Europol phá đường dây gian lận thuế VAT để rửa tiền
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4-5, đại diện Europol cho biết, 58 nghi phạm kể trên bị bắt trong chiến dịch kéo dài từ 18 đến 20-4, với sự phối hợp của cơ quan pháp lý Liên minh châu Âu. Được biết, 58 nghi phạm bị bắt tại Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Chỉ riêng cảnh sát Tây Ban Nha bắt tới 52 nghi phạm. Vẫn theo thông báo của Europol, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia kể trên hoạt động tại châu Âu trong 9 năm, với các công dân Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và do cha con người Tây Ban Nha gốc Ấn Độ điều hành.
Europol triệt phá mạng lưới gian lận thuế quốc tế. |
Được biết, số nghi phạm này đã nhập khẩu hàng hóa, làm giả, hoặc mua hàng điện tử cả thật lẫn giả rồi bán trên mạng với hơn 100 công ty, trong đó phần lớn là công ty ma ở châu Âu và Mỹ. Và thông qua số công ty này, những nghi phạm kể trên đã “rửa” hơn 390 triệu euro (khoảng 466 triệu USD), thông qua VAT. Theo đại diện Europol, đường dây sở hữu một trung tâm sản xuất để lập hóa đơn giả cho các mặt hàng điện tử và ôtô hạng sang nhập khẩu.
Và chỉ riêng số hóa đơn giả đã có giá hơn 250 triệu euro (khoảng 298,5 triệu USD). Ngoài ra, đường dây tội phạm này còn sử dụng mạng lưới công ty "ma" của chúng để rửa tiền trước khi đưa vào các tài khoản ngân hàng ở Bulgaria và Hungary.
Được biết, hơn 140 triệu euro (khoảng 167 triệu USD) đã được rót đến từ các công ty ma ở Hungary trong 2 năm qua, sau đó bằng những biện pháp khác nhau để hợp pháp số lợi nhuận đã đầu tư. Và điểm đến cuối cùng của số lợi nhuận bất hợp pháp kể trên là Italia, Tây Ban Nha và Mỹ. Europol cho biết, với việc nhập khẩu hàng hóa không bị tính thuế VAT, sau đó bán lại với mức có thuế tại địa phương, đường dây này đã khiến cho nền kinh tế tại châu Âu thiệt hại khá lớn.
Gần 3 năm trước (15-7-2015), ít nhất 14 nghi phạm đã bị Europol bắt và họ nằm trong mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia quy mô lớn. Khi đó, để bắt số đối tượng kể trên, Europol đã huy động khoảng 250 cảnh sát đến từ 7 quốc gia.
Theo điều tra của Europol, đường dây này đã lợi dụng quy định miễn giảm thuế VAT và chính sách mở cửa biên giới giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU) để thu lợi bất chính 300 triệu euro. Và để qua mặt cơ quan chức năng, các nghi phạm đã thành lập công ty bình phong ở nhiều quốc gia châu Âu, rồi nhập hàng hóa được miễn thuế, sau đó xuất qua nước thứ ba với giá đã tính VAT.
Theo giới truyền thông, ngày 3-3-2015, Europol từng bắt 9 đối tượng bị tình nghi có liên quan tới lừa đảo thuế VAT trị giá hàng trăm triệu euro. Được biết khi đó Europol mở chiến dịch Vertigo (lớn nhất từ trước tới nay ở châu Âu) để xóa sổ loại tội phạm này.
Đường dây này được cho là đã lợi dụng quy định miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để thu lợi bất chính 390 triệu euro. |
Europol đã đột kích và bắt nhiều nghi phạm ở Hà Lan, Đức, Cộng hòa Czech, Ba Lan và một số quốc gia khác. Chỉ huy đơn vị Europol khi đó là Michael Rauschenbach khẳng định, chiến dịch Vertigo đã gửi một thông điệp rõ ràng - Europol không khoan nhượng đối với loại tội phạm có liên quan đến lừa đảo thuế VAT.
Theo ước tính của Europol, việc gian lận thuế VAT của số tội phạm kể trên đã gây thiệt hại hàng trăm triệu euro mỗi năm. Trong khi Đức mất hơn 100 triệu euro, Hà Lan chịu tổn thất khoảng 30 triệu euro, Cộng hòa Czech và Ba Lan ước tính thiệt hại khoảng 10 triệu euro ở mỗi quốc gia.
Về phần mình, Cơ quan tố tụng châu Âu (Eurojust) từng khuyến cáo sau khi cảnh sát Đức, Hà Lan và Ba Lan bắt 27 đối tượng nằm trong mạng lưới gian lận tới 343 triệu USD thuế VAT. Theo đại diện của Eurojust, vụ bắt giữ kể trên diễn ra hôm 19-11-2015, với sự phối hợp của một số quốc gia khác, ngoài cảnh sát Đức, Hà Lan và Ba Lan.
Và mạng lưới này đã thông qua kế hoạch tinh vi làm sai lệch khoản thuế thực phải trả để thực hiện hành vi gian lận ở nhiều quốc gia châu Âu. Vẫn theo đại diện Eurojust, khoảng 50 đợt rà soát đã được triển khai trong chiến dịch điều tra hành vi gian lận VAT có tổ chức ở 15 quốc gia châu Âu, trong đó có Bỉ, Anh, Cộng hòa Czech, Đan Mạch và Pháp.
Theo giới truyền thông, kể từ khi bà Catherine De Bolle chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Giám đốc Europol hôm 1-5, nhiều vấn đề lớn ở châu Âu được lộ sáng. Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Europol, bà Catherine De Bolle từng học luật tại Đại học Ghent, rồi trở thành người phụ nữ đầu tiên và trẻ tuổi nhất ngồi ghế Tổng giám đốc cảnh sát Bỉ. Và với tư cách Tổng giám đốc cảnh sát Bỉ, bà Catherine De Bolle đã thực hiện 4 dự án quan trọng cho tương lai của cảnh sát Bỉ. |