Indonesia:

Chiến dịch truy quét vaccine giả

Thứ Hai, 04/07/2016, 10:29
Cảnh sát quốc gia Indonesia hôm 28-6 đã mở một chiến dịch mới với trọng tâm truy quét các cơ sở, cá nhân sản xuất và phân phối vaccine giả. Chiến dịch này bắt nguồn từ vụ bắt giữ 15 cá nhân tham gia một đường dây sản xuất vaccine giả tồn tại 13 năm qua.


Nguồn tin từ hãng Channel Asia cho biết, chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch này là cơ quan chống tội phạm kinh tế đặc biệt của cảnh sát Indonesia. Người đứng đầu đơn vị này là Tướng Agung Setya cho biết, chiến dịch chống vaccine giả sẽ được thực hiện đồng bộ tại 3 tỉnh gồm Tây Java, Jakarta và Banten. Sau đó, chiến dịch sẽ được phát động rộng ra các tỉnh, thành khác.

Trả lời phỏng vấn báo giới tại trụ sở của lực lượng cảnh sát quốc gia ở Nam Jakarta, Tướng Agung Setya cho biết, việc lựa chọn 3 tỉnh nói trên làm nơi mở đầu chiến dịch chống vaccine giả bắt nguồn từ kết quả của việc triệt phá đường dây sản xuất và phân phối vaccine giả tồn tại suốt 13 năm qua.

Hàng triệu trẻ em dưới 10 tuổi ở Indonesia có thể đã bị tiêm vaccine giả. ảnh: Stuff

Tướng Agung Setya nói: “Chúng tôi phát hiện đường dây sản xuất và buôn vaccine giả này trong chiến dịch truy quét kéo dài 1 tuần (từ ngày 16-6 đến 23-6) tại 5 tỉnh, thành gồm Bekasi, Nam Tangerang, Jakarta, Bogor và Subang. Trước khi tiến hành chiến dịch, chúng tôi đã nhận được thông tin nghi ngờ từ người dân về một số cửa hàng dược phẩm bán vaccine bất hợp pháp. Ngày 16-6, chúng tôi bắt giữ kẻ đầu tiên trong đường dây này tại Bekasi.

Sau đó, tên này đã hợp tác với cơ quan điều tra, khai nhận hành vi và cho biết thêm về hoạt động của 14 tên khác. Cụ thể, 8 thành viên của nhóm này là những kẻ phụ trách, sở hữu các cơ sở sản xuất vaccaine giả, 2 kẻ làm nhiệm vụ phân phối, 2 kẻ chuyên thu mua vỏ vaccine tại các bệnh viện về để làm giả và một kẻ chuyên dán nhãn”.

Cũng theo lời Tướng Agung Setya, các cơ sở sản xuất vaccine giả được đóng tại Nam Tangerang, Bekasi, Bogor và Subang. Có thêm ít nhất 3 chủ cửa hiệu dược phẩm khác tại Kramat Jati và Đông Jakarta đã bị bắt giữ. Đồng thời, cảnh sát cũng thu giữ được 195 lọ vaccine viêm gan B giả, 221 lọ vaccine phòng bại liệt giả, 364 lọ vaccine phòng bệnh uốn ván giả và 81 lọ vaccine phòng bệnh sởi giả.

Tướng Agung Setya nói: “Điều này thật sự nguy hiểm cho trẻ em vì vaccine viêm gan B, vaccine bại liệt và bệnh sởi được khuyến cáo phải dùng cho trẻ em trong năm đầu đời. Chúng tôi đã liên hệ với Bộ Y tế để có hướng giải quyết cho những nạn nhân bị tiêm phòng vaccine giả này”.

Hiện vẫn chưa biết có bao nhiêu trẻ em bị chủng ngừa bằng vaccine giả và hậu quả mà nó có thể gây ra. Người đứng đầu cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Indonesia Bahdar Hamid cho biết, cơ quan này đã kêu gọi các phụ huynh nghi ngờ con mình bị tiêm vaccine giả tiêm lại vaccine ở các cơ sở y tế do nhà nước quản lý.

Cũng theo ông Bahdar Hamid thì lượng vaccine giả lưu hành trên thị trường Indonesia chỉ chiếm chưa đến 1% và những kẻ phân phối vaccine giả thường gửi sản phẩm của chúng tới các cửa hàng dược phẩm hoặc các công ty dược phẩm nhỏ.

Đồng thời, ông Bahdar Hamid cũng đề nghị lực lượng cảnh sát hỗ trợ kiểm tra hoạt động tiêm vaccine và bán tân dược tại các phòng khám và bệnh viện tư tọa lạc trong 5 tỉnh có hoạt động của đường dây sản xuất vaccine giả và tại 3 tỉnh đang được thực hiện chiến dịch chống vaccine giả.

Trả lời báo Jakarta Post qua điện thoại, ông Bahdar Hamid cảnh báo: “Chúng tôi không loại trừ khả năng các bệnh viện và phòng khám nhỏ có thể chấp nhận mua vaccine giả của các cơ sở sản xuất vì giá thành thấp hơn nhiều so với vaccine thật”.

Lô vaccine giả bị cảnh sát Indonesia thu giữ. ảnh: Tribunnews.

Về việc giải quyết hậu quả của loại vaccine giả được lưu hành 13 năm qua trên thị trường, ông Bahdar Hamid cho hay, cơ quan của ông đang tham vấn chính phủ về việc hỗ trợ cho phép tiêm lại vaccine miễn phí đối với những trẻ em dưới 10 tuổi từng tiêm vaccine tại những cơ sở không đảm bảo chất lượng. Trước khi được tiêm, các em này sẽ được xét nghiệm lại. Nhiều khả năng, con số trẻ dưới 10 tuổi phải tiêm lại vaccine có thể lên tới hàng triệu em.

Trong khi đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 27-6, Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek cho biết, thành phần trong loại vaccine giả được phát hiện chỉ chứa nước lọc và thành phần chống khuẩn, không có tác dụng phòng các bệnh như khuyến cáo.

Như vậy, Indonesia đã trở thành quốc gia thứ 2 trong vòng 5 năm qua rơi vào bê bối vaccine giả. Cách đây 5 năm, Trung Quốc cũng đã phát hiện hàng trăm cửa hàng dược phẩm phân phối vaccine giả tại 24 tỉnh, thành.

Khánh Chi
.
.
.