Hiện đại hóa trang thiết bị cho cảnh sát Pháp

Thứ Năm, 03/11/2016, 11:30
Quyết định chi 250 triệu euro (khoảng 273 triệu USD) để hiện đại hóa trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát hôm 26-10 của Chính phủ  Pháp được coi là sự xuống thang trước phong trào biểu tình của cảnh sát kéo dài từ ngày 17-10 đến nay. 


Theo giới truyền thông, khoản ngân sách kể trên được công bố ngay sau buổi làm việc giữa Tổng thống Francois Hollande với công đoàn cảnh sát. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cũng cam kết, sẽ nghiên cứu sửa đổi luật về các "điều kiện tự vệ cho phép" để trình lên nghị viện trong tháng 11.

Ông Bernard Cazeneuve cho biết, các biện pháp bảo vệ nhân dạng cảnh sát cũng sẽ được tăng cường, và trong một số trường hợp cần thiết, cảnh sát sẽ được trang bị áo khoác che kín mặt.

Các quyết định kể trên của Tổng thống Francois Hollande và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã nhận được sự tán thành của công đoàn cảnh sát. Bởi công đoàn cảnh sát đã yêu cầu chính quyền cần nhanh chóng có những biện pháp quyết liệt trong việc chống lại bạo lực nhằm vào cảnh sát đã lan rộng trên khắp nước Pháp.

Lực lượng cảnh sát Pháp.

Và tuy Chính phủ Pháp đã có nhượng bộ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức về mức tăng hình phạt đối với những kẻ tấn công vào lực lượng cảnh sát.

Theo kết quả điều tra vừa công bố hôm 26-10, có khoảng 90% số người Pháp được hỏi ủng hộ phong trào biểu tình của cảnh sát và 80% người được hỏi có cái nhìn tích cực đối với hình ảnh của lực lượng cảnh sát và an ninh làm công tác duy trì an ninh trật tự.

Cùng ngày 26-10, khoảng 400 người đã tập hợp trước trụ sở Hạ viện tại thủ đô Paris, gần 600 người biểu tình ở Nancy, 400 người ở Strasbourg, 350 người ở Nantes, Nice và Marseille. Được biết, từ ngày 17-10, hàng trăm cảnh sát ở các thành phố lớn liên tục xuống đường đề nghị được trao thêm phương tiện và thẩm quyền, cũng như các hình phạt nghiêm khắc nhằm trấn áp những kẻ tấn công lực lượng này.

Và việc này diễn ra sau khi khoảng 10 đối tượng quá khích đã bao vây và ném bom xăng vào 2 ôtô của cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại thành phố Viry-Chatillon, phía Nam thủ đô Paris hôm 8-10, khiến cả 4 cảnh sát trên xe đều bị thương, trong đó 2 người bị bỏng nặng, hiện 1 cảnh sát vẫn đang hôn mê.

Thông báo về quyết định chi 250 triệu euro của Chính phủ Pháp được đưa ra đúng thời điểm nhà chức trách tuyên bố, chiến dịch giải tỏa khu lán trại tạm bợ tại Calais đã diễn ra nhanh hơn dự kiến bởi cơ bản hoàn tất từ chiều 26-10.

Theo kế hoạch, trong thời gian từ 24 đến 30-10, giới chức Pháp phải hoàn thành chiến dịch giải tỏa khu lán trại tại Calais, để chuyển hơn 6.000 người tới 450 trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Pháp, trong đó có 1.451 trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Calais Fabienne Buccio xác nhận, chiến dịch đã hoàn tất.

Cảnh sát Pháp căng mình giám sát các địa điểm công cộng.

Tuy nhiên, Thị trưởng Calais Natacha Bouchart cho rằng, phải thận trọng và đảm bảo khu lán trại kiểu này sẽ không tái xuất hiện. Ngày 27-10, Chính phủ Anh đã kêu gọi Chính phủ Pháp cần bảo vệ số trẻ vị thành niên tị nạn vẫn đang ở thành phố Calais, sau khi giới chức nước này phá dỡ toàn bộ khu lán trại tạm bợ tại đây.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Nhà ở Pháp Emmanuelle Cosse đã bày tỏ sự bất ngờ đối với yêu cầu của London, và tuyên bố, số trẻ vị thành niên tị nạn kể trên đang chờ tới Anh theo chương trình đoàn tụ gia đình.

Ông Bernard Cazeneuve vừa tuyên bố, các lều trại tạm bợ được dựng trên đường phố Paris sẽ được phá bỏ trong những ngày tới. Bởi số người di cư ngủ vạ vật trên các tuyến phố của thủ đô đang tăng lên nhanh chóng sau khi khu lán trại ở Calais bị xóa sổ. Ngày 29-10, Tổng thống Francois Hollande đã kêu gọi Anh cùng có trách nhiệm với người tị nạn ở Calais. Đồng thời cho biết, đã thảo luận với Thủ tướng Theresa May về vấn đề này.

Trong một diễn biến liên quan, một số nước như Đức, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đã áp dụng việc kiểm soát một phần đường biên giới quốc gia trong nội bộ Schengen, trái với nguyên tắc tự do đi lại của khối này.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, việc tự do đi lại trong khu vực Schengen hiện không thể thực thi như trước, vì cần có sự kiểm soát nhất định của các quốc gia thành viên. Và nhấn mạnh, chỉ có thể bãi bỏ kiểm soát biên giới bên trong khu vực Schengen một khi việc bảo vệ các đường biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) được bảo đảm.

Trước đó (25-10), Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị các quốc gia thành viên EU gia hạn kiểm soát biên giới thêm 3 tháng. Bởi dòng người di cư tuy có giảm nhờ thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng người tị nạn vẫn tiếp tục tới Hy Lạp và các nước châu Âu khác. Và tình hình đó khiến cho việc bãi bỏ kiểm soát biên giới có thể dẫn tới làn sóng di cư "phái sinh" ngay bên trong EU.

Khắc Tuấn
.
.
.