Gia tăng cáo buộc đối với Google
Ông Sundar Pichai bị chất vấn việc độc quyền Internet, mạng xã hội Google+, theo dõi vị trí người dùng, kế hoạch xây dựng công cụ tìm kiếm riêng cho Trung Quốc và cách công cụ tìm kiếm hoạt động.
"Ngay bây giờ, nếu nhập từ idiot vào Google, ảnh của Tổng thống Donald Trump vẫn xuất hiện vì tôi vừa thực hiện việc này. Làm thế nào điều đó lại xảy ra", nghị sỹ Zoe Lofgren nghi ngờ Google can thiệp vào kết quả tìm kiếm.
Từ tháng 8, báo chí đã đưa tin về việc ảnh của Tổng thống Donald Trump bị gắn với từ khóa idiot - gã ngốc trên Google. Theo giải thích của ông Sundar Pichai, Google không can thiệp thủ công vào bất kỳ kết quả tìm kiếm cụ thể nào bởi việc này được thực hiện hoàn toàn bằng thuật toán.
CEO Google Sundar Pichai trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ ngày 11-12. |
Ông Sundar Pichai cũng cho biết, Google không có kế hoạch về việc phát hành một công cụ tìm kiếm cho thị trường Trung Quốc mặc dù họ đang nghiên cứu ý tưởng này.
Hơn 2 tháng trước (16-10), ông Sundar Pichai từng tiết lộ kế hoạch trở lại thị trường Trung Quốc bằng một sản phẩm tìm kiếm và tin tức. Bởi ông Sundar Pichai coi thị trường Trung Quốc là "quan trọng để khám phá" - có khả năng trở thành thị trường có dân số sử dụng Internet lớn nhất, hấp dẫn nhất thế giới. Trước đó, ông Sundar Pichai đã tới Washington gặp riêng các nghị sỹ đảng Cộng hòa để bàn về dự án công cụ tìm kiếm Dragonfly tại Trung Quốc.
Tại phiên điều trần gần 4 tiếng trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, CEO Google Sundar Pichai còn nói, ông cứ nghĩ mọi người dùng thiết bị Android đều hiểu rõ việc dữ liệu cá nhân của họ đang được Google thu thập khi chấp nhận điều khoản sử dụng hệ điều hành này. Đồng thời cam kết, sẽ đơn giản hóa bảng tùy chỉnh và các công cụ giúp người dùng có thể kiểm soát tốt hơn dữ liệu cá nhân của họ trong thời gian tới.
Theo giới chuyên môn, cách Google lập luận để bảo vệ cho hoạt động thu thập dữ liệu của họ cũng tương tự như lập luận của Facebook. Được biết, ngày 10-12, Google thông báo, sẽ đóng dịch vụ truyền thông xã hội Google+ vào tháng 4-2019, trước 4 tháng so với kế hoạch.
Kết quả tìm kiếm hình ảnh trên Google với từ khóa idiot. |
Ngày 11-12, Nga đã phạt Google 500.000 ruble (khoảng 7.530 USD) vì không ngăn chặn các trang thuộc danh sách đen theo một đạo luật có hiệu lực từ tháng 9-2018. Đây là mức phạt tối thiểu theo luật này.
Trước đó (9-10), người phát ngôn Google Al Verney xác nhận, hãng này đã kháng nghị quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) lên Tòa án sơ thẩm của Liên minh châu Âu (EU). Bởi Google bị phạt tới 4,34 tỷ euro (5 tỷ USD) - mức phạt chống độc quyền lớn nhất từ trước đến nay của EU áp đặt với tập đoàn này, vì cáo buộc lạm dụng độc quyền hệ điều hành Android (phiên bản đầu tiên xuất hiện cách đây 10 năm) sử dụng cho các thiết bị di động.
Đây là mức phạt chống độc quyền lớn nhất của EU, gần gấp đôi mức phạt 2,4 tỷ euro đưa ra năm 2017 đối với Google. Nếu án phạt của Google được thực thi, nó sẽ lấy đi khoảng 40% lợi nhuận ròng của hãng này trong năm 2017. Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích quyết định này, đồng thời cảnh báo không để EU lợi dụng các chính sách của Mỹ.
Theo cáo buộc của Liên minh các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Hà Lan, Ba Lan và 5 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Cộng hòa Czech, Hy Lạp, Na Uy, Slovenia và Thụy Điển, Google đã theo dõi hoạt động đi lại của hàng triệu người dùng, vi phạm quy định bảo vệ quyền riêng tư mới của EU.
Đại diện đến từ Na Uy đã chỉ trích Google sử dụng các dữ liệu cá nhân chi tiết và toàn diện nhưng không có nền tảng pháp lý phù hợp, và thu thập những dữ liệu này bằng nhiều kỹ xảo lừa gạt.
Tổng Giám đốc Tổ chức người tiêu dùng châu Âu Monique Goyens cho rằng, tình hình này rất đáng báo động khi điện thoại thông minh đang bị lợi dụng để theo dõi mọi động thái của người dùng. Theo thống kê của Statcounter, gần 70% điện thoại di động ở châu Âu chạy hệ điều hành Android.
Hãng AP từng cho rằng, nhiều dịch vụ của Google trên thiết bị Android và iPhone lưu trữ dữ liệu vị trí của người dùng ngay cả khi họ đã sử dụng các thiết lập riêng tư. 4,4 triệu người Anh từng kiện Google, đòi bồi thường 4,3 tỷ USD vì đã thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng iPhone.
Vụ kiện được khởi xướng bởi những người dùng iPhone bị ảnh hưởng trong vụ việc này, lấy tên là Google You Owe Us. Những lùm xùm xung quanh việc Google cố tình theo dõi thông tin người dùng iPhone từng được đưa ra từ năm 2012.
Theo công ty nghiên cứu Gartner, phần mềm Android thống trị thị trường điện thoại thông minh với thị phần 85,9% năm 2017, trong khi hệ điều hành iOS của Apple chiếm 14%.