"Cuộc chơi mới" ở Syria giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 28/10/2019, 17:45
Ngày 23-10, lực lượng quân cảnh Nga đã bắt đầu tuần tra ở khu vực biên giới Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố chính thức dừng chiến dịch quân sự "Mùa xuân hoà bình" chống lại người Kurd ở Syria… Có vẻ như bản thoả thuận mới được ký kết giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang được thực thi khá bài bản.

2 thoả thuận của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều tối 23-10, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo không cần mở lại chiến dịch quân sự ở Syria nữa vì người Kurd đã rút khỏi vùng an toàn theo đúng thoả thuận mà nước này ký với Mỹ trước đó về việc rút người Kurd khỏi khu vực dài 120km, sâu 30km ở biên giới Syria. Đồng thời, Ankara cũng sẽ đánh giá lại kế hoạch thiết lập 12 trạm quan sát ở Đông Bắc Syria. 

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khuyến cáo không cho phép một hành lang khủng bố được hình thành ở phía Nam biên giới và "cuộc chiến chống khủng bố của chúng tôi sẽ được tiếp tục với quyết tâm cao nếu điều đó xảy ra". 

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không tiến sâu vào Syria bởi đã đạt được thỏa thuận với Nga về vấn đề các chiến binh người Kurd và rằng Nga cũng đã cam kết, các máy bay chiến đấu của người Kurd sẽ rút lui khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, đã miêu tả rằng một tuần qua, nước này đã đạt được thành công lớn cho chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, vì nhận được sự đồng thuận của cả Mỹ và Nga về vùng đệm ở miền Bắc Syria. 

"Chỉ trong vòng 5 ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với hai cường quốc lớn nhất thế giới", ông Mevlut Cavusoglu cho biết: "Thỏa thuận này thực sự rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta - nhưng cũng đã tạo nên lịch sử vì là một thành công về ngoại giao và chính trị".

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thoả thuận mới về vấn đề Syria sau 5 giờ đồng hồ đàm phán căng thẳng. Ảnh: AP

Theo phân tích của hãng AP, ân oán giữa Ankara và người Kurd bắt nguồn từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt 3 thập kỷ và làm hơn 40.000 người thiệt mạng. Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố vì phát động cuộc đấu tranh nhằm thiết lập nhà nước riêng của người Kurd ở Đông Nam nước này. 

Từ năm 1984 đến nay, tiến trình hoà bình giữa hai bên liên tục bị đổ vỡ và Ankara luôn tìm cách để truy quét lực lượng người Kurd. Căng thẳng giữa hai bên tiếp tục bùng phát vào những năm đầu của cuộc nội chiến Syria, khi một nhóm dân quân do người Kurd lãnh đạo chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thiết lập một hình thức tự trị ở phía Đông Bắc Syria, trong khi chính quyền Ankara bị phân tâm bởi phiến quân Arab ở các khu vực khác. 

Lo lắng là vậy nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không thể làm được gì khác bởi từ năm 2014, các máy bay chiến đấu của người Kurd hoạt động với sự bảo vệ của quân đội Mỹ và lực lượng này cũng trở thành nhân tố mặt đất chính của một liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại IS ở Syria.

Khi IS bị đánh bật khỏi quốc gia vùng Trung Đông châu Phi này thì cơn giận dữ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan với người Kurd đã gia tăng ở mức cực điểm nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thể hành động bởi quân đội Mỹ đang giữ trật tự giữa hai bên. Chỉ đến khi Tổng thống Donal Trump ra lệnh cho các lực lượng Mỹ rút khỏi khu vực trong tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ mới có cơ hội.

Những chiến binh Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria.

"Chiến thắng lớn" của Nga!

Hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd ở Syria đã khiến tương quan lực lượng chính trị tại Syria có nguy cơ bị thay đổi. Khi Ankara đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch, nhất là sau ngày 16-10 (thời điểm mà lực lượng Mỹ rút khỏi tất cả các địa điểm ở miền Bắc Syria đến nơi tập kết và sẽ về Mỹ trong vài tuần tới), lực lượng dân quân người Kurd đã quay sang "bắt tay" với quân Chính phủ Syria vốn đang nhận được sự hậu thuẫn của  Nga để  bảo vệ khu vực của mình trước các đòn tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Từ đó, lực lượng Nga và Syria đã  tiếp quản các vị trí mà Mỹ bỏ lại. Ưu thế của Nga ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung ngày càng tăng, dẫn tới môt thoả thuận ký kết giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan, đảm bảo dân quân người Kurd rút xa khỏi đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria 30km. 

