Đằng sau vụ từ chức của Tổng Công tố Peru
Sau khi ông Pedro Chavarry từ chức, chiếc ghế Tổng Công tố đã được trao cho bà Zoraida Avalos, người nắm giữ cương vị này trong 60 ngày trước khi tân Tổng Công tố được bầu.
Và ngay sau khi được bổ nhiệm, bà Zoraida Avalos đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong Văn phòng Tổng Công tố để khôi phục lòng tin của người dân đối với cơ quan này. Được biết, 1 trong những ưu tiên của bà Zoraida Avalos là bổ nhiệm các công tố viên đặc biệt để điều tra vụ bê bối tại Odebrecht. Bởi cho tới nay cả 4 cựu Tổng thống (Alejandro Toledo, Alan Garcia, Ollanta Humala và Pedro Pablo Kuczynski) đều bị cáo buộc nhận hối lộ từ Odebrecht và họ đang bị điều tra.
Công tố viên Rafael Vela Barba (trái) và Jose Domingo Perez tại cuộc họp báo ở Lima hôm 1-1-2019. |
Theo giới truyền thông, các công tố viên đã công khai cáo buộc đối với ông Pedro Chavarry - có quan hệ với các tổ chức tội phạm được tạo ra từ các quan tòa và doanh nhân. Được biết, ông Pedro Chavarry có nhiều mâu thuẫn với Tổng thống Martin Vizcarra kể từ khi được bổ nhiệm làm Tổng Công tố hồi tháng 7-2018.
Và mâu thuẫn đến từ việc ông Pedro Chavarry bị cáo buộc cản trở cuộc điều tra về những khoản hối lộ của Odebrecht đối với các chính trị gia hàng đầu, sau khi cựu Tổng Công tố ra lệnh cách chức 2 công tố viên chủ chốt đang điều tra vụ án kể trên là Rafael Vela Barba và Jose Domingo Perez.
Nhưng ngày 2-1, ông Pedro Chavarry đã lật ngược quyết định sa thải ông Rafael Vela Barba và ông Jose Domingo Perez. Quyết định sa thải, rồi lại phục hồi chức vụ cho 2 công tố viên điều tra tham nhũng được ông Pedro Chavarry đưa ra và thay đổi chỉ trong 2 ngày, đã khiến các cuộc biểu tình diễn ra. Tổng thống Martin Vizcarra cũng đã yêu cầu Quốc hội đặt Văn phòng Tổng Công tố vào tình trạng khẩn cấp.
Hãng AP dẫn lời Tổng thống Martin Vizcarra cho biết, mặc dù không đồng ý với quyết định sa thải của ông Pedro Chavarry, nhưng vẫn tôn trọng sự độc lập của Văn phòng Tổng Công tố. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của người đứng đầu Văn phòng Tổng Công tố "có vấn đề". Do đó, Tổng thống Martin Vizcarra đã yêu cầu Quốc hội đặt tình trạng khẩn cấp đối với Văn phòng Tổng Công tố.
Theo giới truyền thông, Tổng thống Martin Vizcarra đã đi bộ đến tòa nhà Quốc hội, để trao tận tay bản đề xuất kể trên và có khoảng 2.000 người đi theo để ủng hộ hành động này của ông. Và điều này cho thấy, sự gia tăng niềm tin của người dân đối với Tổng thống Martin Vizcarra trong bối cảnh họ quá mệt mỏi vì nạn tham nhũng trong lĩnh vực công.
Được biết, cuộc điều tra kể trên có liên quan tới 40 vụ khác nhau, cùng hơn 300 cá nhân và hàng chục công ty, và tất cả đều dính đến các dự án của Odebrecht tại Peru. Giới truyền thông cho biết, Odebrecht sẽ bán nhà máy thủy điện Chaglla tại Peru cho Công ty Three Gorges Corporation (CTG) của Trung Quốc để trang trải các khoản nợ và bồi thường.
Theo giới truyền thông, công tố viên Jose Domingo Perez là người phụ trách cuộc điều tra đối với 3 cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, Alan Garcia và Alejandro Toledo - họ bị cáo buộc rửa tiền. Ngoài ra, công tố viên Jose Domingo Perez còn điều tra những thân tín của 3 cựu Tổng thống này. Hơn 1 tháng trước (3-12-2018), Chính phủ Uruguay tuyên bố từ chối cấp quy chế tị nạn chính trị cho cựu Tổng thống Alan Garcia, người đang bị điều tra về cáo buộc nhận hối lộ từ Oderbrecht.
Theo giới truyền thông, các công tố viên đã chính thức mở cuộc điều tra đối với 3 cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, Alan Garcia và Alejandro Toledo. Bởi các công tố viên cho rằng, 3 cựu Tổng thống kể trên đã nhận tiền từ Odebrecht cho chiến dịch tranh cử trước đây của mình, đổi lại tạo điều kiện cho công ty xây dựng lớn nhất Nam Mỹ thắng thầu trong các dự án.
Được biết, cuộc điều tra kể trên diễn ra sau khi cựu lãnh đạo chi nhánh của Odebrecht tại Peru là Jorge Barata thừa nhận, đã đưa hàng triệu USD cho 3 ông Pedro Pablo Kuczynski, Alan Garcia và Alejandro Toledo trong các kỳ tranh cử tổng thống diễn ra trong giai đoạn 2001-2016. Theo đó, trong cuộc bầu cử năm 2011, Odebrecht đã chi 1,2 triệu USD cho bà Keiko Fujimori, con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori; 700.000 USD cho ông Alejandro Toledo và 300.000 USD cho ông Pedro Pablo Kuczynski.
Ngoài ra, đồng minh thân cận trong chiến dịch tranh cử của ông Alan Garcia là Luis Alva Castro cũng đã nhận từ ông Jorge Barata 200.000 USD. Ngoài 3 cựu Tổng thống kể trên, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra đối với cựu Tổng thống Ollanta Humala (2011-2016) - bị cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD từ Odebrecht.