Interpol - Cánh tay nối dài của Công an Việt Nam trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia
- Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 88 Đại hội đồng INTERPOL
- Interpol Việt Nam qua “kho chuyện” của nhà báo nổi tiếng
Năm 2019 đánh dấu nhiều thành công của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm với các nước trên thế giới và khu vực như: Tổ chức thành công Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 39, tham gia các chiến dịch đấu tranh, phòng chống tội phạm của Interpol, đấu tranh có hiệu quả nhiều chuyên án, vụ án có yếu tố nước ngoài….
Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Đức Tuyến, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an, đơn vị có lực lượng Cảnh sát Interpol, cánh tay nối dài của Bộ Công an Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác, đấu tranh phòng chống tội phạm trên thế giới và khu vực.
Phóng viên: Trong năm 2019, một trong những sự kiện của Bộ Công an được đông đảo bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là tổ chức thành công Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 39 (ASEANAPOL 39). Với vai trò thường trực Ban Tổ chức, trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị, xin Đại tá chia sẻ đôi điều về thành công của Hội nghị, những điều tâm đắc nhất và những kinh nghiệm rút ra từ Hội nghị?
Đại tá Lê Đức Tuyến: Từ ngày 16 đến ngày 20-9-2019 tại Hà Nội, Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 39 (Hội nghị ASEANAPOL 39) đã diễn ra thành công tốt đẹp. Với chủ đề “Đối tác vinh quang, thống nhất bền vững”, Hội nghị năm nay đã thu hút sự tham dự của hơn 360 đại biểu đến từ lực lượng Cảnh sát 10 nước ASEAN, 10 đối tác đối thoại, 6 quan sát viên. Hội nghị ASEANAPOL 39 vui mừng tiếp đón số lượng đại biểu đông nhất tham dự các kỳ Hội nghị ASEANAPOL thường niên. Bên cạnh sự thành công về mặt nội dung với sự đồng thuận, nhất trí của tất cả các đoàn đại biểu về chính sách, chương trình hoạt động của ASEANAPOL trong năm 2020, công tác tổ chức chu đáo, trọng thị, nêu cao tinh thần hữu nghị, đoàn kết đã để lại một kỳ hội nghị với những ấn tượng đẹp và khoảnh khắc khó quên trong lòng bạn bè quốc tế.
Với tinh thần đoàn kết, thẳng thắn chia sẻ và hướng về mục tiêu chung là đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đưa ra các sáng kiến tại 8 phiên họp, tập trung vào các nội dung như: Trao đổi tình hình, kết quả hợp tác trong phòng, chống các loại tội phạm như: mua bán trái phép chất ma túy, khủng bố, buôn lậu vũ khí, mua bán người...; đánh giá kết quả xây dựng, khai thác Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thông tin tội phạm xuyên quốc gia của ASEANAPOL (e-ADS); kết quả hợp tác tương trợ các vấn đề hình sự, trao đổi nhân sự, hợp tác đào tạo giữa Cảnh sát các nước ASEAN; thảo luận các vấn đề hợp tác phòng, chống tội phạm với các nước đối tác đối thoại và quan sát viên. Kết thúc Hội nghị, Trưởng đoàn Cảnh sát các nước ASEAN đã ký Thông cáo chung về nội dung hợp tác Cảnh sát các nước ASEAN trong năm 2019 - 2020.
Nếu như Hội nghị ASEANAPOL 29 tại Việt Nam đánh dấu sự ra đời của Ban Thư ký ASEANAPOL thì Hội nghị ASEANAPOL 39 không kém phần quan trọng khi lần đầu tiên các nước thành viên đồng thuận đưa ra quyết định chuyển giao toàn bộ các vị trí Giám đốc của Ban Thư ký ASEANAPOL cho nhân sự mới hoàn toàn; đồng thời đồng ý cho Cơ quan phòng, chống tội phạm quốc gia Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (NCA) từ quan sát viên trở thành đối tác đối thoại của ASEANAPOL, Hội đồng hợp tác Cảnh sát Vùng Vịnh (GCCPOL), Cảnh sát Quốc gia Pháp (FNP) và Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) trở thành quan sát viên của ASEANAPOL, nâng tổng số đối tác đối thoại và quan sát viên lên con số cao nhất trong suốt 40 năm hoạt động của ASEANAPOL. Những quyết sách quan trọng này hứa hẹn một nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam sẽ có nhiều chương trình hoạt động, sáng kiến mới góp phần giúp ASEANAPOL tăng cường vị thế trên trường quốc tế, cũng như khẳng định sự tích cực của Việt Nam với vai trò là một thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề của khu vực và thế giới.
