"Hồ sơ Panama": Công ty luật Mossack Fonseca bị kiện

Thứ Ba, 14/06/2016, 13:44
Sau một thời gian tạm lắng dịu, "Hồ sơ Panama" lại được dư luận nhắc tới sau khi Elliott Management, công ty mẹ của quỹ đầu tư NML Capital, quyết định kiện công ty luật Mossack Fonseca đã giúp khách hàng người Argentina che giấu những khoản tiền khủng, trong khi Elliott Management đang kiện đòi nợ Chính phủ Argentina. 


Được biết, vụ kiện giữa Chính phủ Argentina với các quỹ đầu tư, trong đó có Elliot Management kéo dài từ năm 2012 và tới nay mới đạt được thỏa thuận. Theo đó, Buenos Aires phải trả 4 quỹ đầu cơ lớn với số tiền lên tới 4,65 tỷ USD.

Theo giới truyền thông, trong đơn kiện nộp tại tòa án bang Nevada, Mỹ hồi cuối tháng 5, Elliott Management cho biết, trong năm 2014, NML Capital đã yêu cầu trợ giúp để nhận dạng và lần theo những tài sản liên quan tới một số công ty ma đăng ký tại bang Nevada, Mỹ. Và những công ty ma này có liên hệ với MF Nevada, một nhà cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp.

Tại thời điểm đó, Mossack Fonseca đã khẳng định với tòa về mối quan hệ của họ với MF Nevada - rất hạn chế, nên công ty luật không thể cung cấp các thông tin do quỹ đầu tư NML Capital yêu cầu. Nhưng theo những tài liệu từ "Hồ sơ Panama" được công bố hồi tháng 4, MF Nevada và công ty luật Mossack Fonseca có quan hệ không tách rời.

Công ty luật Mossack Fonseca có những việc làm khuất tất đang bị phanh phui.

Theo đơn kiện của Elliott Management, công ty luật Mossack Fonseca đã cản trở các nỗ lực tìm kiếm của NML Capital, cũng như việc thực thi luật pháp của tòa án. Ngoài ra, Elliot Management còn yêu cầu Mossack Fonseca phải trả một khoản phí pháp lý khá lớn để bồi thường cho việc NML Capital phải kéo dài vụ kiện do hành động che giấu thông tin của công ty luật kể trên gây ra.

Có tin nói rằng, công ty luật đã chi khá nhiều tiền để xóa bỏ những thông tin liên quan tới Mossack Fonseca, nhưng bất thành. Theo thống kê, Mossack Fonseca là công ty luật lớn thứ 3 thế giới và đang là tâm điểm của dư luận sau khi "Hồ sơ Panama" tiết lộ những bí mật gây chấn động thế giới. Nhưng cho đến nay, Mossack Fonseca vẫn liên tiếp phủ nhận mọi cáo buộc.

Gần 2 tháng trước (22-4), các điều tra viên Panama từng khám xét một nhà kho thuộc công ty luật Mossack Fonseca. Và đó là vụ khám xét thứ hai nhằm vào Mossack Fonseca ở Panama. Nhưng cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức nào xung quanh những cáo buộc nhằm vào Mossack Fonseca.

Trong khi đó, Nghị viện châu Âu vừa cho biết, sẽ thành lập Ủy ban điều tra, làm rõ những chi tiết có trong "Hồ sơ Panama", để phát hiện xem có hành vi gian lận thuế hay không. Theo tờ Epochtimes, Ủy ban điều tra kể trên gồm 65 thành viên, có nhiệm vụ phát hiện các hành vi gian lận thuế dựa theo những cáo buộc của Ủy ban châu Âu (EC) hoặc của các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU). Và họ sẽ điều tra các quan chức, giám đốc điều hành của các doanh nghiệp lớn tại châu Âu, có bất kỳ liên quan nào đến công ty luật Mossack Fonseca.

Công việc của Ủy ban điều tra được tiến hành dựa trên sự phối hợp giữa các nước thành viên EU và các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực thuế, tài chính. Tiến trình điều tra cũng nhằm mục tiêu vào các quan chức chính phủ các nước châu Âu bị cáo buộc giúp đỡ những người giàu có trốn thuế. Kết quả điều tra sẽ được công bố sau 12 tháng điều tra.

Nghị viện châu Âu hy vọng, thông qua báo cáo kể trên sẽ kết thúc hành vi bí mật lập các công ty ma - chỉ tồn tại trên giấy tờ một cách có hệ thống. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính các nước EU đã nhất trí triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Và thế giới đang đẩy mạnh cuộc chiến chống trốn thuế sau khi "Hồ sơ Panama" được tiết lộ.

Trong một diễn biến liên quan, tuần báo Pháp L'Obs vừa cho biết, sau 7 năm điều tra, các nhà điều tra thuộc EU có thể sẽ buộc Google phải trả một khoản tiền phạt lên tới 3 tỷ euro vì "lạm dụng thế độc quyền".

Mấy hôm trước (10-6), cơ quan công tố Tây Ban Nha chính thức cáo buộc Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), có chi nhánh tại nước này, đã tiếp tay cho tội phạm rửa tiền. Và công tác điều tra vẫn đang tiếp tục, trong khi ngân hàng ICBC lo ngại danh tiếng của họ tại châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi cáo buộc kể trên.

Đây là lần đầu tiên thông tin chi tiết liên quan tới cáo buộc chống lại ICBC được công bố, và việc này diễn ra chỉ 4 tháng sau khi cảnh sát Tây Ban Nha đột kích vào một văn phòng của ngân hàng kể trên tại Madrid và bắt giữ 5 lãnh đạo tại đây. Và theo cáo buộc, ICBC đã bao che cho hoạt động của 2 nhóm tội phạm Tây Ban Nha và Trung Quốc liên kết với nhau thông qua ngân hàng này để rửa tiền. Ước tính, trong giai đoạn 2011-2014, ICBC đã nhận chuyển số tiền lên tới hơn 100 triệu euro.

Tuệ Sỹ
.
.
.