Indonesia phá nhiều âm mưu khủng bố
"Âm mưu khủng bố tại trường Đại học Aras Mulyadi ở tỉnh Riau hoàn toàn có thể tái diễn ở các trường đại học khác, nên Indonesia phải áp dụng các biện pháp hiệu quả để sớm ngăn chặn hiện tượng này", Bộ trưởng Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học Indonesia Mohammad Nasir thông báo.
Đồng thời cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát chặt chẽ các trang mạng xã hội mà sinh viên Indonesia đang sử dụng hiện nay nhằm kịp thời ngăn chặn các tư tưởng cực đoan có thể dẫn đến khủng bố.
Ông Mohammad Nasir còn khẳng định, hoạt động giám sát kể trên sẽ không ảnh hưởng tới quá trình học tập cũng như đời sống riêng của giảng viên và sinh viên, bởi mục đích chính của việc này là ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố trong các trường đại học.
Ông Mohammad Nasir đưa ra thông báo sau khi Chính phủ Indonesia quyết định đóng cửa hàng nghìn trang website "đen" để đảm bảo Internet sẽ không chứa những nội dung liên quan đến cực đoan và khủng bố.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Rudi Antara cho biết, gần 3.000 website tuyên truyền tư tưởng cực đoan đã bị đóng cửa và khoảng 9.500 website đang được kiểm tra.
Đây là động thái được tiến hành trong bối cảnh các vụ tấn công liều chết và khủng bố mới cướp đi sinh mạng của hơn 30 người ở tỉnh Đông Java và tỉnh Riau.
Cảnh sát Indonesia trong chiến dịch đột kích tại tỉnh Riau. |
Động thái của ông Mohammad Nasir diễn ra sau khi cảnh sát triệt phá thành công âm mưu đánh bom tại trường Đại học Aras Mulyadi ở thành phố Pekanbaru hôm 2-6 và các nghi can đều là cựu sinh viên của trường.
Cảnh sát đã thu giữ 4 quả bom tự chế cùng nhiều vũ khí phục vụ cho vụ tấn công khủng bố và thủ lĩnh của nhóm này là Muhammad Nur Zamzam (còn gọi là Jack), cựu sinh viên chuyên ngành Khoa học chính trị và xã hội của trường Đại học Aras Mulyadi.
Cảnh sát cho biết, Muhammad Nur Zamzam (đóng vai trò chính trong việc tự chế bom và hướng dẫn cách làm trên Instagram) đã thành lập một nhóm chat (trò chuyện) trên ứng dụng Whatsapp, để lôi kéo và tập hợp sinh viên tham gia với mục đích cùng nghiên cứu vấn đề tôn giáo, sau đó lên kế hoạch đánh bom khủng bố.
Ngoài việc vô hiệu hóa 4 quả bom tự chế đang trong trạng thái sẵn sàng kích nổ, cảnh sát còn thu giữ một lượng thuốc nổ để chế tạo bom và nhiều loại vũ khí khác như súng trường, cung tên.
Cảnh sát trưởng tỉnh Riau Nandang còn cho biết, cảnh sát đã bắt 3 nghi phạm liên quan tới âm mưu tấn công khủng bố kể trên. Còn theo người phát ngôn cảnh sát quốc gia Setyo Wasisto, Muhammad Nur Zamzam còn lên kế hoạch tấn công vào trụ sở Quốc hội ở Jakarta và hội đồng địa phương ở thành phố Pekanbaru, thủ phủ tỉnh Riau.
Ông Setyo Wasisto cũng thông báo, Muhammad Nur Zamzam có liên quan đến các thành viên của tổ chức Jemaah Ansharut Daulah (JAD), tổ chức nằm trong danh sách khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, được cho đã thu hút hàng trăm người ủng hộ ở Indonesia.
Trước đó, 3 gia đình tham gia đánh bom tự sát tại các nhà thờ và một đồn cảnh sát ở thành phố Surabaya trên đảo Java, khiến 30 người chết.
Cảnh sát cho biết, 7 trẻ em thuộc 3 gia đình kể trên đã bị "tẩy não" bởi tư tưởng cực đoan. Và những gia đình này đều nằm trong số 500 người Indonesia trở về từ chiến trường Syria.
Giới chuyên môn coi đây là thách thức mới khi lần đầu tiên phần tử cực đoan lợi dụng trẻ em tham gia đánh bom tự sát. Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu cảnh báo (2-6), động thái kể trên là "chủ nghĩa khủng bố thế hệ thứ ba", trong đó tư tưởng của IS được truyền bá từ Trung Đông tới châu Âu và châu Á thông qua mạng xã hội.
Trước đó, Tổng thống Joko Widodo ngoài việc lên án những vụ tấn công ở Surabaya, còn yêu cầu Quốc hội sớm thông qua dự luật chống khủng bố mới (đã thông qua hôm 25-5) để triệt tiêu những mạng lưới Hồi giáo cực đoan.
Nhiều người coi "gia đình khủng bố" là xu hướng đáng lo ngại ở Indonesia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, bởi đây là thủ đoạn tấn công tàn bạo và nguy hiểm mới.
Hơn 20 ngày trước (16-5), cảnh sát đã tiêu diệt 3 kẻ tấn công nhằm vào trụ sở cảnh sát ở thủ phủ Pekanbaru của tỉnh Riau. Trong số 3 tên bị bắn hạ, 1 đối tượng đã gài bom vào người và 1 tên dùng kiếm tấn công cảnh sát.
Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, Tướng Tito Karnavian thừa nhận, còn nhiều vấn đề trong công tác chống khủng bố tại quốc gia vạn đảo. Vẫn theo Tướng Tito Karnavian, khủng bố tại Indonesia hiện có liên hệ chặt chẽ với các tổ chức khủng bố nước ngoài. Đồng thời xác nhận thông tin, IS có liên quan tới hàng loạt vụ đánh bom liều chết ở Indonesia gần đây. Theo thống kê của cảnh sát, từ năm 2000 đến nay, tại Indonesia đã xảy ra hơn 340 vụ khủng bố khiến hơn 50 người chết, trên 100 người bị thương và cảnh sát đã bắt khoảng 1.500 nghi phạm. |