Hãng Itar Tass thông tin: "Sau hơn 5 giờ đàm phán, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý về cách cùng nhau tuần tra, kiểm soát các khu vưc ở Syria do lực lượng người Kurd nắm giữ. Một bản ghi nhớ 10 điểm cũng được ký kết tại khu nghỉ mát Sochia ở Biển Đen và có hiệu lực từ 16h ngày 23-10 (theo giờ địa phương).

Theo thỏa thuận, quân đội Nga và lính biên phòng Syria trước tiên sẽ tạo điều kiện cho lực lượng người Kurd rút khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga và người Thổ Nhĩ Kỳ sau đó sẽ cùng nhau tuần tra khu vực hiện đang bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, trong khu vực trải rộng 10km, ngoại trừ thành phố Qamishli. 

Chiến dịch cần phải được hoàn thành trong thời hạn 150 giờ. Thứ nữa là các máy bay chiến đấu của người Kurd phải rút lui khoảng 30km từ khu vực an ninh mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ở miền Bắc Syria trong vòng 6 ngày. Bản ghi nhớ được ký kết cũng đảm bảo chấm dứt đổ máu ở Syria, khẳng định đây là một bước đi quan trọng hướng tới ổn định hòa bình Syria. 

Tuy văn kiện không nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ được hiện diện bao lâu nữa trên lãnh thổ Syria, song Tổng thống Vladimir Putin khẳng định quan điểm của Nga liên quan Syria được người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận: "Syria phải được giải phóng khỏi sự hiện diện bất hợp pháp của quân đội nước ngoài. Để đạt được sự ổn định lâu dài ở Syria, cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này". 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiết lộ, hai nhà lãnh đạo cũng đã đề cập tới tình hình nhân đạo ở Syria và đồng ý rằng, việc hồi hương người tị nạn Syria cần phải được thực hện để giảm bớt gánh nặng cho các nước đang tiếp nhận họ và được tiến hành một cách an toàn, tự nguyện. Đến chiều tối 23-10, lực lượng quân cảnh Nga đã bắt đầu tuần tra khu vực biên giới Syria, thực hiện đúng một phần trong thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc cùng kiểm soát vùng Đông Bắc Syria.

Khói bốc lên ở Ras al-Ayn, Syria trong cuộc đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd ở Syria. ảnh: AP

Phản ứng trước động thái bất ngờ của Moscow và Ankara, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc kết thúc chiến dịch quân sự và thực hiện lệnh ngừng bắn là một thành công lớn tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. "Điều này đã giúp thiết lập vùng an toàn tại đây, cũng như đảm bảo việc giam giữ các tay súng của tổ chức IS", ông Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter. 

Trong khi đó, Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thì có vẻ thận trọng hơn khi cho rằng, còn quá sớm để đánh giá hiệu quả thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được tại Sochi. 

Nhưng "mọi đề xuất hướng tới thiết lập hòa bình tại khu vực Đông Bắc Syria đều được hoan nghênh", ông Jens Stoltenberg nói và gọi lệnh ngừng bắn ở Đông Bắc Syria do Mỹ làm trung gian là cơ sở cho một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột tại khu vực này. 

Tổng thư ký NATO khẳng định: "Yêu cầu đầu tiên là các bên ngừng giao tranh, tiếp tục hướng về phía trước, cùng xây dựng để đạt được một giải pháp chính trị thực sự và có sự đồng thuận về Syria".

Giới quan sát thì nhận định, thỏa thuận mới được ký giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới được coi là một chiến thắng của Moscow ở Trung Đông và thể hiện sự thay đổi nhanh chóng trong việc kiểm soát các vùng lãnh thổ phía Bắc Syria. Người Nga đang thay thế quân đội Mỹ tuần tra khu vực Syria bị chiến tranh tàn phá này trong nhiều năm. 

"Sự thay đổi mạnh mẽ này bắt đầu khi Nhà Trắng tuyên bố hồi đầu tháng này rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến lên phía trước với một "hoạt động được lên kế hoạch từ lâu ở miền Bắc Syria" và rằng Mỹ sẽ không "liên quan đến hoạt động này". 

Khi lực lượng quân sự Nga xuất hiện, họ không gặp bất kỳ cản trở nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd.  Tình hình hiện nay cho thấy ảnh hưởng của Mỹ trong cuộc xung đột kéo dài suốt 8 năm qua ở Syria đã chuyển hoàn toàn vai trò sang Nga. 

Mosow đang ngày càng chiếm ưu thế hơn tại khu vực Trung Đông so với Nhà Trắng. Thêm vào đó, Nga đang hướng tới mục tiêu lớn hơn là lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO về phía mình". 

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.