Felicien Kabuga - kẻ diệt chủng khoác áo doanh nhân
Ngày 16/5/2020, sau 26 năm lẩn trốn, Felicien Kabuga, 84 tuổi, nghi phạm chủ chốt cuối cùng trong vụ diệt chủng tại Rwanda năm 1994 khiến 800.000 người dân tộc Tutsis và Hutus ở Rwanda bị sát hại, đã bị Cảnh sát Pháp đã bắt giữ.
Tại thời điểm bị bắt, Felicien Kabuga đang sống ở thị trấn Asnieres-Sur- Seine, phía Bắc Thủ đô Paris dưới cái tên giả. Kabuga đã từng bị truy nã và được Mỹ treo thưởng 5 triệu USD cho ai lấy được đầu của ông ta. Năm 1997, Tòa án Hình sự quốc tế của Liên hợp quốc tại Rwanda đã truy tố Kabuga với các tội danh liên quan tới âm mưu diệt chủng.
Cuộc diệt chủng khủng khiếp nhất châu Phi trong thế kỷ XX
Ngày 7/4/1994, người dân Rwanda phải hứng chịu một cuộc thảm sát kinh hoàng do đa số người Hutu lãnh đạo nhắm tới sắc tộc Tutsi ở nước này. Cuộc diệt chủng đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ với những người dân nước này mà còn với nhân loại. Để lý giải nguyên nhân vụ thảm sát này, phải nói qua lịch sử đất nước Rwanda.
Từ thế kỷ XXIII, người Tutsi định cư tại Kenya và Tanzania đã di cư tới Rwanda rồi dần dần chiếm vai trò chính trị lớn trong xã hội Rwanda khi có thành viên của sắc tộc này này vươn lên làm thủ lĩnh, lãnh đạo những người Hutu bản địa, vốn chiếm tới 85% dân số.
Những xung đột và khác biệt giữa người Hutu và Tutsi ngày càng lớn cả trên phương diện xã hội và kinh tế, nhất là khi kinh tế của người Hutu ngày càng phát triển.
Năm 1959, cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Grégore Kayibanda, người Hutu, đã giải phóng Rwanda thoát khỏi chế độ thực dân Bỉ. Ba năm sau, Grégore Kayibanda trở thành người lãnh đạo liên minh giữa người Hutu và người Tutsi vào năm 1962.
Tuy nhiên, đầu năm 1990, Rwanda rơi vào khủng hoảng kinh tế do sự trượt giá kim loại và cà phê trên toàn cầu, đã khiến đồng nội tệ của Rwanda sụt giảm tới 67% và sự suy giảm GDP tới 15%. Vào thời điểm này, những người Tutsi lưu vong tại Uganda thành lập Mặt trận yêu nước Rwanda (viết tắt là RPF).
Felicien Kabuga bị bắt ở ngoại ô Paris sau 26 năm chạy trốn. |
Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Rwanda được coi là nguyên cớ để RPF tiến vào Rwanda năm 1993. Lo sợ bị người Tutsi trả đũa từ phía người Hutu, những người đã nắm quyền lãnh đạo đất nước hàng thập kỷ, có thể khiến họ buộc phải nghĩ đến việc ngăn chặn RPF nói riêng và người Tutsi nói chung.
Năm 1993, để tránh giao tranh và chia rẽ, Chính phủ người Hutu và quân nổi dậy Tutsi chấp nhận chia sẻ quyền lực, nhưng phải tới ngày 6/4/1994, Tổng thống Juvenal Habyarimana mới đồng ý đàm phán tại Burundi để thực thi Hiệp ước. Tuy nhiên, tối 6/4/1994, khi trên đường về Kigali, chuyên cơ của tổng thống bị trúng đạn.
Dù chưa xác định được quân nổi dậy Tutsi hay người Hutu đã bắn vào phi cơ của tổng thống, nhưng sự ra đi của tổng thống Juvenal Habyarimana đã châm ngòi cho nạn diệt chủng khi chỉ vài giờ sau, những người Hutu quá khích dựng lên 1.157 hàng rào xung quanh thủ đô.
Những tay súng cực đoan Hutu Interhamwe được trang bị dao rựa, cuốc, dùi cui và súng trường phối hợp với binh lính người Hutu trong quân đội Rwanda hình thành đội quân giết người hung bạo, vác loa kêu gọi giết người Tutsi và cả những người ôn hòa cùng dòng máu Hutu mà Interhamwe gọi họ là những "con gián".