Bên lề Hội nghị ASEANAPOL 39, Trưởng đoàn các nước thành viên ASEANAPOL và Ban Thư ký ASEANAPOL đã đến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Chương trình diễn ra theo đúng nghi lễ Nhà nước trong không khí đoàn kết, hữu nghị. Thủ tướng Chính phủ chúc mừng những kết quả đạt được của ASEANAPOL trong gần 40 năm qua, khẳng định việc đăng cai Hội nghị ASEANAPOL 39 là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng đối với lực lượng Cảnh sát Việt Nam trong năm 2019 và mong muốn các nước thành viên ASEANAPOL tăng cường hợp tác hơn nữa trên mọi mặt với tinh thần trách nhiệm cao, sự tin tưởng lẫn nhau, sự đoàn kết vì một ASEAN thống nhất và thịnh vượng.
Theo truyền thống của Hội nghị ASEANAPOL, bên cạnh những phiên họp chính thức, nhằm tạo cơ hội giao lưu và thắt chặt tình đoàn kết giữa lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN, nước chủ nhà tổ chức Chương trình thi đấu thể thao cho các đoàn vận động viên là sỹ quan Cảnh sát và Chương trình hoạt động xã hội cho các đại biểu và phu nhân. Chương trình thi đấu thể thao đã diễn ra thành công, các vận động viên thi đấu với tinh thần thể thao đẹp, đề cao tính giao lưu, học hỏi và thắt chặt tình đoàn kết giữa các đoàn. Chương trình hoạt động xã hội được triển khai đúng lịch trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đã giới thiệu được văn hoá, lịch sử, nét đẹp truyền thống của Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Sau Hội nghị, đã có nhiều đại biểu tiếp tục ở lại Việt Nam với mục đích tham quan, du lịch.
Để đạt được những thành công nêu trên, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Ninh Bình và các đơn vị liên quan thực hiện tốt các công tác chuẩn bị về nội dung, tuyên truyền, an ninh, y tế, lễ tân và hậu cần. Các mặt công tác đều được xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đáp ứng được các yêu cầu đề ra, góp phần tổ chức thành công Hội nghị, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam; đồng thời nâng cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước thành viên, các đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế; khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hữu nghị đối với bạn bè quốc tế.
Phóng viên: Được biết, Văn phòng INTERPOL Việt Nam năm vừa qua còn tham gia điều phối nhiều chiến dịch/chương trình của INTERPOL. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về một số chiến dịch lớn mà INTERPOL Việt Nam đã tham gia trong năm qua?
Đại tá Lê Đức Tuyến. |
Đại tá Lê Đức Tuyến: Trong năm vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã tham gia triển khai 12 Chiến dịch về phòng, chống tội phạm của INTERPOL. Một số chiến dịch nổi bật như: Chiến dịch OPSON VIII về phòng, chống sản xuất, vận chuyển mua bán trái phép thực phẩm giả, kém chất lượng; Chiến dịch ATHENA II về bảo vệ di sản văn hóa; Chiến dịch SUNBIRD IV về kiểm soát biên giới, chống khủng bố và truy nã tội phạm khu vực Đông Nam Á; Chiến dịch ANCHOR về phòng, chống tội phạm liên quan đến khủng bố, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển; Chiến dịch Thunderball về phòng, chống tội phạm buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.... Trong thời gian triển khai, một số chiến dịch đạt được kết quả cao như: Chiến dịch OPSON VIII phát hiện 691 vụ vi phạm pháp luật về sản xuất, vận chuyển, mua bán thực phẩm giả, kém chất lượng, tiến hành khởi tố 8 vụ, bắt giữ 10 đối tượng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến hơn 4 tỷ đồng, tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa, thực phẩm giả; Chiến dịch SUNBIRD IV tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh và Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đã phát hiện, xử lý 2 đối tượng truy nã quốc tế.
