Cuộc chiến thông tin tình báo về vaccine COVID-19
- Mỹ sẽ có đủ vaccine COVID-19 cho mỗi người dân vào tháng 4 năm sau
- Trung Quốc thử vaccine COVID-19 trên trẻ em
Vòng xoáy của gián điệp
Tờ Japanese Times hồi đầu tháng 9 dẫn nguồn tin từ Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho hay, tin tặc tình báo Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch đánh cắp dữ liệu vaccine COVID-19. "Thay vì chỉ theo đuổi các công ty dược phẩm, họ đã tiến hành trinh sát kỹ thuật số đối với Đại học Bắc Carolina và các trường khác của Mỹ - những nơi đang thực hiện các nghiên cứu tiên tiến về vaccine COVID-19", bài báo có đoạn viết.
Có tới 36 loại vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất. ảnh: AP |
Ngoài tình báo Trung Quốc, Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVT) cũng bị cáo buộc là đang nhắm mục tiêu vào các mạng lưới nghiên cứu vaccine ở Mỹ, Canada và Anh. Một số quốc gia khác như Israel, Pháp cũng vậy… Tóm lại, mọi cơ quan tình báo nước ngoài lớn trên toàn cầu đều đang cố gắng tìm hiểu xem các quốc gia đối thủ đang làm gì để sản xuất vaccine COVID-19 và nỗ lực thực hiện các hoạt động gián điệp, tình báo.
Tờ Japanese Times phân tích: "Gần như tất cả các đối thủ của Mỹ đều tăng cường nỗ lực đánh cắp các nghiên cứu về vaccine COVID-19 buộc Washington phải chuyển hướng sang bảo vệ các trường đại học và tập đoàn thực hiện công việc này. Trong khi đó, tình báo NATO vốn thường quan tâm đến sự di chuyển của xe tăng Nga hoặc hoạt động của các tổ chức vũ trang cực đoan, khủng bố thì nay lại mở rộng việc xem xét kỹ lưỡng các nỗ lực của Kremlin trong bảo vệ và công bố quyền sở hữu trí tuệ về vaccine COVID-19.
Cuộc đua thông tin tình báo vì thế được hình thành và gợi nhớ đến cuộc chạy đua không gian, nơi Liên Xô (cũ) và Mỹ dựa vào các dịch vụ gián điệp của mình để bắt kịp khi đối phương khi họ có khả năng đạt được một cột mốc quan trọng. Nhưng cuộc chiến giành quyền đi đến quỹ đạo của Trái đất và Mặt trăng diễn ra trong nhiều thập kỷ, dòng thời gian để giúp bảo mật dữ liệu. Còn lần này, các phương pháp điều trị virus SARS-CoV-2 lại bị nén chặt do nhu cầu về vaccine ngày càng cấp thiết hơn".
Phát biểu trong một sự kiện do Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế tổ chức, John C. Demers, một quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ nói: "Sẽ rất ngạc nhiên nếu các cơ quan tình báo nước ngoài không cố gắng đánh cắp nghiên cứu y sinh có giá trị nhất đang được thực hiện". Ông John C. Demers còn cáo buộc Trung Quốc đã có những thúc đẩy phức tạp và gây áp lực đối với tổ chức Y tế thế giới (WHO); tiến hành đánh cắp các nghiên cứu vaccine COVID-19 cả ở Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, một cựu sĩ quan tình báo Mỹ tiết lộ cách mà Trung Quốc sử dụng vị trí có ảnh hưởng của mình trong WHO để thu thập thông tin về việc sản xuất vaccine trên toàn cầu.
"Trong khi phần lớn dữ liệu cuối cùng đã được công khai, tin tặc Trung Quốc có thể được hưởng lợi bằng cách thu thập thông tin sớm về những nỗ lực nghiên cứu vaccine COVID-19 được WHO đánh giá là hứa hẹn nhất", cựu sĩ quan tình báo Mỹ nói.
Một phòng nghiên cứu vaccine COVID-19 ở Hollywood, Florida, Mỹ. ảnh: The New York Times. |
Tờ The New York Times thì dẫn một nguồn tin khác từ CIA cho hay, các quan chức tình báo Mỹ đã biết về những nỗ lực của Trung Quốc vào đầu tháng 2 khi virus SARS-CoV-2 đang hoành hành ở Mỹ. Từ đó, CIA và những cơ quan an ninh khác của Mỹ đã theo dõi chặt chẽ các động thái của Trung Quốc bên trong các cơ quan quốc tế, bao gồm cả WHO. Kết luận của các cơ quan này cũng giúp đẩy Nhà Trắng đi theo đường lối cứng rắn đối với WHO mà họ đã thực hiện từ tháng 5.
Ngoài Đại học Bắc Carolina, CIA khẳng định tin tặc Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các trường đại học khác trên khắp đất nước và một số trường có thể đã bị xâm phạm mạng. Ông John C. Demers tiết lộ rằng, các cơ quan tình báo nước ngoài đã thực hiện "nhiều cuộc xâm nhập" ngoài những gì Bộ Tư pháp công bố công khai hồi tháng 7. Được biết, khi đó Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 2 tin tặc làm cho cơ quan tình báo Trung Quốc, theo dõi thông tin và nghiên cứu vaccine từ các công ty công nghệ sinh học của Mỹ.
FBI thì cảnh báo lãnh đạo Đại học Bắc Carolina rằng có một nhóm hacker nước ngoài đã cố gắng đột nhập vào mạng máy tính của Khoa Dịch tễ của trường hồi tháng 8 nhưng không thành công. Phát ngôn viên của Đại học Bắc Corolina, Leslie Minton thì cho biết thêm "trường thường xuyên nhận được cảnh báo về mối đe dọa từ các cơ quan an ninh Mỹ" và theo lời khuyên của CIA, FBI, trường đã đầu tư hệ thống camera an ninh giám sát 24/24h để giúp "chống lại các cuộc tấn công đe dọa liên tục nâng cao từ các tổ chức được nước ngoài tài trợ".
