Giá phải trả cho những “ông trùm” động vật hoang dã

Thứ Năm, 25/04/2019, 12:48
Nhiều năm trước, nạn buôn bán, giết hại động vật hoang dã quý hiếm (và các chế phẩm của nó) thường xảy ra lan tràn, khó kiểm soát. Các đối tượng khi bị cơ quan chức năng bắt giữ thì những chế tài chưa đủ mức răn đe như phạt hành chính, cải tạo không giam giữ…


Tuy nhiên, thời gian gần đây rất nhiều vụ buôn bán, giết hại động vật hoang dã quý hiếm (và các chế phẩm của nó) được cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc, rốt ráo…

1Tháng 3-2019, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm 16 tháng tù và phạt bổ sung 10 triệu đồng với Nguyễn Mậu Chiến (SN 1970, trú tại  khu đô thị phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội) - là đối tượng nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã (ĐVHD) từ châu Phi về Việt Nam, tăng thêm 3 tháng tù so với bản án sơ thẩm.

Trước đó vào tháng 3-2018, tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án, TAND quận Hà Đông đã tuyên phạt Nguyễn Mậu Chiến 13 tháng tù và phạt bổ sung 10 triệu đồng vì tội vận chuyển và tàng trữ tổng cộng khoảng 34kg sừng tê giác cùng nhiều chế phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác.

Đối tượng Nguyễn Mậu Chiến đã phải lĩnh án 16 tháng tù giam vì buôn bán ĐVHD.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, hàng chục năm nay Nguyễn Mậu Chiến nổi danh về hổ và các sản phẩm từ loài động vật thuộc “sách đỏ” này nên mới có biệt danh là “Chiến hổ”. Do bị cấm nên các sản phẩm từ ĐVHD như sừng tê giác, ngà voi, da hổ, cao hổ... đều thuộc loại hiếm có khó tìm. Ngay cả người có tiền song nếu không “gõ” đúng cửa Chiến “hổ” thì cũng không dễ mua được hàng “chuẩn”, “xịn”! Người ta đồn nhau, muốn mua cao xịn, nanh xịn, da xịn... thì phải tìm đến y. Ngoài ra Chiến cũng có “mối” để mua được sừng tê giác, ngà voi từ châu Phi về…

Thực ra việc Nguyễn Mậu Chiến có những chế phẩm từ hổ không phải là điều khó hiểu. Cách đây hơn chục năm, chúng tôi từng về tận nhà bố đẻ của Chiến tại xã Xuân Tín (Thọ Xuân, Thanh Hóa) và tận mắt chứng kiến đàn hổ 10 con được nuôi như nuôi... gà.

Thời điểm đó, Chiến cho biết mục đích nuôi hổ là để “bảo vệ loài động vật quý hiếm; đồng thời có ý định “nhân giống” nên Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã đồng ý để Chiến tiếp tục nuôi (sau khi đã xử phạt hành chính 30 triệu đồng).

Mặc dù vậy, theo thông tin chúng tôi có được thì cũng trong năm 2007, Chiến từng bị bắt giữ ở châu Phi và bị xử phạt hành chính do vận chuyển một số sản phẩm từ ĐVHD. Và cho đến tháng 4-2017 thì bộ mặt của ông trùm chuyên buôn bán ĐVHD đã bị lật tẩy.

Theo tài liệu từ Cơ quan công an, sáng ngày 27-4-2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hà Đông đã bất ngờ kiểm tra hành chính đối với đối tượng Nguyễn Văn Tùng (SN 1983 tuổi, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Qua kiểm tra một valy và một thùng các tông, Cơ quan công an đã phát hiện 15 sừng động vật (sau đó được giám định là sừng tê giác).

10 giờ cùng ngày, cơ quan điều tra tiếp tục kiểm tra hành chính đối tượng Trần Thị Lành (SN 1982, trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) đang vận chuyển 2 bao tải dứa từ nhà Chiến về nhà Lành. Trong các bao tải chứa rất nhiều sản phẩm ĐVHD như: 6 khúc ngà động vật (ngà voi), 8 khúc sừng động vật (sừng tê giác), 16 gói cao động vật và nhiều chế phẩm khác. Ngày 10-5-2017, Nguyễn Mậu Chiến đã đến Cơ quan công an đầu thú.

Sau một thời gian điều tra, đường dây buôn bán vận chuyển ĐVHD thuộc loại lớn do Nguyễn Mậu Chiến cầm đầu đã được Cơ quan công an làm rõ: Khoảng cuối năm 2016, Chiến đi Trung Quốc và có quen biết đối tượng Xieng Xieng (người Trung Quốc).

Xieng Xieng đã thuê Chiến vận chuyển 15 chiếc sừng tê giác có trọng lượng 34kg từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội, với tiền công là 340 triệu đồng, hẹn tháng 4-2017 sẽ có hàng. Chiến gọi điện nhờ Nguyễn Văn Tùng đi TP Hồ Chí Minh để nhận sừng tê giác mang về cho Chiến.

