"Hồ sơ Panama": Vết dầu sẽ lan tới đâu?

Thứ Hai, 11/04/2016, 14:46
Tuyên bố của Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson - ông không từ chức, chỉ đề nghị Phó Chủ tịch đảng Cấp tiến giữ ghế này trong thời gian "chưa xác định", tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi trước đó (5-4), ông Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức Thủ tướng Iceland và trở thành nạn nhân đầu tiên của "Hồ sơ Panama". 


Ông Gonzalo Delaveu, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế chi nhánh Chile là nạn nhân tiếp theo. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Australia, Anh, Pháp, Ấn Độ, Mỹ, Đức, Áo, Thụy Điển, Hà Lan, New Zealand… tuyên bố mở cuộc điều tra đối với cá nhân và đơn vị bị nghi trốn thuế, rửa tiền.

Vết dầu loang

Ngày 6/4, hãng Reuters dẫn lời bà Angela Bunting, Phó chủ tịch công ty phần mềm Nuix Pty, có trụ sở ở thành phố Sydney, Australia, theo đó những gì bà đã làm là giúp Liên đoàn các nhà báo điều tra (ICIJ) thực hiện phần việc đáng ra mất vài tháng hoặc vài năm họ cũng chưa hoàn tất. Và nhờ sự trợ giúp của Nuix Pty, ICIJ đã nhanh chóng sàng lọc kho dữ liệu khổng lồ từ "Hồ sơ Panama".

Mạng lưới toàn cầu của Mossack Fonseca.

Cùng ngày 6/4, tờ The Guardian tiết lộ, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là người sở hữu khối tài sản lớn nhất trong số các nhân vật ngoại quốc có tài sản tại Anh. Ngoài Tổng thống UEA, 3 con của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng được cho là sở hữu nhiều bất động sản có giá trị tại London thông qua các công ty nước ngoài do Công ty luật Mossack Fonseca điều hành.

Sau khi danh tính 3 người con của Thủ tướng Pakistan (Hussain, Hasan và Maryam) xuất hiện trong "Hồ sơ Panam", một số lãnh đạo đối lập đã kêu gọi mở cuộc điều tra "tài sản tích lũy ở nước ngoài" của gia đình ông Nawaz Sharif.

Ngày 6/4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định, ông không hề đưa tài sản vào quỹ ủy thác nước ngoài để gian lận thuế như thông tin trong "Hồ sơ Panama". Trong khi đó, người đứng đầu Cục thuế Nhà nước Ukraine Roman Nasirov cho biết, Kiev đang điều tra những tài liệu liên quan tới số tài sản ở nước ngoài của Tổng thống Petro Poroshenko. Bởi ông Petro Poroshenko là cổ đông duy nhất của Công ty Prime Asset Partners Limited do Mossack Fonseca lập ra ở quần đảo British Virgin.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri cũng đang phải bảo vệ tính hợp pháp của một công ty ở nước ngoài bị nêu tên trong "Hồ sơ Panama". Bởi ông Mauricio Macri từng giữ chức Phó Chủ tịch và Giám đốc công ty Kagemusha, được thành lập tại Panama tháng 5-1981, hiện do một chính trị gia người Panama quản lý.

Người phát ngôn điện Kremlin Peskov coi cáo buộc nhằm vào những thân tín của Tổng thống Putin là để bôi nhọ Nga và lãnh đạo nước này. Bởi theo ông Peskov, nhiều nhà báo tham gia tiết lộ thông tin trong vụ "Hồ sơ Panama" là cựu nhân viên Bộ Ngoại giao, CIA và các cơ quan mật vụ của Mỹ. WikiLeaks cho rằng, Trung tâm nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP) của Mỹ, tham gia công bố "Hồ sơ Panama", đã cố ý tìm cách bôi nhọ Tổng thống Putin.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka đã yêu cầu các cơ quan thuế của nước này điều tra hành tung của khoảng 300 công dân Czech có tên trong "Hồ sơ Panama". Trong số 283 người Czech bị tình nghi dính tới bê bối trốn thuế và rửa tiền có doanh nhân giàu nhất nước này Petr Kellner và tỷ phú Daniel Kretinsky.

