Hệ lụy nguy hiểm sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran

Thứ Ba, 01/12/2020, 06:30
Đối với những cá nhân và tổ chức không có nhiệm vụ theo dõi tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân ở Iran thì cái tên Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học Iran vừa bị ám sát ngày 27-11-2020 tại thủ đô Tehra, là một cái tên hoàn toàn xa lạ.

Tuy nhiên trong suốt hai thập kỉ qua, nhà khoa học hạt nhân kiêm giáo sư khoa Vật lý tại Đại học Imam Hossein là nhân vật được các nhà khoa học quốc tế cực kì quan tâm, vì ông chính là người đóng vai trò chủ chốt trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.

Nhà khoa học bí ẩn

Ông Fakhrizadeh sinh năm 1958 tại Qom và gia nhập Lực lượng Vệ binh Hồi giáo năm 1979, sau khi Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ. Dù là một nhà khoa học và giảng viên đại học, ông vẫn giữ quân hàm chuẩn tướng trong Lực lượng Vệ binh Hồi giáo. Những chi tiết ít ỏi về cuộc đời của nhà khoa học bí ẩn này được tổng hợp từ vô số báo cáo, bao gồm của cả những tổ chức đối lập với Chính phủ Iran.

Fakhrizadeh lần đầu được nhắc tới trong các tài liệu mật và một số dữ liệu từ một chiếc máy tính xách tay vào năm 2010. Lúc này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và một số quan chức tình báo cấp cao bắt đầu  tin rằng ông cùng một số nhà khoa học khác đã tham gia vào một chương trình nghiên cứu vũ khí cho tới tận năm 2003. Những tài liệu bị Chính phủ Iran chỉ trích là nguỵ tạo còn đưa ra một loạt hoạt động nghiên cứu của chương trình như chế tạo đầu đạn hạt nhân và cách gỡ bom nguyên tử. Năm 2011, một báo cáo của IAEA đã chỉ ra rằng ông Fakhrizadeh đóng vai trò trung tâm trong lĩnh vực phát triển công nghệ và kĩ năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Là cái tên duy nhất của Iran được nhắc đến trong báo cáo, ông thường xuyên được IAEA mời gặp để nói về vai trò và nhiệm vụ của bản thân, nhưng nhà khoa học chưa bao giờ đồng ý. Vào thời điểm đó, IAEA đánh giá Iran chắc chắn đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và bản báo cáo của tổ chức là chính xác về nội dung kĩ thuật, các cá nhân và tổ chức liên quan cũng như mốc thời gian.

Hiện trường vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh.

Năm 2018, nhà khoa học kín tiếng lại một lần nữa được nhắc đến trong một bài thuyết trình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và ông Netanyahu đã cảnh báo tất cả phải "nhớ lấy cái tên Fakhrizadeh". Cũng trong bài thuyết trình, Thủ tướng Netanyahu chỉ trích Iran vì đã bí mật mở rộng nghiên cứu vũ khí hạt nhân và khẳng định tình báo Israel đã phát hiện một kho dự trữ vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân lên tới nửa tấn. Trước những cáo buộc này, Iran vẫn cam đoan rằng đất nước không hề có ý định chế tạo vũ khí, và mọi nghiên cứu của các nhà khoa học Iran đều phục vụ hoà bình. Đây cũng chính là lúc ông Fakhrizadeh nhận ra mình đang thật sự lâm vào nguy hiểm, đặc biệt là khi chiến dịch ám sát các nhà khoa học Iran bắt đầu nóng lên. Cho dù chi tiết về các nghiên cứu khoa học cũng như vai trò của ông đều không rõ ràng, nhưng giới quan sát đều đồng ý rằng ông Fakhrizadeh cùng các cộng sự quan trọng đến mức từ hàng chục năm trước, ông đã được cấp một căn nhà công vụ với một đội lính cảnh vệ canh gác ngày đêm. Được biết, các thanh tra vũ khí hạt nhân không được biết địa chỉ và cũng không thể nào bước chân vào nơi ở của ông Fakhrizadeh. Nhà khoa học làm việc tại Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng và trụ sở của cơ quan cũng đã được chuyển đến một địa điểm bí mật.

