Cựu sĩ quan Tình báo Mỹ bị kết án vì tội gián điệp

Thứ Tư, 23/10/2019, 15:55
Một cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã bị kết án 10 năm vì tội gián điệp vào cuối tháng 9-2019.


Cựu sĩ quan Ron Rockwell Hansen, ở Syracuse, Utah, đã nhận tội vào tháng 3 khi cố gắng truyền thông tin liên quan đến quốc phòng của Mỹ cho đối tác Trung Quốc. Ông đã bị bắt vào ngày 2-6-2018, trước khi có thể lên chuyến bay đến Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma.

“Ron Rockwell Hansen đã nhận được hàng trăm ngàn đô la vì đã phản bội đất nước của mình và các đồng nghiệp cũ”, Trợ lý Tổng chưởng lý An ninh Quốc gia Mỹ John C. Demers nói trong thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ. “Những trường hợp này cho thấy mối đe dọa gián điệp đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.

Hansen, 60 tuổi, nói tiếng Hoa và tiếng Nga trôi chảy. Ông là một sĩ quan Quân đội Mỹ trong hơn 20 năm trước khi nghỉ hưu năm 2006. Cùng năm đó, Cơ quan Tình báo Quốc phòng đã thuê Hansen làm một sĩ quan tình báo dân sự, cuối cùng đã cho ông quyền tiếp cận an ninh đối với các bí mật tối cao (Top Secret). Mặc dù đã từ chức từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng vào tháng 12, nhưng ông vẫn tiếp tục làm hợp đồng cho chính phủ liên bang và có quyền truy cập vào thông tin mật, theo tài liệu của tòa án.

Trong biên bản bào chữa của mình, Hansen thừa nhận ông được một cơ quan tình báo Trung Quốc tuyển dụng vào đầu năm 2014, và bắt đầu tổ chức các cuộc họp thường xuyên với các đặc vụ của dịch vụ đó ở Trung Quốc. Các đặc vụ Trung Quốc nói cho Hansen biết những thông tin nào được tình báo nước này quan tâm. 

Trong khoảng thời gian từ tháng 5-2016 đến 6-2018, Hansen đã tìm kiếm một sĩ quan Cơ quan Tình báo Quốc phòng giấu tên và lấy thông tin an ninh quốc gia từ người này, mà ông tin tình báo Trung Quốc sẽ thấy có giá trị.

Không để Hansen biết, viên sĩ quan đó đã báo cáo hành vi của Hansen với Cơ quan Tình báo Quốc phòng và đóng vai trò là người cung cấp thông tin trong một cuộc điều tra của FBI về các hoạt động của Hansen.

Vào ngày bị bắt, Hansen nói ông đã gặp nhân viên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng và nhận được các tài liệu liên quan đến thông tin mà ông đã lấy trước đó, có liên quan đến sự sẵn sàng của quân đội Mỹ ở một khu vực không xác định.

Theo thông cáo báo chí, Hansen đã lên kế hoạch giấu các tài liệu đó trong các văn bản của một tài liệu điện tử mà ông sẽ chuẩn bị tại sân bay trước khi rời Trung Quốc.

Theo lời của Công tố viên liên bang John W. Huber trong thông cáo báo chí, Trung Quốc đã liên tục nhắm vào các nhân viên cũ và hiện tại ở các cơ quan tình báo Mỹ trong nỗ lực đạt được những bí mật quốc gia. Đây là một xu hướng rất rắc rối. Và đây cũng chính là một trong những cáo buộc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng để khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Cựu sĩ quan Ron Rockwell Hansen.

Vào tháng 5, Kevin Patrick Mallory, ở Leesburg, Virginia, từng làm việc cho cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng, đã bị kết án 20 năm tù và 5 năm được thả có giám sát vì âm mưu truyền thông tin quốc phòng của Mỹ sang Trung Quốc. 