Những vụ tàn sát diễn ra ngay tại các giáo đường, các điểm dừng giao thông, chợ, tại các gia đình; và sự giết chóc thường diễn ra sau khi chửi mắng nguyền rủa, đánh đập hoặc hãm hiếp. Cả đất nước Rwanda chìm trong loạn lạc đẫm máu.
Thời điểm đó, Liên hợp quốc đang có 2.500 lính thuộc lực lượng gìn giữ hoà bình đóng tại Rwanda. Nhưng khi tướng Dallaire, chỉ huy lực lượng gìn giữ hoà bình tại Rwanda, xin ý kiến chỉ đạo từ New York, khoảng 2h ngày 7/4, đã nhận được lệnh không can thiệp.
Và họ đã phải trả giá khi ngày 7/4/1994, 10 sĩ quan và binh sĩ người Bỉ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Rwanda bị quân Hutu bắn chết.
Tuy nhiên, bất chấp những thỉnh cầu của tướng Dallaire, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Boutros Boutros-Ghali và Kofi Annan, phụ trách khối lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hiệp quốc, đã từ chối tiếp viện.
Sau khi 10 binh sĩ bị sát hại, Tổng thư ký Liên hợp quốc quyết định rút các lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Rwanda. Ngay sau đó, các đài phát thanh ở Rwanda đã phát sóng kêu gọi người Hutu đa số sát hại tất cả người Tutsi trong nước. Quân đội và cảnh sát quốc gia cũng tham gia chỉ đạo việc thảm sát.
Những vụ tàn sát lớn nhất đã diễn ra dưới sự điều khiển của Ladislas Ntaganzwa, Thị trưởng Nyakizu. Theo cáo trạng của Toà án Hình sự quốc tế về nạn diệt chủng ở Rwanda (ICTR), trong khoảng thời gian 4 ngày (14-18/4/994), Ntaganzwa bị cáo buộc chỉ huy việc lập kế hoạch, chuẩn bị và thực hiện vụ thảm sát trên 20.000 người Tutsi tại giáo xứ Cyahinda.
Ntaganzwa cũng bị cáo buộc sắp xếp và chỉ đạo vụ thảm sát hàng ngàn người Tutsi ở vùng Gasasa Hill; giết chết những người Tutsi chạy thoát trong vụ thảm sát tại Nkakwa; vụ giết người Tutsi vùng Maraba, vụ tàn sát người Tutsi tại Trung tâm Thương mại Nkomero, xã Kigembe và cho lệnh hiếp dâm phụ nữ người Tutsi rồi giết họ.
Hãm hiếp và làm nhục được sử dụng như là công cụ chiến tranh của lực lượng cực đoan đối với những người phụ nữ Tutsi, những người vợ có chồng là người Tutsu hoặc những người được cho là đã giúp đỡ người Tutsi. Lực lượng cực đoan Interhamwe đã có các hành động dã man như là hãm hiếp, cắt âm vật, buộc làm nô lệ tình dục hoặc cưỡng bức phá thai.
Chỉ trong thời gian 100 ngày, đã có tới trên 800.000 người Tutsi và hơn 200.000 người Hutu ôn hòa bị giết, trở thành một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
Theo số liệu công bố của Liên hợp quốc, chỉ còn khoảng 300.000 đến 400.000 người Tutsi sống sót sau thảm họa diệt chủng nhờ chạy trốn sang các nước láng giềng Burundi, Tanzania và Uganda. Trong số hơn 800.000 nạn nhân có 300.000 trẻ em. Trong vòng 100 ngày của cuộc tàn sát đã có hơn 250.000 phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp.
Tháng 7/1994, RPF kiểm soát được toàn lãnh thổ Rwanda sau khi đánh bại đội quân Hutu 40.000 người và buộc khoảng 2 triệu công dân lưu vong tại Burundi, Tanzania và Zaire cũ. Ngày 19/7/1994, một chính phủ đa sắc tộc được thành lập và cam kết những người tị nạn có thể trở về nước.
Ladislas Ntaganzwa (áo sọc) cựu Thị trưởng Nyakizu bị bắt ngày 7/12/2015 sau 21 chạy trốn lệnh truy nã quốc tế. |
Cuộc truy lùng những kẻ đồ tể
Năm 1997, 10 kẻ cầm đầu vụ diệt chủng đã bị Toà án Hình sự quốc tế của Liên hợp quốc về nạn diệt chủng ở Rwanda (ICTR) tuyên án về 7 tội hình sự, tất cả đều liên quan đến nạn diệt chủng Rwanda.
