Hàng trăm phụ nữ Nepal bị lừa bán đến điểm nóng Syria
"Tôi không biết bất cứ điều gì về Syria cũng như tình hình chiến tranh đang xảy ra ở đây. Những người môi giới nói với tôi rằng, Syria cũng giống như Mỹ", Gyanu Reshmi Magar, 25 tuổi, người được hứa hẹn một công việc hấp dẫn ở Dubai, nhưng cuối cùng bị đưa đến thủ đô Syria làm giúp việc nói. Gyanu Reshmi Magar bị bán sang Syria qua Ấn Độ, sau đó là Oman và Dubai. Khi đến Damascus, Gyanu Reshmi Magar được đưa đến một gia đình làm giúp việc.
"Tôi hoàn toàn bị tách ra khỏi thế giới.Tôi chỉ biết làm việc và ngủ.Tôi không thể liên lạc với bất cứ ai và cũng không rời nhà trong bảy tháng", Gyanu Reshmi Magar nói. Khi tôi xin được quay trở về Nepal, chủ nhà nói rằng: "Chúng tôi đã mua cô với giá 4.000 bảng Anh. Cô không được phép đi bất cứ đâu nếu chưa trả hết khoản tiền đó", Gyanu Reshmi Magar nói.
Gyanu Reshmi Magar, 25 tuổi, một nạn nhân của nạn lừa bán phụ nữ Nepal sang Syria. |
Lúc đầu, Gyanu Reshmi Magar không biết cô đang ở trong khu vực chiến tranh."Khi tôi hỏi các thành viên gia đình về những quả bom, họ chỉ nói rằng, quân đội đang tập trận.Sau đó, khi kết nối wifi của ngôi nhà, tôi mới phát hiện ra sự thật.Tôi biết về những gì diễn ra ở Syria qua internet", Gyanu Reshmi Magar nói.
Gyanu Reshmi Magar có thể trở về Nepal cũng nhờ internet.Cô đã tìm cách liên lạc với gia đình ở Nepal thông qua Facebook.Cuối cùng, các nhân viên Đại sứ quán Nepal ở Ai Cập đã giải cứu cô. Trở về Nepal sau 17 tháng ở Syria, Gyanu Reshmi Magar hầu như trắng tay. "Tôi yêu cầu chủ nhà trả lương 160USD/tháng, nhưng tôi chỉ được trả khoản tiền đó cho 6 tháng làm việc", Gyanu Reshmi Magar cho biết.
Sunita Magar, 23 tuổi, là một nạn nhân khác của đường dây buôn người. Người mẹ của hai đứa con nhỏ này đã phải trả 80.000 rupee Nepal (khoảng 500 bảng Anh) cho một công ty môi giới với hy vọng tìm việc ở Kuwait. Tuy nhiên, sau đó, cô đã bị đưa đến Syria.
"Syria là cơn ác mộng đối với tôi. Tôi không muốn nghĩ về những ngày đó.Tôi đã phải làm việc gần như 20 giờ/ngày.Tôi không được cung cấp đủ thức ăn, không có thời gian để ngủ và bị đánh đập nhiều lần.Tôi không được trả bất cứ đồng rupee nào. Tôi đi làm việc ở nước ngoài với hy vọng mang tương lai tươi sáng cho con tôi nhưng tất cả đã sụp đổ. Chồng tôi đã kết hôn với một phụ nữ khác", Sunita Magar, người đã làm việc ở Syria 18 tháng cho biết.
Sunita Magar đã được một người đàn ông Nepal giải cứu sau khi nộp đủ tiền cho chủ nhà. Sunita Magar đưa ra cảnh báo với phụ nữ đang tìm kiếm việc làm ở nước ngoài rằng: "Tôi không thể khuyên các bạn rằng, có nên đi làm việc ở nước ngoài hay không nhưng rõ ràng, cần phải thông qua những công ty hoạt động hợp pháp", Sunita Magar nói.
Theo một nhà ngoại giao Nepal, tình trạng buôn bán phụ nữ từ Nepal sang Syria đang phát triển mạnh, "có những đường dây buôn người đưa phụ nữ đến Damascus. Năm ngoái, chúng tôi ước tính, có khoảng 300 phụ nữ Nepal ở Syria và đến nay, con số này đã tăng lên từ 500 đến 600 người.
Thủ đoạn buôn người mà các băng đảng tội phạm thường sử dụng là hứa hẹn công việc hấp dẫn ở Dubai, nhưng sau đó lại đưa họ đến Damascus. Khi đến Syria, những cô gái mới phát hiện ra mình bị lừa", nhà ngoại giao nói.Nhà ngoại giao Nepal nói thêm rằng, phụ nữ Nepal cũng bị đưa tới những khu vực xung đột khác, bao gồm cả Iraq và một số khu vực ở Bắc Phi.
Nepal hiện không có đại sứ quán ở Syria và Iraq.Theo một phát ngôn viên của Đại sứ Nepal tại Pakistan thì có khoảng 3.000 phụ nữ Nepal làm việc tại Kurdistan và Iraq.Tuy nhiên, rất khó để xác định bao nhiêu người làm việc ở đó là nạn nhân của những đường dây buôn người.
Nisha Baniya, cán bộ Tổng liên đoàn lao động Nepal nói rằng, chính phủ Nepal phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ phụ nữ bị đưa đến các khu vực chiến tranh. "Vì không có lãnh sự quán tại Syria hay Iraq nên những phụ nữ này không có ai để liên hệ khi gặp rắc rối. Chính phủ nói rằng, họ không có đủ nguồn lực tài chính nhưng ít nhất cũng phải có tùy viên theo dõi mảng này", Baniya nói.
Durpada Sapkota, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nepal cho biết, khoảng 25 người lao động Nepal đã yêu cầu được giúp đỡ nhưng điều đó rất khó để theo dõi khi họ đi du lịch không thông qua con đường hợp pháp. "Hiện tại chính phủ Nepal đã bổ nhiệm một cán bộ cấp cao ở Đại sứ quán Ai Cập, phụ trách vấn đề công dân Nepal tại Syria. Trước mắt, chúng tôi tập trung tìm kiếm những cô gái theo yêu cầu giúp đỡ từ các gia đình ở Nepal", Sapkota nói.