Ngày 6/4, hãng AFP cho biết, ông Juan Pedro Damiani đã từ chức thành viên Ủy ban Đạo đức của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) sau khi "Hồ sơ Panama" cho thấy, công ty luật của ông hoạt động với vai trò trung gian - giúp cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ Eugenio Figueredo, người đang bị cáo buộc tham nhũng ở Mỹ, thành lập công ty ma.

Trong khi đó, tân Chủ tịch FIFA Gianni Infantino lên tiếng bảo vệ danh dự cá nhân sau khi ông bị cáo buộc có liên quan tới hành vi trốn thuế. Bởi theo "Hồ sơ Panama", trong thời gian làm Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), ông Gianni Infantino đã ký hợp đồng liên quan tới bản quyền giải Champions League với 2 doanh nhân Hugo và Mariano Jinkis, những người sau đó bị cáo buộc đưa hối lộ. Lionel Messi là một trong nhiều cái tên được nhắc tới trong "Hồ sơ Panama" cho biết, sẽ kiện tờ El Confidencial sau khi báo này cáo buộc ngôi sao bóng đá người Argentina lập mạng lưới gian lận thuế.

Những phản ứng khác nhau

Ngày 6/4, Pháp kêu gọi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa Panama vào danh sách các "thiên đường trốn thuế" sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama". Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho rằng, "Hồ sơ Panama" cho thấy Panama có xu hướng quay lại "vết xe đổ" trước đây và điều này không được phép tái diễn.

Trước đó (5/4), Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin cho biết, Paris quyết định đưa Panama trở lại danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống trốn thuế. 4 năm trước (2012), Pháp từng đưa Panama ra khỏi danh sách "Các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác" sau khi 2 nước ký thỏa thuận về chống gian lận thuế. Tổng thống Pháp Francois Hollande cam kết, sẽ điều tra những thông tin trong "Hồ sơ Panama".

Bastian Obermayer (trái) và Frederik Obermaier là hai nhà báo của tờ Suddeutsche Zeitung tham gia điều tra “Hồ sơ Panama” từ những ngày đầu tiên.

Và ông Alvaro Aleman, Bộ trưởng kiêm cố vấn cho Tổng thống Panama cho biết, nước này sẽ phân tích tình hình và sẵn sàng đưa ra một loạt bước đi hướng tới việc thông qua các biện pháp trả đũa, nếu Pháp quyết định đưa nước này trở lại danh sách "thiên đường trốn thuế" sau những tiết lộ từ "Hồ sơ Panama". Tổng thống Panama Juan Carlos Varela khẳng định, nước này sẽ hợp tác với bất kỳ chính phủ nào hay cuộc điều tra nào diễn ra sau những tiết lộ trong "Hồ sơ Panama".

Ông Ramon Fonseca, Giám đốc Công ty luật Mossack Fonseca đã gửi đơn khiếu nại lên các công tố viên Panama vì cho rằng, các tin tặc nước ngoài đã tấn công và đánh cắp tài liệu bị rò rỉ trong "Hồ sơ Panama". Đồng thời khẳng định, vụ rò rỉ thông tin là một chiến dịch quốc tế chống lại quyền riêng tư; và Mossack Fonseca không phạm tội trong vấn đề đang được cả thế giới quan tâm.

Mossack Fonseca còn tuyên bố sẽ sử dụng "hành động pháp lý" với các cơ quan truyền thông đăng tải "Hồ sơ Panama" bởi cho rằng, các báo đã sử dụng tài liệu do "xâm nhập trái phép mà có". Được biết, Mossack Fonseca là hãng luật lớn thứ tư thế giới, hoạt động tại 42 quốc gia trên toàn cầu với khoảng 600 nhân viên, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực tài chính, có quan hệ hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Deutsche Bank, HSBC, Societe Generale, Credit Suisse, UBS...

Và theo thống kê, có tới 215.000 công ty ma được lập ở nước ngoài và 14.153 khách hàng có mối liên hệ với Mossack Foseca. Cho đến nay chưa rõ ai đứng sau và nhằm mục đích gì khi rò rỉ "Hồ sơ Panama" có liên quan đến số tài sản ở nước ngoài của hơn 140 chính trị gia và quan chức trên thế giới.

