siêu thị có người đã hét lên với nhân viên thu ngân: "Chúng tôi không có tiền để trả, chúng tôi phải ăn". Ông Leoluca Orlando, Thị trưởng thành phố Palermo, nói với báo La Stampa: "Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng, hơn cả nhanh chóng. Sự quẫn bách có thể biến thành bạo lực. Cảnh sát đã được triển khai bên ngoài các siêu thị ở Palermo sau khi ít nhất một nhóm cư dân giận dữ không trả tiền mua hàng".

Ông Provenzano, Bộ trưởng phụ trách miền Nam, cho rằng Chính phủ cũng nên trợ cấp khẩn cấp cho những người trong nền kinh tế bất hợp pháp. Rủi ro là các băng đảng tội phạm có tổ chức sẽ đứng ra hỗ trợ cho những người có nhu cầu, lấp đầy khoảng trống do nhà nước để lại.

Nhà báo Virginia Kirst viết trên tờ Die Welt (Đức) kể rằng báo chí Italia không giấu sự ghen tị. Ví dụ với nước Đức, họ tiếp cận với các vấn đề của cơ sở sản xuất khá năng động và không mắc bệnh quan liêu, nên các công ty, xí nghiệp nhận được sự hỗ trợ tài chính thực chất của nhà nước.

Còn ở Italia, ngay từ ngày 1-4, trang mạng của cơ quan thuế vụ đã bị treo vì quá tải, bởi vì nó phải nhận quá nhiều đơn của các nhà quản lý công nghiệp mong muốn nhận gói  hỗ trợ gọi là "bonus coronavirus" vào khoảng 600 euro. Bây giờ họ đành phải mất ít nhất là hai tuần sau khi ngừng kinh doanh mà không có sự ủng hộ của nhà nước.

Thanh tra viên Nicola Gratteri, người được đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của cảnh sát đã đương đầu với tổ chức mafia 'Ndrangheta vùng Calabria từ năm 1989, nói trên đài phát thanh Circo Massimo rằng đã đề nghị gộp chung chi phí của chính phủ cho cuộc chiến chống COVID-19 và chi phí cho cuộc chiến với mafia.

Theo ông thì lẽ ra tiền của do các chính quyền địa phương phân phối giữa những người nghèo khó, nhà nước chỉ nên để cho những trường hợp nếu như thị trưởng giải thích được là ai sẽ được nhận bao nhiêu và không nghi ngờ rằng người được nhận hỗ trợ của nhà nước chẳng liên hệ gì với bọn mafia.

 "Chuyển tiền thẳng cho các vị Thị trưởng vốn là cách thức có thể đẩy nhanh tiến độ công việc. Nhưng nếu như bản thân Thị trưởng là ông trùm mafia hoặc là kẻ môi giới cho bọn mafia, thì đương nhiên ông ta sẽ chia tiền cho những người có liên hệ với mafia và những người sẽ bỏ phiếu cho ông ta, Nicola Gratteri nói. 

Cảnh sát đã được triển khai trên đường phố Sicily để ngăn chặn tình trạng hôi của và bạo loạn, trong khi giới chức lo ngại mafia có thể sắp can dự gây thêm bất ổn. Thủ tướng Giuseppe Conte cố gắng duy trì trật tự và đoàn kết xã hội trong cuộc phong tỏa toàn quốc đã được gia hạn đến giữa tháng 4.

Thủ tướng Conte đang tính đến một gói kích thích kinh tế mới trị giá ít nhất 30 tỷ euro (33 tỷ USD), sau gói giải ngân 25 tỷ euro ban đầu, và trong khoản hỗ trợ đã công bố, ông đang cố gắng chuyển tiền vào miền Nam. Nếu như chí ít ra sẽ lập danh sách những người cần đến sự hỗ trợ và những người nghi là có liên hệ với bọn mafia thì tình hình sẽ trở nên trong sáng hơn. Và đó là điều có thể nói là cách thức chống mafia hữu hiệu nhất.

Đăng Bẩy (theo Die Welt)
.
.
.