Iraq còn nóng bỏng

Thứ Bảy, 21/03/2020, 21:12
Những ngày trung tuần tháng 3/2020, tại Iraq đã liên tiếp diễn ra những vụ tấn công vào các căn cứ quân sự dẫn đến những thiệt hại nhân mạng. Để trả đũa cho căn cứ Taji nằm dưới quyền cai quản của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, quân đội Mỹ đã phóng tên lửa vào căn cứ của lực lượng dân quân Iraq, Hashed al-Shaabi…

Tình hình nghiêm trọng đến mức ngày 16/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed al-Sahaf đã tuyên bố rằng Baghdad đã gửi lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) công hàm phản đối về việc quân đội Mỹ đã bắn tên lửa vào các cơ sở nhà nước ở Iraq và “coi đây là hành động xâm phạm thô bạo chủ quyền và xâm lược đối với Iraq”.

Ăn miếng trả miếng

Ngày 11/3, căn cứ Taji của liên quân quốc tế nằm ở vùng ngoại ô phía Bắc Baghdad đã trở thành mục tiêu của một đợt tấn công với 18 quả rocket. Hai quân nhân Mỹ và một quân nhân Anh đã bị giết chết.

Quân nhân Mỹ trong lúc bắn tên lửa tại căn cứ quân sự Al Asad trên lãnh thổ Iraq.

Mặc dù chưa có tổ chức nào ở Iraq đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công này nhưng quân đội Mỹ ngay hôm sau đã bắn tên lửa vào các căn cứ của dân quân Iraq vì cho rằng ở đó có cả nhóm vũ trang Kataib Hezbollah, bị phương Tây coi là thân Iran.

Kataib Hezbollah mặc dù phủ nhận sự liên quan của mình tới vụ  ủng hộ vụ nã rocket ngày 11/3 vào căn cứ Taji nhưng vẫn tuyên bố là về mặt tinh thần, họ ủng hộ cho những hành động như thế. Lầu năm góc thông báo rằng 5 căn cứ quân sự của Kataib Hezbollah ở khắp lãnh thổ Iraq đã bị tấn công.

Theo người phát ngôn của quân đội Iraq, các vụ tấn công của liên quân do Mỹ lãnh đạo đã không chỉ nhằm vào các căn cứ mà cả vào một sân bay đang được xây dựng ở Karbala. Và đã không giết được thành viên Kataib Hezbollah nào, mà chỉ làm 3 quân nhân, 2 cảnh sát và 1 nhân viên dân sự của nước này thiệt mạng…

Cái sảy nảy cái ung, ngày 14/3, lại có một đợt tấn công nữa nhằm vào căn cứ Taji. Theo thông báo của Ủy ban Các chiến dịch phối hợp tại Iraq, khoảng 33 quả rocket đã được nã vào đây trong cái gọi là “một cuộc tấn công táo tợn”, làm 2 binh sĩ người Iraq bị thương. Theo hãng thông tấn INA, các lực lượng an ninh chính phủ sau đó đã tìm thấy 7 bệ phóng rocket, được sử dụng cho vụ tấn công này. Quân đội Iraq đã vô hiệu hóa được 24 quả rocket khác… 

Iraq cho rằng Mỹ đã xâm phạm chủ quyền đất nước họ.

Trước nguy cơ các vụ tấn công ăn đũa trả đũa có thể làm trầm trọng hơn vòng xoáy bạo lực mới, Chính phủ Iraq đã kêu gọi Mỹ và đối tác liên quân chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không ăn miếng trả miếng đối với vụ pháo kích ngày 14/3.

Hành trình bất tận

Từ tháng 8/2014 trên lãnh thổ Iraq, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã chính thức tiến hành các chiến dịch quân sự “Quyết tâm không gì lay chuyển”  (Inherent Resolve) nhằm tiễu trừ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Chiến dịch này được triển khai theo yêu cầu được giúp đỡ của Baghdad gửi lên Hội đồng Bảo an LHQ trước đó, khi các lực lượng quân sự của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự phong trên thế tấn công như chẻ tre đã chiếm được tới một phần ba lãnh thổ Iraq và nhiều vùng rộng lớn ở Syria.

Người phát ngôn BNG Iraq, TS Ahmed al-Sahaf.

Hơn 20 nước (trong đó có Mỹ, Australia, Canada, Đan Mạch, Pháp, Jordani, Hà Lan, Anh, Bahrein, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất…) đã tham gia vào việc đảm bảo cho các hoạt động tài chính, tình báo, đảm bảo kỹ thuật và hỗ trợ chính trị cho chiến dịch này.

Chiến dịch được mở đầu bằng một loạt các trận không kích vào ngày 8-8-2014. Các con số thống kê cho thấy, chỉ trong vòng một năm đầu tiên tiến hành chiến dịch này, liên quân quốc tế đã “đốt” hết hơn 3 tỉ đô la…

Cũng phải nói rằng, cuộc chiến chống IS từ đó đã mang lại những kết quả tốt, đặc biệt là từ sau khi Liên bang Nga cũng đã tham gia tích cực và mạnh mẽ hơn với sự ủng hộ nhất quán với Chính phủ Syria doTổng thống Bashar Al Asad dứng đầu. Sự suy yếu của IS ở Syria cũng tác động tới việc lực lượng này bị hao mòn sinh lực trên lãnh thổ Iraq…

Từ ngày 5/2/2018, Washington đã bắt đầu rút các đơn vị quân đội khỏi Iraq, tuy nhiên vẫn tiếp tục duy trì sự có mặt về quân sự của mình trên lãnh thổ nước này với số quân lên tới trên dưới 5.000 người.  Và đây đã là chủ đề gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận sở tại cũng như ở chính nước Mỹ…

Căn cứ Mỹ bị bắn rocket.