Ngày 24-4-2017, Xieng Xieng gọi điện thông báo cho Chiến hàng đã ở TP Hồ Chí Minh và nói Chiến liên hệ với Nguyễn Mạnh Chiến (SN 1974, trú tại phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để lấy hàng. Thông qua Nguyễn Mậu Thuận (là nhân viên tàu Bắc - Nam), số hàng đã được đưa cho Tùng để mang về Hà Nội. Ngày 25-4, khi Tùng đang vận chuyển valy và thùng các tông đựng sừng tê giác ra xe ô tô thì bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, Chiến gọi điện thoại cho Tùng nhưng không được. Sợ lộ y gọi điện cho vợ là Lê Thị Hồng tẩu tán hàng. Hồng vội cho sừng tê giác, ngà voi… cho vào 2 bao tải dứa gửi Trần Thị Lành. Khi Lành đang chở 2 bao tải về nhà thì bị Công an kiểm tra, thu giữ.

Hành vi của Chiến và đồng bọn đã phạm vào tội “Tàng trữ và vận chuyển trái phép hàng cấm”. Tháng 10-2017, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên do một số bị cáo vắng mặt nên phiên tòa đã bị hoãn. Tháng 11-2017, phiên xử được mở lại song do lời khai của bị cáo tại tòa có sự mâu thuẫn nên HĐXX sơ thẩm quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ “ông trùm” sản phẩm động vật quý hiếm.

Cũng có hành vi tàng trữ các chế phẩm ĐVHD, tháng 6-2018, Hoàng Tuấn Hải (SN trú tại thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) bị TAND TP Nha Trang tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về hành vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Được biết từ ngày 19 đến 22-12-2014, Công an tỉnh Khánh Hòa đã xác định Hải cất giấu xác cá thể rùa biển với khối lượng lớn tại nhiều điểm trên địa bàn xã Phước Đồng, thu giữ 4.383 xác cá thể rùa, 3.855 vỏ sò.

Giám định của Viện Hải dương học kết luận, trong số 4.383 xác cá thể rùa có 5 xác cá thể rùa thuộc loài Quảng Đồng (con đú), 6 xác cá thể rùa biển thuộc loài rùa xanh (đồi mồi dứa), 4.372 xác cá thể rùa biển thuộc loài đồi mồi, 3.855 vỏ sò thuộc loài trai tai tượng khổng lồ. Tất cả đều nằm trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, cực kỳ lớn và thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Đối tượng Hoàng Đình Quân cùng tang vật tại cơ quan Công an. 

Cơ quan chức năng xác định, Hoàng Tuấn Hải kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ không có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng đã có hành vi mua thu gom xác cá thể rùa với mục đích thương mại. Hành vi của Hải đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Hơn nữa, các loài rùa biển mà Hải mua gom đang có nguy cơ bị tuyệt chủng tại vùng biển Việt Nam, vì vậy cần xác định hậu quả do hành vi phạm tội của Hải gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

Tham gia vận chuyển buôn bán hổ đông lạnh và những chế phẩm ĐVHD khác, Hoàng Đình Quân (SN 1990, trú tại xóm 2, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã phải lĩnh án đến 10 năm tù giam.

Trước đó vào ngày 7-1-2018, trên tuyến QL18 thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tổ công tác Phương án 12 Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 14B-01926 do Nguyễn Văn Hùng cầm lái, phát hiện Hoàng Đình Quân đang vận chuyển trái phép 5 cá thể hổ đã chết đông lạnh, 1kg bộ phận sinh dục của cá thể hổ đực và 41kg thịt hổ đông lạnh. 

Qua giám định gen xác định là loài hổ Panthera tigris thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Ngoài ra, còn có 3 cá thể khỉ đuôi lợn Macaca leonina (thuộc nhóm IIB là động vật rừng hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại); 30kg mẫu vật giám định là bộ phận vẩy của loài tê tê, có tên khoa học là Manis gigantea; 20 răng nanh của loài thú ăn thịt năm trong danh mục nguy cấp, cấm săn bắt...

Theo một lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thì trước đây các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn còn “giơ cao đánh khẽ” đối với các đối tượng buôn bán, tàng trữ ĐVHD quý hiếm. Và để giảm thiểu tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép, các đối tượng liên quan đến các đường dây buôn bán lớn và các vụ án nghiêm trọng phải bị nghiêm trị. Chỉ có những bản án nghiêm khắc mới thực sự có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD.

Một điều đáng khích lệ là thời gian gần đây các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về ĐVHD đã và đang chứng tỏ vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD tại Việt Nam. Các bản án nghiêm khắc đã mang lại những biến chuyển tích cực, có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa các tội phạm nghiêm trọng về ĐVHD có thể xảy ra trong tương lai. ENV kêu gọi các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử tại các địa phương trên cả nước tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để Việt Nam sớm đẩy lùi tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép.

Minh Trí
.
.
.