Một danh sách 10 kẻ cầm đầu vụ diệt chủng được công bố và phát lệnh truy nã toàn thế giới. Trong số đó có George Rutaganda, thủ lĩnh Interahamwe; Ladislas Ntaganzwa, thị trưởng Nyakizu; nữ cựu Bộ trưởng Pauline Nyiramasuhuko và Felicien Kabuga, doanh nhân, kẻ phụ trách tài chính trưởng cung cấp cho hoạt động diệt chủng; Protais Mpiranya, Chỉ huy trưởng Vệ binh Tổng thống Rwanda; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Augustin Bizimana.
Chính quyền Mỹ treo thưởng 50 triệu USD cho việc bắt giữ 10 kẻ này. George Rutaganda, thủ lĩnh Interahamwe nhận án tử hình vào tháng 12/1999.
17 năm sau khi xảy ra vụ diệt chủng, Cựu Bộ trưởng Pauline Nyiramasuhuko đã bị kết án tù chung thân vì đã chỉ đạo và hỗ trợ cho các cuộc thảm sát dã man tại Rwanda. Ngày 10/12/2015, Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã bắt được Ladislas Ntaganzwa tại miền Đông thành phố Congo của xứ Goma sau 21 năm chạy trốn.
Dù các thành viên chủ chốt trong vụ diệt chủng lần lượt bị bắt giữ, nhưng riêng Felicien Kabuga, kẻ đã cung cấp tài chính cho vụ diệt chủng, vẫn “bặt vô âm tín”.
Trước khi xảy ra vụ diệt chủng, Kabuga là một doanh nhân giàu có và quyền lực ở Rwanda khi có mối quan hệ rất thân thiết với cựu Tổng thống Juvenal Habyariman, người đã bị bắn chết tại thủ đô Kigali sau vụ diệt chủng 100 ngày.
Con gái của Kabuga đã kết hôn với con trai của cựu Tổng thống Rwanda Habyarimana. Các công tố viên Rwanda cho biết, các tài liệu tài chính được tìm thấy ở thủ đô Kigali cho thấy đồn điền chè của Kabuga đã giúp hắn thực hiện các hành vi diệt chủng.
Vào thời điểm năm 1994, Kabuga đã sử dụng hàng chục công ty nhập khẩu 500.000 con dao rựa cung cấp cho người Hutu dùng vào việc giết người. Kabuga cũng đã bị buộc tội thành lập đài phát thanh và truyền hình Mille Collines để tuyên truyền các tài liệu chống phá người dân tộc Tutsi cũng như đào tạo và trang bị cho các dân quân Interhamwe giết người.
Gần 1 triệu người đã bị giết trong vụ diệt chủng ở Rwanda. |
Có thông tin cho rằng sau khi trốn khỏi Rwanda, Kabuga đã dành thời gian ở Đức, Bỉ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya và Thụy Sĩ. Vì vậy việc Kabuga bị bắt ở Asnieres-sur-Seine phía Bắc Paris (Pháp) đã gây bất ngờ.
Công tố viên trưởng của Liên hợp quốc cho biết, các đối tác góp phần vào việc bắt giữ Kabuga gồm các cơ quan thực thi pháp luật và công tố từ Rwanda, Bỉ, Anh, Đức, Hà Lan, Áo, Luxembourg, Thụy Sỹ và Mỹ. Sau khi bị bắt giữ, dự kiến Kabuga sẽ được chuyển đến giam giữ tại Hague, Hà Lan, để hầu tòa sau khi hoàn thành các thủ tục thích hợp theo luật pháp của Pháp.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc bắt giữ Kabuga. Người phát ngôn của Liên hợp quốc cho biết, việc bắt giữ này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng những ai bị cáo buộc thực hiện những tội ác như vậy không thể thoát khỏi công lý và cuối cùng sẽ bị bắt giữ, cho dù sự việc đã diễn ra hơn 1/4 thế kỷ.
Ông Mausi Segun, Giám đốc cơ quan nhân quyền châu Phi, khẳng định vụ bắt giữ này là một bước quan trọng để đem lại công lý cho hàng trăm ngàn người là nạn nhân của vụ diệt chủng.
Còn ông Serge Brammertz, Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế tại Hague, Hà Lan, hoan nghênh vụ bắt giữ và tin tưởng nghi phạm sẽ bị công lý phán xét vì tội ác trong cuộc diệt chủng năm 1994.
"Việc bắt giữ Felicien Kabuga hôm nay là lời nhắc nhở rằng những người chịu trách nhiệm về tội diệt chủng sẽ bị đưa ra xét xử, thậm chí là sau 26 năm kể từ khi tội ác diễn ra", ông nói.