Benjamin Pierce Bishop, đến từ Honolulu, Hawaii, là một nhà thầu quốc phòng dân sự và một trung tá đã nghỉ hưu trong Quân đội Mỹ. Theo các công tố viên liên bang, ông đã giữ lại các tài liệu từ nơi làm việc cũ của mình tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ liên quan đến các chiến lược quốc phòng của Mỹ ở châu Á.

Vào tháng 3-2012, Bishop đã gửi email thông tin mật cho một phụ nữ Trung Quốc 27 tuổi, người mà ông có mối quan hệ tình cảm. Người phụ nữ đã có mặt tại Mỹ vào thời điểm là một sinh viên tốt nghiệp với Visa J1. Người ta không biết liệu người phụ nữ giấu tên có bất kỳ mối quan hệ nào với các cơ quan tình báo Trung Quốc hay không. 

Bishop đã bị kết án 87 tháng tù giam và 3 năm được thả có giám sát vì truyền đạt thông tin quốc phòng bí mật cho một người không được ủy quyền để nhận nó, theo một thông cáo báo chí tháng 9-2014 từ Bộ Tư pháp.

Các trường hợp khác liên quan đến chính quyền Trung Quốc cố gắng cài đặt người trong cơ quan tình báo Mỹ. Glenn Duffie Shriver, ở Grands Rapids, Michigan, là sinh viên ở Trung Quốc khi anh đồng ý đề nghị từ các điệp viên tình báo Trung Quốc để trở thành một điệp viên. Họ đã lên kế hoạch cho anh ta tìm kiếm việc làm trong các cơ quan tình báo Mỹ hoặc các tổ chức thực thi pháp luật khi anh ta trở về Mỹ.

Từ năm 2005 đến 2010, Shriver tìm được việc làm là một nhân viên dịch vụ đối ngoại với Bộ Ngoại giao Mỹ và là một nhân viên dịch vụ bí mật với CIA. Trong khi nộp đơn xin việc CIA, Shriver đã che giấu liên lạc của mình với các đặc vụ Trung Quốc và các chuyến đi tới Trung Quốc. Cuối cùng anh ta đã không được tuyển vào những công việc đó.

Shriver cho biết anh đã nhận được hơn 70.000 đô la thanh toán bằng tiền mặt từ các đối tác Trung Quốc cho cái mà họ gọi là “tình bạn” với anh. Shriver đã bị kết án 48 tháng tù vào tháng 1-2011 vì âm mưu cung cấp thông tin quốc phòng của Mỹ cho các đặc vụ Trung Quốc, sau khi nhận tội vào tháng 10-2010, theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp.

Mới đây nhất, một hướng dẫn viên du lịch người Mỹ gốc Hoa có tên Xuehua Peng sống ở Bắc California đã bị buộc tội vận chuyển các bí mật quốc gia của Mỹ sang Trung Quốc. Xuehua Peng, còn được gọi là Edward Peng, 56 tuổi, được cho là một đặc vụ nước ngoài bất hợp pháp, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS).

Bản cáo trạng cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI và Bộ Tư pháp đã sử dụng một “nguồn nhân lực bí mật” trong cuộc điều tra về Peng. “Vụ án này là kết quả của một cuộc điều tra suốt nhiều năm của FBI”, đặc vụ FBI John F. Bennett phát biểu.

Peng, 56 tuổi, không bị buộc tội lấy cắp thông tin mật từ Chính phủ Mỹ, nhưng bị buộc tội vận chuyển thông tin mật sang Trung Quốc. Ông ta đến các phòng khách sạn và lấy những gói hàng được cất giấu bí mật, trong đó có các thẻ lưu trữ điện tử. Sau đó, ông mang chúng sang Trung Quốc và chuyển giao cho giới chức thuộc Chính phủ Trung Quốc.

Ông Peng chuyên làm hướng dẫn viên du lịch cho khách Trung Quốc ở Vùng Vịnh, San Francisco. Nếu bị kết án, ông này sẽ phải đối mặt với mức án tối đa là 10 năm tù và khoản tiền phạt 250.000 USD (khoảng 5,8 tỷ đồng).

Kim Sang
.
.
.