“Hồ sơ Panama”: Lộ diện những thiên đường trốn thuế trên thế giới

Thứ Hai, 11/04/2016, 08:32
“Hồ sơ Panama” không chỉ lật tẩy tảng băng chìm của hoạt động trốn thuế và rửa tiền của giới nhà giàu trên thế giới mà từ đó nó còn tiết lộ một loạt thông tin mới liên quan đến các “thiên đường trốn thuế” trên thế giới.

Hôm 6-4, vài ngày sau khi 11,5 triệu tài liệu trong “Hồ sơ Panama” được hé lộ trước công chúng trong đó khẳng định vai trò của Công ty luật Mossack Fonsca trong những phi vụ trốn thuế và rửa tiền, Pháp đã quyết định liệt Panama vào danh sách “thiên đường trốn thuế”. 

Theo tin từ hãng Reuters, Pháp từng loại Panama ra khỏi danh sách “Những quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác (ETNC)” vào năm 2012 sau khi hai nước đạt được một thỏa thuận song phương chống trốn thuế. Một khi Panama bị liệt vào danh sách ETNC đồng nghĩa với việc Pháp sẽ xem tất cả những giao dịch với Panama là khả nghi. Hiện Chính phủ Pháp đã kêu gọi Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) có động thái tương tự như Paris. 

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đe dọa ban lệnh trừng phạt Panama nếu quốc gia này không chịu hợp tác trong các vấn đề về thuế.

Ông Pierre Moscovici, người đứng đầu các vấn đề tài chính của EU cho biết: "Mọi người đang chán ngấy với các hành vi trắng trợn. Các khoản tiền, quyền hạn và cái tên liên quan đến vụ việc này thực sự gây sốc. Panama bị EU liệt vào số các quốc gia không hợp tác trong các vấn đề về thuế, và chúng tôi kêu gọi Panama "suy nghĩ lại về vấn đề này”. 

Sau vụ “Hồ sơ Panama”, Panama mới bị Pháp đưa vào danh sách “thiên đường trốn thuế”. Ảnh: travelnoire.

Trước sức ép từ phía các quốc gia châu Âu, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela dọa sẽ có biện pháp, bao gồm cả việc chặn dòng đầu tư từ Pháp và các quốc gia thuộc EU.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc Panama bị coi là “thiên đường trốn thuế” cũng là bởi cơ chế kiểm soát của nước này quá lỏng lẻo. Cụ thể, ở Panama, người ta có thể lập công ty một cách nhanh chóng mà không cần nộp tờ khai thuế hay kiểm toán. Thêm vào đó là kinh tế Panama hoạt động chủ yếu dựa trên đồng USD và nước này về mặt địa lý lại giáp với các quốc gia có mức độ sản xuất và buôn bán ma túy xếp vào hàng cao nhất thế giới. 

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và quản trị kinh doanh Na Uy cho biết, từ hơn một trăm năm qua, những người giàu thường dùng Panama làm nơi cất trữ tiền bạc, của cải. Cũng theo báo cáo này thì không chỉ Panama mà quốc gia có hệ thống pháp luật vốn được xem là chặt chẽ hàng đầu thế giới như Mỹ cũng đang trở thành một “thiên đường trốn thuế”. 

Hãng AP hôm 7-4 đã đăng tải một bài phân tích cho thấy, nước Mỹ có chính sách khá thân thiện với doanh nghiệp. Vì thế, tại nhiều bang, việc thành lập doanh nghiệp vỏ bọc là khá dễ dàng và vấn đề ai là chủ sở hữu thường ít được quan tâm. 

Thậm chí, các bang như Delaware, Nevada, South Dakota và Wyoming đang cạnh tranh quyết liệt với nhau để cung cấp cho các khách hàng nước ngoài sự bí mật, kín đáo mà họ mong muốn. Nơi nào có chính sách càng thoáng, thì càng thu hút được nhiều doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách lại càng cao. 

