Hậu Brexits: Anh sẽ bỏ phiếu lần thứ hai?

Thứ Tư, 29/06/2016, 09:41
Câu hỏi này hiện chưa có lời đáp, bất chấp việc đã có hơn 3,5 triệu người Anh ký vào thư kiến nghị trên trang web của Quốc hội Anh, yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Nhưng giới chuyên môn cho rằng, khó xảy ra khả năng Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai để đảo ngược kết quả trước đó.


Giáo sư Vernon Bogdanor, một trong những chuyên gia hiến pháp hàng đầu của Anh cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) không muốn mặc cả thêm nữa, họ sẽ coi kết quả cuộc trưng cầu hôm 23-6 là sự lựa chọn cuối cùng.

Giáo sư John Curtice đến từ Đại học Strathclyde cho rằng, tuy trong nội bộ các chính đảng đang chia rẽ về vấn này, nhưng những người ủng hộ khó có khả năng vận động, chưa nói tới việc tiến hành trưng cầu một lần nữa.

Nhưng theo tạp chí Quartz, có 4 cách để người dân Anh đảo ngược lại quyết định Brexit. Thứ nhất, phớt lờ việc bỏ phiếu.Thứ hai, ký đơn thỉnh cầu.Thứ ba, tổng tuyển cử.Thứ tư, thay đổi quan trọng trong các điều khoản.Một số nghị sĩ Anh cũng muốn Quốc hội "lật đổ" kết quả Brexit.

Theo lý thuyết, Quốc hội Anh không nhất thiết phải tuân theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23-6. Nên nghị sĩ David Lammy, thành viên của Công đảng đã kêu gọi Quốc hội Anh tiến hành bỏ phiếu để giữ Anh ở lại EU.

Cựu thị trưởng London Boris Johnson (người ủng hô nước Anh rời khỏi EU) cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London ngày 23-6.

Cuộc trưng cầu dân ý hôm 23-6 đang khiến nước Anh chia rẽ sâu sắc khi Scotland, Bắc Ireland và London là khu vực bình chọn cho nước Anh ở lại EU, còn xứ Wales và những khu vực còn lại muốn rời khỏi EU. Và quyết định rời EU đang khơi dậy tinh thần đòi ly khai ở Bắc Ireland và lãnh đạo Sinn Fein, ông Martin McGuiness, đã lập lại yêu cầu về một cuộc trưng cầu dân ý để Bắc Ireland tách khỏi Anh và tái thống nhất với Cộng hòa Ireland, một nước đang là thành viên của EU.

Tại Scotland, Thủ hiến Nicola Sturgeon đã triệu tập một phiên họp nội các để bàn về cuộc bỏ phiếu rời EU và một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề độc lập đang được xem xét. Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn đang đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về chiến dịch "mờ nhạt" trước cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6. Và nếu được chấp thuận, cuộc bỏ phiếu kín của các nghị sỹ Công đảng có thể diễn ra vào ngày 28-6.

Ủy viên châu Âu của Anh Jonathan Hill đã tuyên bố từ chức sau khi người dân xứ sở sương mù bỏ phiếu rời khỏi EU.Thủ tướng David Cameron cũng thông báo sẽ từ chức bởi "cần tôn trọng ý nguyện của người dân" và đây là một yêu cầu phải thực hiện. Theo giới truyền thông Anh, hiện có 4 ứng cử viên thay thế Thủ tướng David Cameron, đó là cựu Thị trưởng London Boris Johnson, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove và Bộ trưởng Tài chính George Osborne.

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz đã kêu gọi Thủ tướng Anh David Cameron nên triển khai thủ tục chính thức rời khỏi EU tại cuộc họp thượng đỉnh của EU diễn ra trong ngày 28-6. Bởi theo ông Martin Schulz, tình trạng lấp lửng về Brexit chỉ càng dẫn tới tình cảnh bấp bênh về tài chính và đe dọa tới vấn đề việc làm. Do đó, việc do dự đưa ra các kế sách chỉ gây bất lợi cho mọi người.

Theo giới truyền thông, sau cuộc họp khẩn giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch EP Martin Schulz và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ông Martin Schulz cho biết, các luật sư của EU đang nghiên cứu để có thể đẩy nhanh quá trình giúp Anh rời khỏi liên minh.

Và lãnh đạo EU đã nhất trí đề nghị Anh nên đàm phán rút khỏi liên minh càng sớm càng tốt.EU đã bổ nhiệm ông Didier Seeuws, đứng đầu nhóm phụ trách đặc biệt của EU để đàm phán về việc Anh rời khỏi liên minh này. Ủy ban châu Âu cũng đã thành lập "Nhóm phụ trách Điều 50" để chuẩn bị các đề xuất pháp lý cho việc Anh rời EU.

Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen cho rằng, việc Anh rời EU sẽ còn tạo dư âm trong nhiều năm tới và làm thay đổi châu Âu như chúng ta từng biết. Còn Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, 6 nước sáng lập EU, bao gồm Đức, Pháp, Italia, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg muốn Anh rời khỏi EU "sớm nhất có thể" để tránh cho liên minh này bị kẹt trong "tình trạng lấp lửng".

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng hối thúc Anh nhanh chóng có tân Thủ tướng để có thể xúc tiến các thủ tục về Brexit. Hãng Reuters cho biết, thị trường chứng khoán thế giới đã mất khoảng 2.000 tỉ USD trong ngày 24-6, sau khi Anh rời EU.

Còn theo hãng Bloomberg, chỉ riêng ngày 24-6, 400 người giàu nhất thế giới đã mất 127,4 tỉ USD do các thị trường chứng khoán chao đảo sau khi Anh quyết định rời EU. Và sau khi đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua, sau quyết định rời EU, Pháp đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Quốc Dũng
.
.
.