Cảnh báo cần thiết

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, "Hồ sơ Panama" chứng tỏ trốn thuế là một vấn đề toàn cầu. Ông chủ Nhà Trắng yêu cầu Quốc hội Mỹ lấp lỗ hổng trong việc chuyển tài sản ra nước ngoài để trốn thuế. Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Peter Carr cho biết, Washington đang xem xét một cách nghiêm túc tất cả các cáo buộc trong "Hồ sơ Panama" về khả năng có liên quan đến Mỹ và hệ thống tài chính của nước này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng, những gì được tiết lộ trong "Hồ sơ Panama" đã nêu bật tầm quan trọng hàng đầu của sự minh bạch. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục làm trong sạch hệ thống tài chính quốc tế. Chủ tịch WB Jim Yong Kim gọi đây là cơ hội để cộng đồng quốc tế đẩy mạnh truy tìm cách thức di chuyển của các dòng tài chính bất hợp pháp.

Theo thống kê của Tax Justice Network, có khoảng 80 "thiên đường trốn thuế" trên thế giới như Panama. Và khối lượng tài sản ở các "thiên đường" này từ 21 nghìn tỉ USD đến 32 nghìn tỉ USD và chính phủ các nước đã thất thu khoảng 280 tỉ USD tiền thuế thu nhập từ vấn nạn này.

Người đứng đầu Văn phòng Tổng cục thuế Canada Diane Lebouthillier đã yêu cầu tất cả các nhân viên thuế phải tập hợp những giấy tờ liên quan để rà soát từng trường hợp đóng thuế, đồng thời tiếp cận các thông tin trong "Hồ sơ Panama" để đối chiếu. Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) - ngân hàng cho vay lớn nhất nước này đã phủ nhận có bất kỳ hoạt động sai phạm nào sau khi bị phát hiện có tên trong "Hồ sơ Panama".

Cơ quan Giám sát Tài chính Thụy Điển (FSA) đã liên hệ với cơ quan chức năng ở Luxembourg để yêu cầu cung cấp thông tin liên quan tới các cáo buộc cho rằng, Ngân hàng Nordea đã giúp một số khách hàng tạo tài khoản tại các "thiên đường trốn thuế" ở nước ngoài.

Giới truyền thông cho rằng, "nạn nhân" tiếp theo có thể là Thủ tướng Anh David Cameron. Bởi theo "Hồ sơ Panama", người cha quá cố của Thủ tướng Anh là ông Ian Cameron đã sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca để giúp quỹ đầu tư Blairmore Holdings Inc. của gia đình né thuế tại xứ sở sương mù.

Trong khi công ty của thân phụ được thành lập tại Bahamas không đóng một đồng thuế nào tại Anh trong 30 năm và hiện có số tài sản 35 triệu bảng, vẫn đang hoạt động, nhưng ông David Cameron lại phủ nhận việc có cổ phiếu hay lợi ích tại các quỹ hải ngoại. Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đã kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập để làm rõ mối liên hệ giữa Anh với mạng lưới trốn thuế mà "Hồ sơ Panama" đã tiết lộ.

Một người tự xưng là John Doe đã bí mật cung cấp 11,5 triệu chứng từ thuế bí mật của Công ty Mossack Fonesca trước khi "Hồ sơ Panama" được tiết lộ hôm 4/4. John Doe đã cung cấp một lượng dữ liệu lên tới 2,6 terabyte, gấp 100 lần dung lượng dữ liệu mật do WikiLeaks công bố. Phóng viên Bastian Obermayer và Frederik Obermaier của tờ Suddeutsche Zietung (Đức) được coi là người "khai hỏa" vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử. Suddeutsche Zietung sở hữu gần 5 triệu email, 2 triệu tài liệu PDF, hơn 1 triệu hình ảnh của các nhân vật có liên quan trong "Hồ sơ Panama", và trong 11,5 triệu tài liệu có 4,8 triệu email. Tính đến nay có 107 tờ báo ở 76 quốc gia, đã phối hợp với ICIJ để công bố "Hồ sơ Panama". 
Tuệ Sỹ-Trọng Hậu
.
.
.