Việc tham gia các chiến dịch đã giúp lực lượng Công an Việt Nam nâng cao năng lực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong và ngoài nước quản lý biên giới, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Trong quá trình triển khai các chiến dịch, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành như Cảnh sát Biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài phát hiện và xử lý nhiều đối tượng truy nã quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, các đơn vị của Bộ Công an tham gia các chiến dịch cũng đã khởi tố, bắt giam, xử phạt hành chính nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Phóng viên: Lĩnh vực truy nã quốc tế của Văn phòng Cơ quan CSĐT trong năm vừa qua có gì nổi bật, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Đức Tuyến: Tính đến hết tháng 11-2019, trong cơ sở dữ liệu của INTERPOL có 267 lệnh truy nã quốc tế của Việt Nam còn hiệu lực (đây là các đối tượng truy nã của Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài và bị INTERPOL ra lệnh truy nã quốc tế theo yêu cầu của Văn phòng INTERPOL Việt Nam).
Các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau, chủ yếu sang các nước có chung đường biên giới với Việt Nam thông qua các cửa khẩu đường bộ, đường biển, sau đó sử dụng giấy tờ giả để trốn sang nước thứ ba. Đối với các nước cách xa Việt Nam, hầu hết các đối tượng trốn đi bằng con đường hợp pháp như đi du lịch, thăm thân, đi làm ăn... Địa bàn lẩn trốn của các đối tượng rất phức tạp nhưng thường tập trung ở những nước láng giềng và các nước trong khu vực mà việc đi lại, tạm trú tương đối dễ dàng.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiếp nhận hàng trăm yêu cầu truy bắt các đối tượng truy nã quốc tế của Cảnh sát và cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài. Các đối tượng này vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp như đi du lịch, đầu tư, làm ăn kinh tế, thăm thân... Đối với đường hàng không, các đối tượng chủ yếu nhập cảnh Việt Nam tại các cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Địa bàn lẩn trốn của các đối tượng truy nã thường là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh phía Nam nơi có nhiều người nước ngoài làm ăn sinh sống như Khánh Hoà, Đồng Nai, Bình Dương... Phần lớn các đối tượng phạm tội hình sự nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, lạm dụng tình dục… đều sử dụng giấy tờ, hộ chiếu giả hoặc thay đổi họ tên khi nhập cảnh Việt Nam để lẩn trốn sự truy tìm của Cảnh sát Việt Nam.
Sau khi tiến hành rà soát, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho phép truy tìm và bắt giữ 26 đối tượng truy nã quốc tế có thông tin lẩn trốn tại Việt Nam. Kết quả đã phối hợp các đơn vị, địa phương bắt và bàn giao 9 đối tượng cho phía nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga…). Đặc biệt đã phối hợp Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để bắt giữ và dẫn giải một đối tượng truy nã quốc tế từ Cuba về Việt Nam. Ngoài ra, đã tiến hành các thủ tục đề nghị Ban Tổng thư ký INTERPOL ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với 44 đối tượng do Công an các đơn vị, địa phương yêu cầu. Đã phối hợp với các đơn vị liên quan liên tục rà soát, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng truy nã quốc tế, các đối tượng nghi khủng bố nước ngoài trốn vào Việt Nam.
Phóng viên: Chúng tôi được biết, năm qua, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã và đang điều tra một số vụ án có tính chất quốc tế. Đồng chí có thể chia sẻ và làm rõ về vai trò của hợp tác quốc tế trong xác minh, điều tra và bắt giữ tội phạm trong một số vụ án nổi bật gần đây do Văn phòng Cơ quan CSĐT thụ lý?
Đại tá Lê Đức Tuyến: Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Cảnh sát qua kênh INTERPOL, ASEANAPOL đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng trong điều tra, khám phá một số vụ án nổi bật mà Văn phòng Cơ quan CSĐT, thụ lý và phối hợp điều tra trong thời gian gần đây.
