Iraq ngày càng nguy hiểm với các nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ
Vụ tấn công bằng rocket mới nhất được đưa ra trong thời điểm Mỹ cảnh báo đóng cửa Đại sứ quán tại Iraq vì lý do an ninh, buộc Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi phải đưa ra cam kết về việc bảo vệ các tòa nhà ngoại giao, phái bộ nước ngoài và đảm bảo chỉ có lực lượng an ninh của chính phủ sỡ hữu vũ khí.
Trong vài tuần qua, số vụ tấn công bằng rocket nhằm vào khu vực gần Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad gia tăng đáng kể, bên cạnh các vụ đánh bom nhằm vào các đoàn xe chở quân nhu cho liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu tại Iraq.
Binh sĩ Mỹ tại Iraq. |
Mới đây nhất, ngày 28-9, một vụ tấn công rocket nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad, nơi binh sĩ Mỹ đang đồn trú, khiến 3 trẻ em và 2 phụ nữ thiệt mạng. 2 quả rocket đã rơi trúng nhà dân gần sân bay quốc tế ở khu vực Albu-Amir, phía Tây Nam Baghdad. Ngoài 5 người thiệt mạng nói trên, vụ tấn công còn khiến 2 trẻ em khác bị thương. Vụ tấn công được cho là do các băng nhóm tội phạm và các nhóm ngoài vòng pháp luật tại vùng kế cận Al-Jihad thực hiện. Đây là vụ tấn công mới nhất nhằm vào khu vực sân bay quốc tế này.
An ninh tại Iraq vẫn bất ổn khi thường xuyên xảy ra các vụ tấn công bằng đạn pháo và rocket nhằm vào các địa điểm như sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad và các căn cứ quân sự nơi binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq cũng như Đại sứ quán Mỹ ở Vùng Xanh.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là đã cảnh báo Iraq rằng, Mỹ sẽ đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Baghdad nếu Chính phủ Iraq không có hành động để chấm dứt các cuộc tấn công như vậy. Trên thực tế, một số quan chức Iraq và các nhà ngoại giao phương Tây cho biết Washington đã lên kế hoạch rút các nhà ngoại giao về nước.
Mỹ đã rút quân khỏi Iraq vào năm 2011 sau 8 năm dẫn đầu cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein. Sau đó, Iraq rơi vào xung đột giáo phái nghiêm trọng. Năm 2014, Mỹ triển khai hàng nghìn binh sĩ trở lại Iraq dưới hình thức liên minh chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Mỹ hiện triển khai khoảng 5.300 binh sĩ tại Iraq nhằm hỗ trợ các lực lượng an ninh nước sở tại trong cuộc chiến chống Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, với nhiệm vụ chính là cố vấn và huấn luyện. Iraq đã nhiều lần hối thúc Mỹ rút quân về nước khi Baghdad không muốn mình bị biến thành "chiến trường" của Mỹ và Iran trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng căng thẳng.
Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ cắt giảm quân số xuống còn 3.000 người. Andrei Chuprygin, giảng viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Phương Đông HSE, giải thích điều này là do binh lính và sĩ quan Mỹ ngày càng cảm thấy ít thoải mái hơn ở đất nước này. Chuyên gia lưu ý: "Gần đây, đặc biệt là sau khi nhà lãnh đạo quân đội Iran Qassem Soleimani bị giết hại ở Baghdad, tình hình của Mỹ ở Iraq không được tốt cho lắm. Các đoàn xe liên tục nổ tung, nhiều vụ tấn công bằng tên lửa nhắm vào các vị trí của quân Mỹ đã xảy ra. Điều này khiến họ không muốn ở lại những khu vực như vậy".
Đại sứ quán Mỹ tại Iraq cũng thành mục tiêu tấn công. |
Trên thực tế, Iraq đã biến thành một điểm nóng khác. Ông Chuprygin nói: "Người dân Iraq ngày nay chỉ quan tâm đến một điều duy nhất: Tồn tại, được mặc quần áo và có thực phẩm, có mái che trên đầu. Có người Mỹ hay không, họ không thèm quan tâm. Tâm lý từ chối ngày càng mạnh mẽ hơn".
Mới đây, đã xảy ra một vụ đánh bom nhằm vào xe hộ tống của Anh đang di chuyển trên đường và là vụ tấn công đầu tiên theo hình thức này nhằm vào các nhà ngoại giao phương Tây ở Iraq trong nhiều năm qua.