Đối đầu Mỹ-Trung Quốc trên Biển Đông: Sự thật và hư cấu
- Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông ngay khi Trung Quốc tập trận
- Việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông “sẽ gây thêm bất ổn”
Các cuộc tập trận này bao gồm các chuyến bay 24h/24h từ tàu sân bay nhằm thử nghiệm tính năng nổi bật của các chiến cơ để cung cấp "cơ hội huấn luyện nâng cao cho các lực lượng của Mỹ, và cung cấp cho các chỉ huy chiến đấu sự linh hoạt đáng kể khi ứng phó với các tình huống trong khu vực”.
Tàu chở tên lửa dẫn đường Harbin (trái) và tàu DDG-139 Ningbo Sovremenny của Trung Quốc trong một cuộc tập trận. ảnh: AP |
Phân phối quyền lực
Theo thông tin trên tờ Wall Street Journal, hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng 4 tàu chiến khác của Mỹ đến Biển Đông tham gia cuộc tập trận quy mô lớn với Philippines từ ngày 4-7. Các cuộc tập trận này bao gồm các chuyến bay 24h/24h từ tàu sân bay nhằm thử nghiệm tính năng nổi bật của các chiến cơ để cung cấp "cơ hội huấn luyện nâng cao cho các lực lượng của Mỹ, và cung cấp cho các chỉ huy chiến đấu sự linh hoạt đáng kể khi ứng phó với các tình huống trong khu vực.
"Mục đích của cuộc tập trận là nhằm thể hiện một tín hiệu rõ ràng đối với các đối tác và đồng minh của chúng tôi rằng Mỹ cam kết đảm bảo an ninh và ổn định khu vực", Chuẩn Đô đốc George M.Wikoff, chỉ huy cuộc tập trận cho biết. Một điểm đáng chú ý là cuộc tập trận của hải quân Mỹ diễn ra vào đúng thời điểm quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. "Bộ Quốc phòng rất lo ngại việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông từ 1 đến 5 tháng 7. Các hoạt động này sẽ làm mất ổn định hơn nữa tình hình trong khu vực. Tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng đối với những nỗ lực tháo gỡ căng thẳng và duy trì sự ổn định”.
Câu hỏi được đưa ra lúc này là cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ khốc liệt như thế nào? Theo phân tích của ông Hu Bo - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược hàng hải tại Viện Nghiên cứu Đại dương, Đại học Bắc Kinh, cả Mỹ và Trung Quốc đều có lý do để duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự trên Biển Đông.
Trung Quốc là quốc gia duyên hải lớn nhất ở Biển Đông và có các lợi ích quan trọng về chủ quyền lãnh thổ, vùng biển thuộc quyền tài phán và các tuyến giao thông đường biển. Tuy nhiên, nước này lại đang tham vọng bá chủ Biển Đông.
Trong khi đó, Mỹ tính toán đến ưu thế hàng hải, tự do hàng hải trên Biển Đông và các cam kết an ninh đối với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, kể từ khi kết thúc Thế chiến II, Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự mạnh nhất và thực hiện một loạt các hoạt động quân sự phức tạp trên Biển Đông.
Ông Hu Bo cũng cho hay, một thời gian dài sau Thế chiến II, do lực lượng hải quân và không quân yếu kém của Trung Quốc, không có nhiều cơ hội cho các lực lượng quân sự Trung Quốc và Mỹ chạm trán nhau trên biển. Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi trong thập kỷ qua.
Trong khi năng lực của Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng, và sự tiến bộ của hải quân và không quân đặc biệt ấn tượng; Mỹ ngày càng lo lắng về sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc và tăng cường đáng kể sự hiện diện của hải quân và không quân kể từ năm 2009. Các loại máy bay của Mỹ tăng 100% lên khoảng 1.500 chiếc và sự hiện diện của tàu chiến và tàu sân bay cũng tăng 60% lên khoảng 1.000 tàu ngày mỗi năm.
Trong bối cảnh này, các cuộc chạm trán quân sự thường xuyên là không thể tránh khỏi. Và không bên nào thoải mái với những sự thay đổi này. “Mỹ đã từng là vô song nhưng cũng chưa thể sẵn sàng để đáp ứng sự trỗi dậy hàng hải của Trung Quốc.
Mặc dù quân đội Trung Quốc dù rất mạnh về mặt vật chất, nhưng vẫn là một người mới về mặt tinh thần và đang trong quá trình học cách tương tác với các đối tác Mỹ như một cường quốc trưởng thành.
Vì thế, cả hai đành chấp nhận chung sống hoà bình. Nếu cả hai bên phát triển bình thường, về sức mạnh, tương lai của Biển Đông sẽ là một khu vực lưỡng cực, bất kể họ có ý định gì. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều miễn cưỡng phải lựa chọn đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ. Do đó, thật khó để một trong hai bên có thể thiết lập lại một trật tự thống trị ở đây”, ông Hu Bo nói.