Tuy nhiên, sự cẩn trọng của Chính phủ Iran cuối cùng vẫn không đủ. Vào ngày 27-11-2020, ông Mohsen Fakhrizadeh đã bị tấn công bởi bom và súng máy tại thị trấn Absảd cách thủ đô Tehran 70km về phía Tây và qua đời khi đang được cứu chữa tại bệnh viện. Người thân và một số vệ sĩ của ông cũng bị thương. Đài Truyền hình Quốc gia Iran đã phát sóng những bức ảnh chụp hiện trường đẫm máu của vụ tấn công và đây được coi như một thất bại to lớn của lực lượng tình báo Iran. Các bức ảnh và video được chia sẻ trên internet cho thấy chiếc xe Nissan của ông Fakhrizadeh bị súng máy bắn thủng lỗ chỗ từ cả hai phía và có máu chảy trên vệ đường. Lực lượng an ninh nhanh chóng chặn đường sau khi cuộc tấn công xảy ra.

Bộ Quốc phòng Iran xác nhận cái chết của ông Fakhrizadeh trong một tuyên bố chính thức: "Trong cuộc va chạm giữa đội cảnh vệ của ông và lực lượng khủng bố, nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh đã bị thương nặng và được đưa tới bệnh viện. Không may thay, nỗ lực cứu chữa của đội ngũ bác sĩ và y tá đã không thành công, và nhà lãnh đạo kiêm nhà khoa học, sau nhiều năm nỗ lực và phấn đấu, đã hy sinh".

Trước Mohsen Fakhrizadeh, đã có ít nhất 4 nhà khoa học Iran khác bị ám sát trong 10 năm trở lại đây vì có liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Chính phủ Iran liên tục buộc tội Israel có liên quan đến những vụ giết chóc. Nghi ngờ của Iran không phải là vô lý khi Israel thường tuyên bố rằng Israel có quyền tự vệ bằng cách ngăn chặn đất nước làng giềng trở thành cường quốc hạt nhân. Hơn thế nữa, cơ quan tình báo Mossad của Israel vốn được biết đến vì những cuộc ám sát đẫm máu của mình.

Ông Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân bị ám sát ngay giữa thủ đô Tehran.

Những vụ ám sát nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân Iran

Những vụ ám sát nhắm vào các nhà khoa học Iran có một quy luật nhất định: tất cả đều bị giết hại trên đường đi làm hoặc về nhà. Vào năm 2010, chuyên gia vật lý hạt nhân Masoud Ali Mohammadi qua đời sau khi quả bom điều khiển từ xa gài trên xe gắn máy của ông phát nổ khi ông đang rời khỏi nhà ở Tehran để đi làm. Cuối năm 2010, khi ông Majid Shahriar đang lái xe thì có một kẻ khả nghi lái xe máy lại gần ô tô của ông và gắn bom lên chiếc xe hơi, giết chết nhà khoa học xấu số. Người đứng đầu lĩnh vực khoa học nguyên tử của Israel vào thời điểm đó là Fereidoon Abbasi Davani may mắn thoát chết ngày hôm đó. Cả hai người đều từng là đồng nghiệp của ông Fakhrizadeh. Năm 2011, nhà nghiên cứu hạt nhân Darioush Rezaeinejad bị một nhóm sát thủ bắn chết, và chỉ một năm sau, ông Mostafa Ahmadi Roshan, lãnh đạo cơ sở làm giàu uranium tại Natanz qua đời sau khi một quả bom phát nổ trên chiếc ô tô Peugeot 405 mà ông đang lái đi làm.

Cho dù động cơ lẫn thủ phạm sát hại ông Fakhrizadeh đều chưa được làm rõ, cái chết của nhà nghiên cứu tài ba này có thể sẽ lại châm ngòi cho mâu thuẫn giữa Iran và Israel, vốn đã dữ dội từ rất lâu.

