Pháp:

Học phòng chống khủng bố từ … hai tuổi

Thứ Ba, 18/10/2016, 10:36
Ðứng trước nhiều nguy cơ bị khủng bố, Pháp mở rộng phổ cập kiến thức phòng chống khủng bố cho dân chúng, đưa chương trình này vào trường học. Học sinh Pháp sẽ có thêm môn học chống khủng bố, với tần suất 3 lần trong năm.

Học “luật im lặng”

Chương trình này giúp các trường và học sinh đối phó với những mối đe dọa khủng bố, theo hai Bộ trưởng Giáo dục và Nội vụ, bà  Najat Vallaud-Belkacem và ông Bernard Cazeneuve. Chương trình này được áp dụng cho 12 triệu học sinh trên toàn nước Pháp, ngay năm học 2016-2017 (đã bắt đầu từ ngày 1-9).

Các biện pháp an ninh khác được triển khai bảo vệ trường cũng được thiết lập: cảnh sát tuần tra quanh trường học, phụ huynh và học sinh được yêu cầu không tụ tập gần các trường và báo cảnh sát ngay những hành vi hoặc đối tượng đáng ngờ. Hiệu trưởng sẽ thường xuyên gặp phụ huynh để thông báo các biện pháp an ninh.

Các buổi huấn luyện chống khủng bố được tăng lên 3 lần/năm học, thay vì chỉ 2 lần như hiện nay. Ở các khóa huấn luyện này, chủ yếu là chơi trò “luật im lặng”: học sinh được hướng dẫn cách trốn, giữ im lặng và cách thoát, tùy theo tình hình.

Ít nhất có một lần tập xử lý tình huống giả định khủng bố xâm nhập, bắt học sinh và giáo viên làm con tin.

Chương trình áp dụng cho các cấp học, kể cả học sinh từ 2 đến 6 tuổi. Ở độ tuổi này, tuy giáo viên không được nói đến chữ “khủng bố” hoặc “tấn công”, chỉ là các trò chơi tìm chỗ trốn, ẩn nấp an toàn…với những tình huống bất ngờ…

Học sinh trong độ tuổi 13-14 được huấn luyện các cách giữ mạng sống, đề phòng trường hợp các em cần giúp đỡ bạn học trong một kịch bản nghiêm trọng. Trong khi đó, khoảng 1,2 triệu học sinh năm thứ tư của cấp trung học được huấn luyện về sơ cứu, nhằm tập huấn kỹ năng “phát triển văn hóa an ninh” phổ cập trong trường học.

Bà Bộ trưởng Giáo dục nói hiện chỉ có 30% học sinh được huấn luyện chống khủng bố: “Huấn luyện chống khủng bố để học sinh không bị hoảng loạn, đơn giản là nêu cao trách nhiệm”. Bà Najat thừa nhận “Mối đe dọa rất cao và có thực” khi nhắc lại vụ tấn công khủng bố một trường học của người Do Thái ở thành phố Toulouse năm 2012, giết chết một giáo sĩ và 3 đứa trẻ.

 Từ sau vụ này, đa số các trường Do Thái ở Pháp đều có lính vũ trang bảo vệ. Chính quyền nói các trường công không cần mức bảo vệ này, chỉ giao nhiệm vụ cho cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục tuần tra. Lực lượng này sẽ chú ý kỹ đến các trường.

Siết chặt an ninh ở các trường học

Mỗi năm sẽ có khoảng 500 thành viên ban giám hiệu được huấn luyện xử lý khủng hoảng ở Trung tâm Huấn luyện cảnh sát quốc gia. Họ sẽ là người liên lạc với các nhân viên an ninh khi có khủng hoảng con tin. Mỗi trường học ở Pháp sẽ tổ chức huấn luyện chống khủng bố cho học sinh, bắt đầu từ tháng 10 này.

Trong khi đó, 3.000 cảnh sát dự bị cũng được triển khai để giúp chính quyền địa phương tuần tra gần các trường học. Sự cảnh giác được đề cao suốt năm học, cảnh sát luân phiên tuần tra xung quanh các trường tiểu học, trung học và đại học.  Ông Cazeneuve nói kế hoạch nhằm này nhằm “đề phòng nguy cơ tấn công đồng thời bảo đảm bầu khí bình yên ở các trường”.

Chính phủ Pháp duyệt chi 50 triệu euro (56,2 triệu USD) cho các cơ quan phụ trách quản lý các trường, giúp họ mua công cụ bảo vệ an ninh như máy quay an ninh gắn ở cổng trường và các hệ thống báo động mới, lắp hàng rào mới, hoặc gắn gương 1 chiều để người ngoài đường không thể nhìn vào trong lớp…

Các biện pháp này được đề ra nhanh chóng sau những vụ tấn công khủng bố gần đây, gồm vụ tấn công thủ đô Paris ngày 13-11-2015, khiến 130 người chết và 300 người khác bị thương, vụ khủng bố hồi tháng 7, khi 2 tên khủng bố IS cắt cổ giết chết một linh mục, vụ xe tải lao vào khán giả xem pháo bông ở Nice, dịp lễ Quốc khánh Pháp 14-7, giết 86 người, làm 300 người bị thương…

Trước các nguy cơ khủng bố, Pháp sẵn sàng hủy những sự kiện thể thao, văn hóa, lễ hội đông người, nếu điều kiện bảo đảm an ninh chưa đủ. Hiện cảnh sát vẫn mang súng máy tuần tra đường phố,trong khi các nhân viên bảo vệ tư nhân thường kiểm soát túi xách ở cửa các cửa hàng lớn.

Anh Thao (theo Daily Mail)
.
.
.