Đội tàu sân bay và tàu chiến Mỹ tới Biển Đông tham gia tập trận cùng quân đội Philippines. ảnh: US Navy. |
Leo thang xoắn ốc
Nhưng như học giả người Nga Pavel Vinogradov đã nhận xét trong bài viết mang tựa đề “Khi COVID-19 tràn vào Biển Đông” được đăng trên tạp chí “Thế giới đa cực”, trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tổn thất liên quan đến đại dịch COVID-19 và bất ổn tại các quốc gia phương Tây do phân biệt sắc tộc, thì tình hình tại khu vực Biển Đông tiếp tục căng thẳng, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách của một quốc gia trong khu vực - đó là Trung Quốc. Bắc Kinh đơn phương thiết lập sự hiện diện quân sự và kinh tế của mình tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, trước hết là trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo ông Pavel Vinogradov, Trung Quốc đã bỏ qua các quy tắc của luật pháp quốc tế, có những hành động gây ra quan ngại nghiêm trọng đối với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như cộng đồng quốc tế. Và đương nhiên Mỹ không bao giờ chịu để yên.
Hồi cuối tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố Trung Quốc không được phép xem Biển Đông là “đế chế hàng hải”, đồng thời cho biết phía Mỹ sẽ sớm thảo luận thêm về vấn đề này. Viết trên Twitter, ông Mike Pompeo cũng hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước quốctế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tại Hà Nội, trao đổi với báo chí chiều 2-7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink cho biết, Mỹ phản đối việc Trung Quốc hay bất kỳ nước nào sử dụng các biện pháp ép buộc để tăng cường tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc dừng các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng đến ổn định khu vực.
Đại sứ Daniel J.Kritenbrink chỉ rõ, Mỹ phản đối Trung Quốc cản trở các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận khai thác trữ lượng dầu khí ở Biển Đông; phản đối Trung Quốc ngăn cản hoạt động tự do trên vùng biển này cũng như ngăn cản các hoạt động kinh tế ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chính sách của Mỹ là đảm bảo sự ổn định của các nước, vì lợi ích chung. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nguyên tắc này và thúc đẩy lợi ích chung của các nước cho dù có những thách thức nhất định.
“Sự khiêu khích của một bên chắc chắn sẽ mời sự trả đũa khác, nơi mà sự leo thang xoắn ốc là rất có thể. Nhưng xét về việc cả hai bên đều có nhiều nền tảng vũ khí, đều là các cường quốc hạt nhân thì tính khả thi của một giải pháp quân sự đã giảm đi rất nhiều”, học giả Pavel Vinogradov phân tích.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược hàng hải tại Viện Nghiên cứu Đại dương, Đại học Bắc Kinh nhấn mạnh: “Sự canh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn đang gia tăng, nhưng xảy ra chiến tranh thì vẫn là một điều xa vời. Đại dịch gần đây đã làm cho cả hai quốc gia và quân đội trở nên nhạy cảm hơn, trong một chừng mực nào đó, làm gia tăng căng thẳng của tình hình. Vì COVID-19, Trung Quốc và Mỹ quan tâm tới hoạt động của nhau nhiều hơn. Ngoài việc duy trì hoạt động hàng ngày ở phía Tây Thái Bình Dương, cả hai bên đều có một số lo lắng mới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố Trung Quốc không được phép xem Biển Đông là “đế chế hàng hải”. ảnh: Getty |
Thực tế thì từ tháng 4 đến nay, hải quân Mỹ đã cử một loạt tàu chiến bao gồm cả tàu USS America LHA-6, đến khu vực đụng độ giữa tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc và West Capella của Malaysia để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc khi đó được cho là có số lượng lớn tàu chiến ở đó cùng một lúc, làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi giữa giới truyền thông và các chuyên gia về đối đầu Mỹ-Trung trên Biển Đông.
Một trường hợp khác ít công khai hơn nhưng dữ dội hơn là trinh sát và phản gián của đội hình tàu sân bay Trung Quốc, đội tàu Liêu Ninh đang thực hiện huấn luyện di động xuyên biển trong sự giám sát của tàu chiến Mỹ và nhiều máy bay quân sự. Một tàu chiến của Mỹ thậm chí đã từng đến trong phạm vi 100m của tàu sân bay Trung Quốc. Mặc dù vậy, cả hai bên vẫn chủ yếu là kiềm chế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích, Trung Quốc và Mỹ vẫn đang ngấm ngầm chuẩn bị cho bất kỳ một cuộc xung đột quân sự nào và các kịch bản tồi tệ nhất ở Biển Đông cho dù không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên muốn giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Trong các tương tác quân sự hằng ngày, có những rủi ro thực sự gia tăng, nhưng trong trường hợp không có mong muốn chủ quan cho xung đột, những rủi ro này rất có khả năng được kiểm soát.