Giữ mình và giữ cả đồ đạc

Thứ Sáu, 12/05/2017, 16:32
Mình và đồ đạc thì có gì liên quan tới nhau. Mình thì phải giữ rồi, nhưng đồ đạc sao phải giữ? Ði chơi thì cứ lè phè, có gì mất mà phải sợ vậy. Mà có mất thì cũng coi như mất, có gì mà ghê vậy?


Hóa ra có những trường hợp đồ đạc hại mình, nếu không được để mắt kỹ. Đồ đạc của mình làm sao hại được mình, mọi thứ nằm trong balô, vali mỗi khi di chuyển, cùng lắm đổ vỡ, rơi vãi chứ chả thể hại đến thân.

Thế mà có. Đã xảy ra rồi và những người hay đi lại thường nhận được lời khuyên của người thân: đừng có dại mang giúp ai cái gì.

Đừng tưởng nghĩa hiệp giúp người, trông hộ món đồ này, xách hộ cái túi kia của phụ nữ mang thai, cầm giúp người này người kia cái túi qua cửa kiểm soát vì họ đang nặng vì đồ đạc lỉnh kỉnh…

Nghe thì dã man đấy, nhưng nhỡ trong cái túi nhờ xách qua cửa kiểm soát ấy lại có hàng quốc cấm. Nhìn lại thì kẻ nhờ xách đã xa chạy cao bay, chỉ còn mình mình trân trân, biết thanh minh thế nào, chỉ còn chịu trận lãnh án. Những cái án trời giáng, chỉ một lần…

Donna Mazon.

Cảnh giác không thừa. Một dân phượt qua biên giới Lào - Việt khư khư cái balô nặng trĩu theo người, nhất định không chịu để trên xe khi vào chợ như thường làm.

Anh này giải thích: Không phải sợ mất, mà sợ “được thêm” những món quà không mong muốn. Nhỡ có kẻ nhét thêm cái gì vào túi của mình khi biết mình đang qua cửa khẩu. Thoát thì sang bên kia nó tìm cách “xin lại”, bị bắt thì chẳng biết ai, làm sao thanh minh…

Thanh minh cũng không được, chỉ biết quả tang đang vận chuyển hàng quốc cấm. Ở Singapore, người ta treo đầy bảng ở sân bay nhắc luật nước này cứ mang ma túy cỡ 100 gram trong người, trong hành lý là… treo cổ, khỏi thanh minh thanh nga…

Phòng thân giữ mình cho chắc để an toàn, cảnh giác với mọi màn kịch bằng cách kiên quyết không nhận “giúp” ai mang, xách, vác, chuyển cái gì trong bất cứ hoàn cảnh nào, “ác” một tý còn hơn mang vạ.

Không nói bọn chủ mưu hay vận chuyển thuê loại hàng này, những người vô tình mắc bẫy thật tội nghiệp mà không cãi được, nên tốt nhất bảo nhau mà tránh.

Nhiều người mắc rồi lún sâu vào con đường cửu vạn này vì món lời trước mắt. Chuyện của cô Chaimongkol Suracha (35 tuổi, người Thái Lan) là một thí dụ. Tốt nghiệp đại học, cô quen qua mạng một người đàn ông gốc Phi, tên Suracha. Gã này đưa cô đến gặp một người lạ để xin việc tại công ty kinh doanh ôtô.

Chaimongkol Suracha.

Cô Suracha được đưa sang Việt Nam để gặp "ông chủ" rồi cùng sang Brazil ngay trong đêm. Ông này cho cô 1.000 USD, dẫn cô đi mua sắm rồi đưa 2 cuốn album ảnh để mang về Việt Nam gặp "ông chủ" nhận việc. Cô nào biết trong cuốn album có gần 2 kg ma túy, cứ cho là tình ngay lý gian, vẫn phải nhận án tử hình không cứu được.

Trường hợp khác, cô Rithambun, nhà nghèo, học hết lớp 9, không việc làm ổn định, được một phụ nữ giới thiệu đi Brazil xách hàng thuê với thù lao cao. Hàng chỉ là 2 hộp nhang, chỉ cần mang về nước. Cô bị bắt vì trong 12 ống nhang có tẩm hơn 1,7 kg ma túy.

Một bà mẹ đơn thân, Dona Mazon (42 tuổi, người Philippines) nuôi 4 con nhỏ, được thuê ra nước ngoài mang hàng về với tiền công 3.000 USD. Hàng là 2 gói giấy bạc chứa hơn 2 kg cocaine.

Những người này, biết hoặc lờ mờ biết, nhưng hoa mắt vì lợi nhuận, hoặc nghèo túng làm liều. Sa chân rồi không rút được, vì bọn buôn ma túy dùng nhiều thủ đoạn từ dọa nạt đến bắt ép, thêm tiền thưởng…

Cách tránh tốt nhất là dứt khoát nói không ngay từ đầu, kiên quyết không. Do dự là chúng không buông tha con mồi với nhiều chiêu bẩn thỉu.

Tiền có thể là thứ người ta dễ nghiện hơn cả ma túy, sa vào rồi lún không ra khỏi vũng bùn. Tránh nghiện là tránh xa các loại hàng này, không thử dù chỉ một lần. Tiền thiếu có thể còn kiếm được, danh dự và nhân phẩm mất khó lòng lấy lại dù có học bao lớp “phục hồi nhân phẩm”.

Hãy giữ mình trước khi trời cứu. Và cả giữ đồ đạc của mình cẩn thận trong mỗi chuyến ra khỏi nhà.

Thanh Loan
.
.
.