Tại nước láng giềng Syria, Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công nhắm vào những bên có liên quan tới Iran, bao gồm cả nhóm vũ trang Li Băng Hezbollah, nhưng gần đây Israel đã tấn công trực tiếp binh lính Iran. Năm 2018, Israel đã bắn hạ một máy bay không người lái có trang bị vũ khí của Iran khi máy bay tiến vào không phận của Israel, và vào cuối năm 2018, Iran bị cáo buộc đã bắn tên lửa vào cao nguyên Golan, thuộc địa phận Syria. Đây cũng là lần đầu tiên Iran trực tiếp tấn công lực lượng Israel, làm nóng mâu thuẫn giữa hai nước. 

Lối vào nhà máy hạt nhân tại thành phố Natanz, phía nam thủ đô Tehran.

Hệ lụy khó lường

Tuy hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng chịu trách nhiệm nhưng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran, ông Mohammad Javad Zarif, đã lên tiếng buộc tội Chính phủ Israel. Ngoài ra, ông Hossein Dehghan, Cố vấn của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei cũng đã thề sẽ trả thù: "Chúng tôi sẽ giáng đòn sấm sét xuống những kẻ đã hạ sát chiến binh tử vì đạo để khiến chúng sẽ hối hận vì hành động của mình". Với dư luận Iran, vụ ám sát này nghiêm trọng ngang với vụ Mỹ giết hại lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Hồi giáo, Tướng Qassem Soleimani hồi tháng 1-2020. 

Bộ trưởng bộ Ngoại giao Iran cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nên cảnh giác với hành vi của Israel: "Ngày hôm nay, những kẻ khủng bố đã sát hại một nhà khoa học Iran. Sự hèn nhát này chứng tỏ một nỗ lực khiêu khích tuyệt vọng của những kẻ đứng đằng sau thảm kịch. Iran kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là EU, lên án hành vi man rợ này". Một số lãnh đạo cao cấp của Iran cho rằng vụ việc đã cho thấy rõ chỉ những người Iran ngây thơ nhất mới có thể tin tưởng Mỹ và Israel. Đáp lại những cáo buộc trên, phát ngôn viên của quân đội Israel chỉ tuyên bố: "Chúng tôi không có bất kì bình luận nào về các báo cáo trên những hãng thông tấn nước ngoài".

Hiện tại, Iran đang vừa phải đối mặt với số ca nhiễm COVID - 19 cao kỉ lục, lại vừa phải cảnh giác khi lực lượng tình báo Israel đã được "bật đèn xanh" để tấn công các cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân trước khi ông Donald Trump hết nhiệm kì. Các quan chức Iran cũng tin rằng Mỹ cùng Israel và Ả Rập đang cố gắng phá huỷ cơ hội nối lại quan hệ ngoại giao của Iran với Mỹ trước khi chuyển giao quyền lực vào ngày 20-1-2021.

Israel sẽ phải đối diện với các cáo buộc cho rằng chính phủ nước này đang sử dụng những tuần cuối cùng tại vị của Tổng thống Mỹ Donald Trump để khiêu khích Iran và phá hoại cơ hội giảng hoà giữa Iran và chính quyền mới của ông Joe Biden. Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Israel Amos Yadlin phân tích rằng cuộc ám sát này có thể sẽ khiến Iran trả đũa bằng bạo lực và đó sẽ là cái cớ để Mỹ tấn công các căn cứ nghiên cứu hạt nhân của Iran.

Trong khi đó, ông Joe Biden đã công khai khẳng định sẽ tái tham gia vào hiệp ước hạt nhân với Iran và sẽ gỡ bỏ các đòn trừng phạt kinh tế nếu Iran thuận theo các điều khoản trong hiệp ước, đặc biệt là các điều khoản liên quan tới kho uranium của đất nước này. Israel và Ả Rập lại mong muốn Mỹ đứng ngoài hiệp ước hạt nhân và tiếp tục trừng phạt Iran.

Huyền Thi
.
.
.