Cảnh sát bị cáo buộc bạo lực với người tị nạn
- Những đứa trẻ Rohingya khuyết tật trong trại tị nạn ở Bangladesh
- Hơn 1 triệu người tị nạn Syria đổ dồn về khu vực căn cứ không quân Nga
Bài báo được đăng tải trên hãng DW của Đức đã mở đầu vụ việc này bằng thông tin một người đàn ông trung niên bước ra khỏi một dòng người tị nạn đang chờ đợi phân phát thức ăn tại một trại tạm ở phía Tây Bắc Bosnia-Herzegovina. Ông này cởi áo phông của mình để lộ ra những sợi tóc và máu khô trên lưng.
Theo DW, đây là những hình ảnh quen thuộc, được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội ở châu Âu từ hồi giữa tháng 8. Hình ảnh của người đàn ông đến từ Algeria bị đánh đập lần đầu tiên được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội bởi tổ chức mang tên No Name Kitchen.
Các tình nguyện viên của tổ chức viện trợ này đã có mặt ở Rome, ở Sid, ở Serbia và ở Tây Bắc Bosnia-Herzegovina để giúp đỡ những người tị nạn.
Ngoài việc giúp người tị nạn với thức ăn, chăn, quần áo và nước, tổ chức này còn tham gia hoạt động điều tra về bạo lực của cảnh sát nhằm vào người tị nạn ở dọc con đường Balkan, nơi nhiều người tị nạn tìm đến để tới được EU.
Hơn 200 trường hợp bạo lực với người tị nạn đã được ghi chép trên trang web borderviolence.eu kể từ đầu năm 2017 đến nay. "Có một hoặc hai trường hợp mới mỗi ngày. Nhưng chúng tôi không thu thập đủ bằng chứng", Marc Pratllus, một tình nguyện viên của No Name Kitchen nói với hãng DW.
"Rõ ràng là hàng ngày bạo lực là có hệ thống. Bạn chỉ cần đến thăm trại tị nạn và hỏi họ. Hôm qua chúng tôi đã ở một trạm xe buýt nơi có 25 người đang ngủ, người đã được gửi trở về từ Croatia. 14 người đã bị đánh đập, và một số ít bị gãy xương sườn", Marc Pratllus tiết lộ thêm.
Người tị nạn ở Croatia tố cáo cảnh sát sử dụng bạo lực với họ để buộc họ trở về quê hương. Ảnh: DW |
Một vài người khác còn thông tin rằng, những người tị nạn gần làng Velika Kladusa ở Bosnia đã cố gắng đến Croatia, một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và trong số 10 người tị nạn nói chuyện với các nhà báo, 9 người đã bị cảnh sát Croatia lạm dụng; dùng bạo lực và lăng mạ, bị đánh cắp tiền và làm hỏng điện thoại.
Nỗ lực của họ để xin tị nạn cũng đã bị cản trở và bị buộc phải quay trở lại Bosnia qua những khu rừng rậm rạp. Những người tị nạn bị đẩy ra khỏi Croatia và trở về Bosnia-Herzegovina đã báo cáo rằng cảnh sát Croatia đối xử với họ đặc biệt tàn bạo.
Trong một tuyên bố trên borderviolence.eu, một phụ nữ Iraq 47 tuổi nói về thương tích trên mặt, cánh tay và chân của bà là do bị cảnh sát Croatia đánh đập. Cậu con trai 14 tuổi của bà cũng bị đánh đập. Cảnh sát Croatia còn lấy hết tiền, điện thoại và máy tính xách tay của hai mẹ con. Các tổ chức phi chính phủ trong khu vực đã cảnh báo rằng đây chỉ là một trong nhiều ví dụ.
"Chúng tôi đã ghi nhận 17 phụ nữ bị buộc phải trở về Bosnia từ Slovenia và Croatia trong hai tuần qua. Hơn một nửa số trường hợp liên quan đến trẻ vị thành niên", đại diện của tổ chức Are You Syrious cho biết.
Emina Buzinkic từ Dobrodosli, một nhóm trợ giúp người tị nạn cho hơn 60 tổ chức xã hội dân sự Croatia nói: "Khi đuổi những người tị nạn, cảnh sát khẳng định rằng việc những người tị nạn bước chân vào đất Croatia là không thể. Sự thay đổi thái độ của chính quyền là kết quả của chính sách tị nạn mới của EU".
Nhóm Dobrodosli đã gửi hai đơn kiện tới Bộ Nội vụ Croatia hồi năm ngoái, đưa ra bằng chứng thuyết phục về việc trục xuất và hành động bạo lực có hệ thống đối với người tị nạn. "Chúng tôi vẫn đang chờ đợi một câu trả lời", Emina Buzinkic nói.
Thống kê của Chính phủ Croatia cho thấy, năm ngoái, 4.808 người vượt biên giới trái phép để vào nước này. Trong bảy tháng đầu năm 2018, con số này đứng ở mức 3.172 người.Theo Peter Van der Auweraert, điều phối viên Balkans cho Tổ chức Di cư quốc tế, các báo cáo của người tị nạn về bạo lực chưa thể được chứng thực hết.
"Tôi cũng biết về bạo lực đối với người di cư. Nhưng đôi khi rất khó để tìm ra nơi bắt nguồn các vết thương và hiện chưa có một cuộc điều tra thích hợp", Peter Van der Auweraert cho biết.
Trong khi đó, Andrej Kurnik, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở thủ đô Ljubljana của Slovenia khẳng định: "Cảnh sát giám sát hoạt động của các tổ chức viện trợ làm việc dọc biên giới Croatia với Slovenia và có nhiều người tị nạn nộp đơn xin tị nạn tại Slovenia. Nhưng ở đây, quyền của họ bị vi phạm một cách hệ thống.
Slovenia lấy lại những người tị nạn từ các quốc gia thành viên EU xa hơn về phía Bắc, chẳng hạn như Áo, nước đang đóng cửa biên giới với Slovenia. Đến lượt mình, Slovenia đã khống chế Croatia - quốc gia cũng đang hy vọng gia nhập khối Schengen.
Việc lạm dụng quá mức của cảnh Croatia bắt đầu từ đây vì Bộ trưởng Nội vụ Slovenia đe dọa các biện pháp quyết liệt chống lại Croatia nếu Croatia không làm nhiều hơn để ngăn chặn người tị nạn".