Hiện nay, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang trực tiếp điều tra hoặc hướng dẫn, phối hợp điều tra một số vụ án nghiêm trọng liên quan đến nhiều nước trên thế giới như Singapore, Malaysia, Slovenia…. Các vụ án này liên quan chủ yếu đến các hành vi phạm tội có tính chất xuyên quốc gia như rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp, tham nhũng, lừa đảo, sử dụng mạng máy tính, mạng Internet để chiếm đoạt tài sản; nhiều vụ lừa đảo du học liên quan đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc; nhiều vụ án các đối tượng đột nhập hệ thống máy tính, địa chỉ email để giả mạo thông tin sau đó chiếm đoạt tài sản... Trong các vụ án có yếu tố nước ngoài, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành và cơ quan thực thi pháp luật của nước ngoài để điều tra, xác minh và tiến hành phong tỏa tài sản của đối tượng do phạm tội mà có.
Với quan hệ hợp tác tin cậy, hiệu quả sẵn có giữa Cảnh sát Việt Nam và Cảnh sát nước ngoài qua kênh INTERPOL, ASEANAPOL, đến nay, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã xác định được số tài sản của các đối tượng đang cất giấu ở nước ngoài và đang tích cực phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Tư pháp nước ngoài điều tra, xác minh, làm rõ nhằm thu hồi số tài sản này nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.
Đối với các vụ án khác, đặc biệt là những vụ có sử dụng công nghệ cao, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp với phía nước ngoài điều tra, xác minh do đối tượng phạm tội thường là những người có trình độ cao về công nghệ, thủ đoạn che giấu, thủ đoạn lừa đảo, rút tiền ra khỏi tài khoản rất tinh vi và nhanh chóng…
Nhìn chung theo đánh giá của Công an các đơn vị, địa phương, cho đến nay, kênh hợp tác Cảnh sát qua INTERPOL, ASEANAPOL được đánh giá là kênh hợp tác quốc tế có hiệu quả cao trong công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Chúng tôi cũng đang cố gắng từng bước nâng cao hiệu quả công tác này trong tương lai.
Phóng viên: Chúng ta lại đang bước sang một năm mới, sẽ có nhiều thay đổi về tình hình trong nước và thế giới, đồng chí có thể trao đổi về một số phương hướng công tác của lực lượng Công an để việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tiếp tục đem lại những hiệu quả và thành công?
Đại tá Lê Đức Tuyến: Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới sẽ có nhiều biến động, nhằm góp phần hội nhập quốc tế, đặc biệt là thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra: “Chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hiệp Quốc”, lực lượng Công an nói chung và Văn phòng Cơ quan CSĐT nói riêng cần phải:
Tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hợp tác quốc tế; khẩn trương xúc tiến đàm phán, ký kết các Hiệp định về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù; phối hợp, tham gia đàm phán các Hiệp định tương trợ tư pháp nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phối hợp trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là ASEANAPOL và INTERPOL. Tiếp tục phối hợp với INTERPOL triển khai các chương trình, chiến dịch và các hoạt động khác của INTERPOL tại Việt Nam. Phát huy vai trò Chủ tịch ASEANAPOL với nhiều chương trình hoạt động, sáng kiến mới góp phần gắn kết, tăng cường hiệu quả hoạt động cũng như giúp ASEANAPOL tăng cường vị thế trên trường quốc tế.
Tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác song phương với các nước láng giềng, các nước đối tác truyền thống, các nước có đông người Việt Nam sinh sống. Duy trì cơ chế trao đổi song phương giữa Văn phòng INTERPOL Việt Nam với Văn phòng INTERPOL Nga, Hàn Quốc, Singapore và thiết lập cơ chế trao đổi song phương qua kênh INTERPOL với các nước đối tác quan trọng khác.
Nâng cao hiệu quả phối hợp trao đổi thông tin truy bắt đối tượng truy nã theo yêu cầu của Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài qua kênh INTERPOL. Tiến hành rà soát truy nã quốc tế các đối tượng truy nã của Việt Nam và các đối tượng do nước ngoài đề nghị truy bắt.
Tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin tội phạm với các nước, Công an địa phương qua kênh INTERPOL nhanh chóng, hiệu quả, trong đó tập trung giải quyết kịp thời các yêu cầu trong nước; xử lý dứt điểm các vụ án lớn, các vụ việc điển hình; thu thập, phân tích các thông tin tội phạm, phương thức thủ đoạn phạm tội mới để cùng Công an các đơn vị nghiệp vụ và Công an địa phương chủ động triển khai công tác phòng ngừa.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đảm bảo đúng pháp luật, nghiệp vụ và đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu đối ngoại.