Hệ lụy từ vụ bắt Giám đốc tài chính Huawei

Thứ Năm, 13/12/2018, 07:00
Theo tờ Wall Street Journal, bà Mạnh Vãn Chu còn được gọi là Sabrina Meng, được coi là bộ mặt của Huawei bởi từng chủ trì các hội nghị tài chính thường niên của Huawei (còn gọi là Huawei ICT Finance Forum) được tổ chức tại New York, Cancun và Milan.


"Chúng tôi đã đưa ra những phản đối chính thức với Canada và Mỹ, và đề nghị cả 2 bên ngay lập tức làm rõ những nguyên nhân của việc bắt giữ, đồng thời lập tức trả tự do để bảo vệ những quyền pháp lý cho người này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 6-12, sau khi bà Mạnh Vãn Chu (Châu), Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn viễn thông Huawei (Hoa Vi), bị bắt ở thành phố Vancouver, Canada hôm 1-12 và có thể bị dẫn độ tới Mỹ do bị tình nghi vi phạm các lệnh trừng phạt Iran của Washington. 

Trước đó, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã cực lực phản đối hành động này và thúc giục "ngay lập tức sửa sai và trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu". Cùng ngày 6-12, đại diện Huawei thông báo, họ không biết bà Mạnh Vãn Chu đã làm gì sai trái để dẫn tới bị bắt tại Vancouver. 

"Chúng tôi được cung cấp rất ít thông tin liên quan đến các cáo buộc và không biết bà Mạnh đang vi phạm điều gì", đại diện Huawei cho biết. Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt khi đang quá cảnh tại Canada và phải đối mặt với những cáo buộc chưa công bố tại Tòa án New York, Mỹ. 

Đại diện Huawei cũng khẳng định, luôn tuân thủ luật pháp và quy định tại nơi hoạt động, bao gồm luật, quy định về kiểm soát xuất khẩu và cấm vận của Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Bà Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch Huawei.

Theo người phát ngôn Bộ Tư pháp CanadaIan McLeod, Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, nhưng không cung cấp chi tiết về vụ bắt giữ. Ông Ian McLeod cho biết, lệnh cấm công khai thông tin được bà Mạnh Vãn Chu yêu cầu. 

Theo tờ Wall Street Journal, từ tháng 4-2018, cơ quan chức năng Mỹ đã mở cuộc điều tra xung quanh nghi ngờ Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran. Theo hãng Reuters, từ năm 2016, Washington đã điều tra Huawei về hoạt động bán sản phẩm xuất xứ từ Mỹ cho Iran và những nước bị cấm vận khác. 

Cựu Giám đốc CIA Michael Hayden từng tuyên bố, Huawei làm gián điệp cho Trung Quốc và Tập đoàn viễn thông này từng tiếp cận để thuyết phục ông ủng hộ họ tham gia vào cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc quan trọng của Mỹ. Nhưng nhà sáng lập Tập đoàn viễn thông Huawei là ông Nhậm Chính Phi đã bác bỏ mọi cáo buộc nhắm vào Huawei. Huawei cũng từng nhiều lần tuyên bố, không liên quan đến chính phủ hay quân đội Trung Quốc và cũng không nhận tiền tài trợ từ Bắc Kinh.

Theo giới truyền thông, bà Mạnh Vãn Chu nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Skycom Tech (từ năm 2007), công ty Hongkong từng có giao dịch với Iran. 10 năm trước, bà Mạnh Vãn Chu là Giám đốc Skycom Tech, nhưng đã từ chức vào tháng 4-2009 (không rõ lý do). 

Theo hãng Reuters, từ 5 năm trước, Skycom Tech đã được biết có mối quan hệ mật thiết với Huawei hơn những gì được tiết lộ trước đó. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được cảnh báo leo thang sau vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu. 

Sau khi thông tin về vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu được đăng tải, chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã giảm 1,68%, Hang Seng China Enterprises Index giảm 2,8%, còn Hang Seng Index mất 2,72% khi chốt phiên hôm 6-12. 

Đồng NDT của Trung Quốc đầu giờ chiều 6-12 giảm 0,3% so với USD. Các nhà cung cấp cho Huawei như Sunny Optical Technology đã mất hơn 4,5%, còn O-film Tech và GettopAcoustic cũng mất lần lượt 3,9% và 5%.

Bà Mạnh Vãn Chu tại một sự kiện của Huawei.

Theo tờ Wall Street Journal, bà Mạnh Vãn Chu còn được gọi là Sabrina Meng, được coi là bộ mặt của Huawei bởi từng chủ trì các hội nghị tài chính thường niên của Huawei (còn gọi là Huawei ICT Finance Forum) được tổ chức tại New York, Cancun và Milan. 

Bà Mạnh Vãn Chu được mọi người trong Huawei đánh giá là người mạnh mẽ, nhưng trầm tính. Trước năm 2011, bà Mạnh Vãn Chu gần như không xuất hiện trước công chúng. Được biết, bà Mạnh Vãn Chu (lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung) gia nhập Huawei từ năm 1993, từng là 1 trong 3 thư ký ở đây và lãnh đạo mảng kế toán quốc tế. 

Sau khi làm Giám đốc tài chính chi nhánh Hongkong, giám sát thành lập các trung tâm dịch vụ, bà Mạnh Vãn Chu được giao phụ trách một chương trình hợp tác trong 8 năm với IBM nhằm đưa yếu tố quản trị nước ngoài vào Huawei. Đại diện Huawei từng nói với CNN rằng, thiết bị của họ được khách hàng tin cậy tại 170 quốc gia và 46 trên tổng số 50 công ty viễn thông lớn nhất thế giới. 

Theo giới truyền thông, bà Mạnh Vãn Chu có công lớn trong quá trình quốc tế hóa Huawei và được coi là người có khả năng kế nhiệm ông Nhậm Chính Phi. Tuy là con gái ông Nhậm Chính Phi, nhưng bà Mạnh Vãn Chu lại lấy họ mẹ. 

Được biết, Đại tá quân đội nghỉ hưu Nhậm Chính Phi đã sáng lập Huawei hơn 32 năm trước (tháng 9-1987) với số vốn ban đầu 21.000 USD cùng 14 nhân viên và đặt trụ sở tại khu Long Cương, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. 

Phạm Huy Anh
.
.
.