Iran: Những đoàn tàu bí ẩn

Thứ Hai, 26/10/2020, 08:50
Thoắt ẩn thoắt hiện giữa đại dương mênh mông, những con tàu cắm cờ Iran thường đột nhiên biến mất trên bản đồ khoảng vài tháng rồi bất ngờ xuất hiện trở lại. Tại sao những đoàn tàu như thế lại tồn tại và chúng đã đi những đâu? Đó là một bí ẩn mà chỉ có những người trong cuộc và trực tiếp vận hành mới nắm rõ.


Bật và tắt

Một ngày cuối tháng 9, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ dò ra tín hiệu từ một tàu chở dầu Iran vốn đã biến mất trước đó nhiều tháng. Con tàu này từng được liệt vào danh sách gặp nạn và mất tích cho đến ngày mọi thông số theo dõi cho thấy nó vẫn hoạt động ổn. Thông thường một tàu buôn thương mại sẽ chẳng bao giờ làm chuyện đó nếu như quốc gia chủ quản của nó được thế giới chào đón, điều Iran hiện không có.

Các vòng đàm phán về quá trình giải giáp hạt nhân giữa Mỹ và Iran liên tục gặp khúc mắc trong thời gian gần đây vì đôi bên không tìm được tiếng nói chung. Hậu quả là Mỹ tiếp tục áp đặt, thậm chí gia tăng các lệnh trừng phạt lên một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội tại Iran và buộc giới cầm quyền ở đây phải vào cuộc.

Iran biết ngày Mỹ nới lỏng hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chỉ diễn ra ở một tương lai rất xa. Thay vì chờ đợi tín hiệu tích cực từ những vòng đàm phán, họ quyết định kinh doanh "chui" mặt hàng vàng đen vốn được rất nhiều đối tác thèm khát. Ấn Độ và Trung Quốc là hai bạn hàng lớn nhất của Iran, và thậm chí một vài nước châu Âu còn sẵn lòng tạo khung pháp lý hỗ trợ nhập khẩu "chui" dầu thô từ quốc gia Trung Đông này.

Chỉ cần tắt thiết bị GPS, tàu Iran sẽ vô hình trước mắt phương Tây.

Theo thông lệ quốc tế, các tàu chở dầu của Iran phải neo đậu ở bến cảng với thiết bị GPS được kích hoạt 24/24 nhằm hỗ trợ việc giám sát toàn bộ hải trình. Tàu chỉ được ra khơi khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ được dỡ bỏ và quốc tế chính thức thông qua. Vì thế Iran qua mặt Mỹ và các đồng minh bằng việc tắt GPS trước khi con tàu ra khơi. Bằng cách đó, phương Tây sẽ không thể tìm ra hải trình của các tàu chở dầu Iran đang chạy tới nơi nào.

Mỹ ước tính trong năm 2019, có đến 80% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran đi "chui" theo những đoàn tàu ma như thế. Giới chức Mỹ biết đây là con số đáng tin cậy, nhưng họ lại không thể nào chứng minh được điều đó với công chúng. Lý do bởi Mỹ hoàn toàn không có thông tin chính thức nào về những đoàn tàu ma này cả. Những bạn hàng mua dầu thô từ Iran, bao gồm cả đồng minh của Mỹ, dĩ nhiên không bao giờ muốn công khai con số.

"Không kích hoạt GPS, không có tín hiệu di chuyển giữa biển nên chúng tôi không thể lần ra và theo dõi được có bao nhiêu tàu chở dầu Iran xuất hàng ra nước ngoài", một quan chức giấu tên của Chính phủ Mỹ chia sẻ. Cũng theo thông tin từ người này, Mỹ đang thực sự bối rối bởi cách lách luật công khai này của Iran mà không thể làm gì được. Những "đoàn tàu ma" thường mất tích 4-6 tháng rồi bất ngờ xuất hiện trở lại giữa Vùng Vịnh. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện khiến Mỹ không thể dò ra.

Ai là tác giả?

Lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Iran giới hạn cho chính phủ và các tổ chức chịu sự chi phối của Nhà nước Iran, thế nên có thể dễ dàng suy đoán ai là người giật dây những “đoàn tàu ma”. Công ty Hóa dầu Quốc gia Iran (NITC), tập đoàn chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi lệnh cấm vận Mỹ đưa ra là tác giả của sáng kiến bật và tắt thiết bị GPS trên tàu. Xét ở quy mô quốc gia, Iran là nước duy nhất chủ động làm điều này.

Vậy đâu là lý do khiến những con tàu ma của Iran không biến mất vĩnh viễn trên bản đồ hàng hải thế giới, mà cứ vài tháng lại xuất hiện một lần? Theo phán đoán từ Washington, Iran chỉ tiết lộ vị trí tàu neo đậu mỗi lần quốc gia này có lịch tập trận ven biển. Bằng cách kích hoạt thiết bị GPS hoạt động trở lại, Iran có thể đảm bảo các loại vũ khí thông minh của họ không nhầm lẫn tàu chở hàng với bia tập bắn trên biển.