Chạy đua tìm lỗ hổng an ninh
Trung Quốc còn bị cáo buộc đang đẩy mạnh việc thâm nhập các trường đại học theo những cách khác. Tức là, họ đang cố gắng tận dụng các mối quan hệ đối tác nghiên cứu mà các trường đại học Mỹ đã tạo dựng với các cơ sở Trung Quốc và các nhân viên tình báo Trung Quốc ở Mỹ cũng như các nơi khác cố gắng thu thập thông tin về chính các nhà nghiên cứu này. Một trong những sự kiện liên quan đến nỗi lo này chính là việc chính quyền Washington hôm 22-7 ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Theo như báo cáo của FBI, các gián điệp Trung Quốc đã sử dụng Lãnh sự quán như một tiền đồn để cố gắng liên hệ, bắt mối với các chuyên gia y tế trong thành phố.
"Một trong những lý do khiến tình báo Trung Quốc tập trung vào các trường đại học vì họ thấy các biện pháp bảo vệ dữ liệu của những tổ chức này kém mạnh mẽ hơn so với các công ty dược phẩm. Nhưng công việc gián điệp cũng đang tăng cường khi các nhà nghiên cứu chia sẻ nhiều ứng cử viên vaccine và phương pháp điều trị kháng virus SARS-CoV-2 hơn để đánh giá ngang hàng, giúp đối thủ có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các công thức và chiến lược phát triển vaccine", một quan chức FBI cho biết.
Cho đến nay, giới chức Mỹ tin rằng gián điệp nước ngoài đã lấy được ít thông tin từ các công ty công nghệ sinh học Mỹ như Gilead Sciences, Novavax và Moderna. Đồng thời, cơ quan tình báo chính phủ Anh (GCHQ) cũng đang tìm hiểu về nỗ lực của Nga trong việc đánh cắp các thông tin liên quan đến vaccine COVID-19. Từ hồi tháng 7, cả Anh, Mỹ, Canada đều lên tiếng cáo buộc Nga đang tập trung vào việc thu thập thông tin tình báo về nghiên cứu của Đại học Oxford và đối tác là Công ty dược phẩm AstraZeneca. Những người Nga bị bắt ở Anh và Canada đều bị cáo buộc cố tình lấy thông tin vaccine và là thành viên của nhóm được gọi là Cozy Bear, một đơn vị tin tặc được cho là liên kết với SVR. Cozy Bear cũng bị cho là một trong những nhóm tin tặc đã đột nhập vào máy chủ của đảng Dân chủ vào năm 2016.
Nhưng có điều lạ là cho dù các cáo buộc về tin tặc, đánh cắp dữ liệu được đưa ra nhưng đến nay, không có một công ty hoặc trường đại học nào công bố bất kỳ vụ trộm dữ liệu nào do các nỗ lực tin tặc được xác định công khai. Lý giải điều này, một quan chức Chính phủ Mỹ cho hay, một số nỗ lực tấn công đã thành công trong việc xâm nhập hệ thống phòng thủ để thực hiện bước tiếp theo là xâm nhập vào mạng máy tính. Nghĩa là tin tặc nước này tấn công vào điểm yếu của các cơ quan nói trên mỗi ngày. Bryan S. Ware, trợ lý Giám đốc an ninh mạng của Bộ An ninh nội địa Mỹ đánh giá: "Đây thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian đối với những người giỏi tìm ra các lỗ hổng và vá chúng, triển khai các bản vá đó trước khi kẻ thù tìm thấy chúng và khai thác chúng".
Ban Giám hiệu Trường Đại học Bắc Carolina liên tục nhận được những cảnh báo từ FBI và CIA. ảnh: AP |
Japanese Times bình luận, trong khi có hai nhóm tin tặc: một nhóm đến từ Nga và nhóm kia từ Trung Quốc, được xác định công khai là nhắm vào Mỹ thì nhiều nhóm tin tặc từ các quốc gia khác cũng đang cố gắng đánh cắp thông tin vaccine ở những nước này. Chẳng hạn như hồi giữa tháng 8, khi Nga thông báo họ đã phê duyệt vaccine, ngay lập tức có những nghi ngờ rằng các nhà khoa học của Nga đang bị các cơ quan gián điệp nước ngoài nhắm tới. Khi đó, Mỹ buộc phải lên tiếng khẳng định rằng các cơ quan tình báo, gián điệp của họ chỉ thực hiện nhiệm vụ phòng thủ và không được lệnh đánh cắp nghiên cứu về COVID-19. Nhưng với giới tình báo quốc tế, thực tế đâu có phải trắng đen rõ ràng như vậy.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã cố gắng tìm ra những gì Nga, Trung Quốc và Iran có thể đã đánh cắp và họ cũng có thể bắt gặp thông tin về nghiên cứu của các quốc gia đó và thu thập thông tin này. Và các nỗ lực tấn công tin tặc tiếp theo có thể làm tổn hại đến các nỗ lực phát triển vaccine COVID-19. Ông Bryan S. Ware nói: "Trong khi một số gián điệp của Nga và Trung Quốc có thể nhằm mục đích kiểm tra nghiên cứu hoặc tìm kiếm các con đường tắt, một số quan chức còn nêu ra khả năng tình báo tìm cách gieo rắc sự ngờ vực vào một loại vaccine nào đó mới ra đời. Trước đây, đã có hiện tượng tình báo nước ngoài lan truyền thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2, nguồn gốc của nó và phản ứng của Mỹ".