Đặc biệt, tiểu bang Delaware, nơi xếp thứ 46 về dân số tại Mỹ với 935.000 người đang được coi là “thiên đường của thiên đường trốn thuế tại Mỹ”. Hiện Delaware có gần 2 triệu công ty đăng ký kinh doanh tại đây trong đó có đến 65% các công ty được xếp hạng trong bảng Fortune 500. Không riêng gì các doanh nghiệp trong nước, nhiều công ty nước ngoài cũng ưa thích đặt chi nhánh tại Delaware. 

Sức hút của Delaware là ở chỗ chính quyền tiểu bang này không yêu cầu các cá nhân hay tổ chức phải cung cấp thông tin chủ sở hữu hay những hoạt động kinh doanh liên quan. Tất cả những gì mọi người cần là tên và địa chỉ của công ty môi giới có trụ sở tại Dalaware đứng ra chịu trách nhiệm thành lập doanh nghiệp cho bạn, kèm một tờ khai đăng ký.

Ngoài ra, châu Âu cũng bị coi là thiên đường trốn thuế và cung cấp bí mật ngân hàng. Hoạt động này chủ yếu có ở Luxembourg, CH Cyprus và Thụy Sĩ. Luxembourg có diện tích hơn 2.500km² và dân số chỉ gần 500.000 người nhưng nơi đây có thu nhập bình quân đầu người trên 81.000 USD/năm, cao thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Qatar. 

Nằm ở trung tâm khu vực Tây Âu, người dân Luxembourg dễ dàng di chuyển sang các nước phát triển trong khu vực. Với 9 chuyến bay đến London mỗi ngày, người dân Luxembourg chỉ mất một giờ để đến trung tâm tài chính lớn của thế giới. Còn Paris chỉ cách Luxembourg chưa đầy một giờ bay, Brussels (Bỉ) cách 3 giờ đi tàu và 2 giờ để đến Berlin… 

Hãng Reuters từng viết, Luxembourg là đất nước năng động, lịch lãm, bình yên và lắm điều thú vị. Đặc biệt, thu nhập của các công ty kiếm được thông qua tài sản sở hữu trí tuệ chỉ bị đánh thuế dưới 6% ở Luxembourg nên rất nhiều công ty kinh doanh về công nghệ muốn đặt trụ sở làm việc tại đây rồi phân phối hàng đến khắp lục địa già.

Trong khi đó, quần đảo Cayman thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh và Bắc Ireland lại thu hút được giới kinh doanh và nhà giàu bởi chính sách không đánh thuế trực tiếp. Hiện giá trị tài sản của các công ty đăng ký hoạt động dưới sự bảo hộ của Cayman đã lên tới gần 2.000 tỷ USD. 

Tờ Telegraph bình luận rằng, Cayman gồm ba hòn đảo là Grand Cayman, Cayman Brac và Little Cayman với tổng diện tích 264km²; thủ đô là George Town và là một trung tâm tài chính nước ngoài lớn trên thế giới. Ở Cayman, số doanh nghiệp đăng ký còn nhiều hơn người dân. Đến nay, quần đảo này có 279 ngân hàng và 40 trong số 50 ngân hàng lớn nhất thế giới đều có chi nhánh tại đây.

Còn tại Thụy Sĩ, việc các ngân hàng giữ bí mật tuyệt đối, không cung cấp thông tin của khách hàng cho bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, kể cả tòa án, đã làm cho nhiều ngân hàng của Thụy Sỹ trở thành nơi gửi gắm tài sản cho nhiều đại gia trên thế giới. 

Nhưng từ năm 2008, khi tòa án Florida (Mỹ) đã tiến hành điều tra trên phạm vi rộng với một danh sách các công dân Mỹ có tài khoản ở ngân hàng UBS Thụy Sỹ và sau vụ 11 ngân hàng khác của nước này bị Mỹ đưa vào danh sách điều tra, Thụy Sỹ đã buộc phải đưa ra cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước để điều tra những trường hợp nghi ngờ trốn thuế và hơn thế nữa, đó là ngăn chặn các dòng tiền bẩn tuồn vào hệ thống ngân hàng nước này.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.
.