Ngày 3/1/2020, lực lượng Mỹ không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad, làm tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Qasem Soleimani và chỉ huy lực lượng dân quân Hashed al-Shaabi của Iraq, al-Husssaini, thiệt mạng.

Tướng Qasem Soleimani vốn được coi là nhân vật có ảnh hưởng lớn thứ hai ở Iran, đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối và thắt chặt các mối quan hệ giữa Iran và Iraq.  Ông cũng bị Washington coi là kẻ thù bởi tinh thần tử vì đạo quyết liệt của mình…

Cái chết của tướng Qasem Soleimani bởi bàn tay của Washington đã gây chấn động dư luận ở Trung Đông và trên thế giới, làm căng thẳng thêm mối quan hệ vốn dĩ luôn nóng bỏng giữa Mỹ và Iran. Ngày 8-1-2020, Iran đã bắn hàng chục tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú trên đất Iraq. Theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump, những cuộc tấn công đó đã không làm quân nhân nào của Mỹ bị chết…

Cuộc chiến chống IS phải tạm ngừng để các đơn vị lính Mỹ lo toan những biện pháp tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị tiếp tục tấn công từ phía Tehran. Và bản thân lực lượng liên quân cũng chịu những tác động không thuận lợi, khiến các quốc gia tham gia chiến dịch “Quyết tâm không gì lay chuyển”  phải thân ai nấy lo để đối phó với những nguy cơ mới và dư luận xã hội…

Các biện pháp an ninh cho liên quân được gia tăng với sự co cụm hoạt động tại các căn cứ chủ yếu nằm ở vùng ngoại ô Baghdad… Dĩ nhiên là các phần tử IS đang ẩn náu trên lãnh thổ Iraq sẽ không chịu khoanh tay thúc thủ mà sẽ tìm mọi cách để chiếm lại những khoảng không gian sinh tồn mà liên quân quốc tế buông bỏ…

Dư luận bài Mỹ ở Iraq cũng có vẻ gia tăng sau những sự kiện trên. Ngay trong chính giới Iraq cũng ngày càng mạnh hơn quan điểm mong muốn đất nước thoát khỏi sự hiện diện quân sự của nước ngoài.

Chính Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi ngày 5/1 cũng phải công nhận rằng, cuộc không kích sân bay Baghdad là một hành động gây hấn nhằm vào Iraq và vi phạm chủ quyền nước này, có thể sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh tại Iraq, trong khu vực cũng như trên thế giới. Ông Mahdi cũng cho, cuộc tấn công đó đã vi phạm các điều kiện đối với sự hiện diện của Mỹ tại Iraq và cần phải được xử lý bằng luật pháp để đảm bảo an ninh và chủ quyền.

Trong bầu không khí ấy, Quốc hội Iraq cũng trong ngày 5/1 đã thông qua “nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sỹ nước ngoài tại Iraq”. Đây chính là sự “bật đèn xanh” cho chính phủ đàm phán với Mỹ về tương lai của số binh sỹ nước này đồn trú tại Iraq.

Bất chấp mọi sự, ngày 12/1, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert OBrien vẫn lớn tiếng tuyên bố rằng Mỹ chỉ rút quân khỏi Iraq “theo những điều kiện riêng và chỉ khi thấy an toàn, khi tổ chức IS bị loại trừ hoàn toàn”. Không những thế, Lầu năm góc còn tái triển khai các chiến dịch quân sự với danh nghĩa là nhằm tấn công vào các lực lượng IS...

Cần phải thấy rằng, ở thời điểm hiện nay, mặc dù Chính phủ Iraq vẫn rất cần những điều kiện thuận lợi trong các mối quan hệ với Washington nhưng đang bắt buộc phải tìm mọi cách để gìn giữ thể diện của mình trong những nỗ lực bảo vệ chủ quyền và củng cố khối đoàn kết nội bộ trong các vấn đề đối với sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq.

Các cuộc tấn công trả đũa mới của quân đội Mỹ vào các cơ sở nhà nước ở Iraq, sát hại các công dân Iraq,  như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq tuyên bố, chắc chắn không thể làm dịu đi bầu không khí vốn đã nóng bỏng ở khu vực này.

Và đục nước béo cò, các lực lượng quyết tử đối với phương Tây sẽ có thêm động lực và điều kiện để triển khai các hoạt động quân sự của mình nhằm vào liên quân quốc tế, trước hết là quân nhân Mỹ và những đồng minh thân cận nhất của Washington như Anh chẳng hạn…

Không ngẫu nhiên mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Abbas Musawi, ngày 14-3 trong khi lên tiếng phản đối những lời buộc tội của Washington về việc Tehran dường như phải chịu trách nhiệm về những vụ tấn công vào các căn cứ của liên quân quốc tế trên lãnh thổ Iraq, đã cảnh báo Washington không nên có những hành động đáp trả thiếu suy nghĩ vì “sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề”. Ông cũng đồng thời chỉ rõ rằng, “sự hiện diện bất hợp pháp” của Mỹ mới là nguyên nhân dẫn tới tình hình căng thẳng ở Iraq.

Hồng Thanh Quang
.
.
.