Cách lách luật của Iran ngay trước mũi Mỹ và các đồng minh khiến cho lệnh trừng phạt áp đặt lên quốc gia này trở nên vô hiệu. Qua đó, quốc tế không thể biết được sản lượng dầu mỏ chính xác của Iran như thế nào, họ đã xuất khẩu bao nhiêu và còn lượng nào được tiêu dùng trong nước. Cộng thêm việc Iran có tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu phục vụ ngành công nghiệp hóa dầu lên tới 70%, lệnh trừng phạt từ Mỹ càng không ảnh hưởng mấy đến họ.

Bên cạnh việc không nắm bắt được thông tin cũng như tình hình kinh tế - xã hội tại Iran, có 2 điều khác từ "đoàn tàu ma" khiến Mỹ phải lo lắng. Thứ nhất là những chuyến tàu đó có thể chở vũ khí và những loại nguyên vật liệu khác để trao đổi với nước ngoài. Thứ hai, những đoàn tàu như vậy thường không đi theo lộ trình hàng hải quốc tế. Sẽ ra sao nếu tàu chở dầu của Iran đâm phải một con tàu khác giữa đại dương? Đó sẽ là một thảm họa sinh thái.

Mối hoài nghi tưởng như lo xa thái quá đó đã trở thành sự thật. Hồi tháng 7 năm ngoái, Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt giữ Grace 1, một tàu thương mại cắm cờ Panama nhưng lại thuộc sở hữu của Iran. Dựa vào lộ trình của con tàu này trước đó, phương Tây phát hiện ra nó đang trên đường tiếp tế đến Syria. Sự giúp đỡ liên tục từ các đồng minh như Iran là lý do giải thích tại sao chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đứng vững bất chấp mọi cuộc công kích của thù trong giặc ngoài.

Hàng chục "con tàu ma" của Iran chở dầu thô đi khắp thế giới.

Những kẻ "bắt cá hai tay"

Có nhiều lý do khiến những "đoàn tàu ma" của Iran vẫn sừng sững hiên ngang đi khắp năm châu bốn biển bất chấp hiểm nguy trên đường. Thứ nhất là sự giúp đỡ của các đồng minh. Không lâu sau khi Mỹ bắt giữ 4 tàu chở dầu của Iran hồi tháng 8, Venezuela lập tức tuyên bố đưa quân đội hỗ trợ các tàu còn lại lên đường bình an. Với trình độ của ngành công nghiệp hóa dầu, Iran có đủ khả năng cứu trợ những nước đang trên đà khủng hoảng như Venezuela, thế nên họ được đáp lại cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh những đồng minh giúp sức, Iran còn được trợ giúp bởi chính một vài quốc gia thù địch với họ trên danh nghĩa. Một số quốc gia vùng Nam Âu cũng làm điều tương tự bằng việc chuyển tiền thanh toán cho Iran thông qua một số kênh trung gian. Đáp lại, họ bằng lòng trở thành điểm đến cho một số "con tàu ma".

Vậy làm cách nào mà các con tàu không kích hoạt thiết bị GPS của Iran có thể đi đúng lộ trình và không sợ va chạm với tàu khác? Trên thực tế, Mỹ không phải nơi duy nhất có thiết bị giám sát hành trình và theo dõi tàu biển. Từ việc nhận ra sử dụng GPS có thể làm bại lộ nhiều bí mật an ninh, một vài quốc gia đã sử dụng riêng dịch vụ giám sát hành trình của những công ty tư nhân. Một trong số đó là trang web TankerTracker.com, được điều hành bởi nhà đồng sáng lập Samir Madani.

"Cậu ấy là một kẻ tham công tiếc việc. Niềm đam mê của Madani là mỗi ngày ngồi trước màn hình máy tính và theo dõi đường đi của những con tàu chở dầu đang ra khơi", Robin Mills chia sẻ. Tương tự Madani, Mills là một chuyên gia về lĩnh vực chuyên chở dầu mỏ bằng tàu siêu trường, siêu trọng. Đứa con tinh thần của ông là Tập đoàn Năng lượng Qamar. Dù không tuyên bố công khai, một vài người suy đoán Mills cũng chính là kẻ "bắt cá hai tay" giúp Iran lách lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong thời buổi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, những "đoàn tàu ma" của Iran vẫn tiếp tục ra khơi đều đặn. Dưới các biện pháp nghiêm ngặt đảm bảo y tế, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới vẫn xuất khẩu đều đặn vàng đen thông qua các kênh không chính thống. Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran vẫn giao thương và phát triển nhờ những đoàn tàu ma như thế. Mỹ có thể gia tăng các biện pháp phong tỏa Iran, nhưng không thể ngăn những đối tác của quốc gia này tiếp tục đặt hàng mua dầu thô trong bối cảnh mặt hàng này vẫn duy trì nhu cầu ổn định.

Hải Sơn (tổng hợp)
.
.
.