Gia tăng bạo lực vì… biến đổi khí hậu

Thứ Bảy, 29/02/2020, 14:58
Một nghiên cứu mới công bố cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều nơi trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, nỗ lực giảm suy thoái môi trường và hành động ngăn chặn bạo lực giới là hai vấn đề cần được giải quyết đồng thời.


"Hôn nhân sinh tồn"

Ntoya Sande buộc phải kết hôn năm 13 tuổi. "Tôi phải kết hôn vì gia đình không có đủ thực phẩm. Gia đình tôi có mảnh đất nhỏ để trồng trọt nhưng lũ lụt đã phá hủy hết hoa màu.

Tôi đã cố gắng thuyết phục bố mẹ rằng, tôi chưa sẵn sàng, tôi không muốn kết hôn vào thời điểm đó nhưng bố mẹ nói tôi phải làm thế để gia đình bớt đi một nhân khẩu. Vì thương bố mẹ và các em, tôi đành phải chấp nhận”, Ntoya Sande kể lại. Sande sống ở tỉnh Nsanje của Malawi.

Ở Bangladesh, phụ nữ cũng có nhiều khả năng tử vong do lũ lụt hơn vì hiếm khi tìm đến nơi trú ẩn an toàn.

Câu chuyện của cô là một trong hàng ngàn trường hợp được đề cập trong nghiên cứu gần đây của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Được triển khai thực hiện trong hai năm, báo cáo là nghiên cứu lớn nhất và toàn diện nhất về tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường với bạo lực giới. Phụ nữ và trẻ em gái đang trở thành nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ sự tác động của môi trường và biến đổi khí hậu.

Malawi không phải là nơi duy nhất mà trẻ vị thành niên buộc phải kết hôn để giúp gia đình sống sót sau thảm họa khí hậu. Theo nghiên cứu, các cô gái ở Ethiopia và Nam Sudan cũng bị “bán tháo”, buộc kết hôn trong thời kỳ hạn hán khắc nghiệt để đổi lấy gia súc.

Juliane Schmucker, Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân đạo Plan International cho biết, tỷ lệ trẻ em bị ép buộc kết hôn gia tăng khủng khiếp trong thời kỳ khủng hoảng. “Đó đơn giản là một chiến lược sinh tồn. Các bậc cha, mẹ buộc con gái kết hôn để giảm bớt áp lực cho gia đình hoặc đó là cách duy nhất để tạo thu nhập", Juliane Schmucker nói với phóng viên tờ DW (Đức).

Đối mặt với nhiều rủi ro

Sự khan hiếm tài nguyên cũng làm tăng nguy cơ phụ nữ và trẻ em gái trở thành nạn nhân của bạo lực. Sự gia tăng hạn hán và sa mạc hóa ở khu vực phía Nam bán cầu khiến nguồn nước cạn kiệt. Lấy nước thường là công việc của phụ nữ và nếu buộc phải đi bộ xa hơn để lấy nước thì nguy cơ bị tấn công tình dục cũng tăng lên, đặc biệt là ở khu vực có sự xuất hiện của băng đảng vũ trang.

Phụ nữ sống trên nhiều bờ biển và hồ của châu Phi cũng phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục vì cá trở nên khan hiếm hơn. Khách hàng không chỉ mua cá mà còn đòi hỏi quan hệ tình dục. Theo nghiên cứu của IUCN, thực tế này đang diễn ra phổ biến ở miền Tây Kenya.

World Vision đã nỗ lực hành động chống lại hình thức khai thác tình dục này, đặc biệt là ở khu vực phía Đông châu Phi, quanh hồ Victoria. Tại đây, phụ nữ được hỗ trợ nuôi cá trong ao. Bằng cách này, phụ nữ có thể thành lập doanh nghiệp của riêng mình và bán cá mà không gặp phải tình huống bạo lực tình dục.

Cả World Vision và Plan International đều đồng tình cho rằng, ở những nơi phụ nữ chủ yếu làm nông nghiệp thì một thảm họa tự nhiên hoặc thời tiết khắc nghiệt có thể ảnh hưởng lớn đến vị thế xã hội và gia đình họ. Nếu mùa màng bị đe dọa hoặc bị “xóa sổ” hoàn toàn thì có thể dẫn đến bạo lực từ chính thành viên trong gia đình họ.

Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em gái có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro trong các tình huống thời tiết khắc nghiệt, trong các thảm họa tự nhiên khi xã hội có những quy định giới hạn quyền của phụ nữ, chẳng hạn như việc đi ra ngoài một mình.

Các loại tội phạm môi trường, chẳng hạn như săn trộm và khai thác tài nguyên bất hợp pháp cũng có thể dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới. Theo nghiên cứu của IUCN, các mối đe dọa và bạo lực tình dục như cưỡng hiếp thường được sử dụng để nhắm vào các nhà hoạt động môi trường nhằm làm suy yếu địa vị của họ trong cộng đồng cũng như để ngăn chặn những phụ nữ khác tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

Nỗ lực hành động nâng cao nhận thức về giới

Giới và khí hậu là một trong những vấn đề được đề cập tại các hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2012 trở lại đây. Vấn đề này nhận được sự quan tâm rất lớn của các quốc gia trên thế giới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất tổ chức ở Madrid vào tháng 12 năm ngoái, các quốc gia tham gia đã nhất trí về Kế hoạch hành động về giới lần thứ hai, với mục tiêu đưa phụ nữ ngang hàng với nam giới trong tất cả các vấn đề có liên quan đến khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Ngoài các biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề đang đặt ra, các tổ chức viện trợ cũng kêu gọi thay đổi vai trò giới theo quan niệm truyền thống. "Một điều rất quan trọng là các cô gái và phụ nữ cần nhận thức rõ về vị trí, vai trò của mình với xã hội. Họ cần biết phải liên lạc với ai nếu bị tấn công tình dục và cần phải khuyến khích họ làm như vậy”, Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân đạo Plan International - Juliane Schmucker nói thêm.

Theo ông Schmucker, đa dạng hóa các nguồn thu nhập là cách quan trọng nhất để bảo vệ phụ nữ. “Thực tế cho thấy, nếu chúng tôi giúp phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện tình hình thu nhập thì mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả trẻ em và nam giới", ông Schmucker nhận định.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.