Cristina Kirchner: Cựu Tổng thống tai tiếng

Thứ Tư, 27/12/2017, 15:46
Ngày 7-12 vừa qua, cựu Tổng thống Argentina Cristina Kirchner đã bị Thẩm phán Carlos Bonadio phát lệnh bắt giữ.


Vụ việc diễn ra gần một năm sau khi bà Kirchner bị tòa án tái điều tra về vai trò trong vụ đánh bom vào một trung tâm của cộng đồng người Do Thái ở thủ đô Buenos Aires ngày 18-7-1994, khiến 85 người chết và 300 người bị thương.

Song song với lệnh bắt giữ, Thẩm phán Carlos Bonadio cũng đã yêu cầu Quốc hội hủy quyền miễn truy tố của bà Cristina Kirchner, bất chấp việc bà vừa đắc cử thượng nghị sĩ sau cuộc bầu cử hôm 22-10.

Mất “miễn tử kim bài”

Theo cáo buộc của tòa án, bà Cristina Kirchner đã phạm tội che giấu việc can dự của Iran trong vụ đánh bom trung tâm AMIA của người Do Thái ở Buenos Aires. Theo đó, bà Cristina Kirchner bị cáo buộc đã bí mật thỏa thuận với Tehran năm 2002 để cho phép các quan chức Iran bị nghi ngờ chỉ đạo vụ tấn công kể trên được quyền trả lời chất vấn trước các quan tòa Argentina tại Tehran thay vì ở Buenos Aires.

Vào ngày 26-10-2017, bà Kirchner phải ra tòa dự phiên điều trần. Tại đó, bà đã phủ nhận mọi cáo buộc, gọi chúng là “phi lý”. “Tôi không kỳ vọng một chút công lý nào từ ông Thẩm phán Carlos Bonadio”, bà Kirchner nói. Khi còn là Tổng thống, bà Cristina Kirchner từng cố gắng bãi nhiệm Thẩm phán Carlos Bonadio nhưng bất thành.

Gần 3 năm trước (tháng 1-2015), Công tố viên liên bang Alberto Nisman từng cáo buộc bà Kirchner phạm tội phản quốc và bao che người Iran. Nhưng một ngày trước khi phiên tòa xét xử bà Kirchner diễn ra, người ta phát hiện ông Nisman bị sát hại tại nhà riêng. Và cái chết của ông Alberto Nisman buộc phải tạm ngưng xét xử bà Cristina Kirchner vì thiếu bằng chứng. Tháng 2-2017, vụ án được Công tố viên liên bang Gerardo Pollicita tái điều tra. Và theo cáo buộc mới, bà Kirchner đã cố tình che giấu vai trò của Iran trong vụ đánh bom cách đây hơn 22 năm.

 Lần này, tòa quyết định mở lại hồ sơ vụ án này dựa trên các nghi ngờ cho thấy, bà  Kirchner đã thỏa thuận bí mật với chính quyền Iran, để đánh lạc hướng cuộc điều tra về vai trò của Tehran trong vụ đánh bom ngày 18-7-1994. Đổi lại, Argentina được hưởng nhiều ưu đãi trong hợp đồng mua dầu mỏ từ quốc gia Trung Đông này. Khi đó, chính quyền Israel cáo buộc Iran đứng đằng sau cái chết của 85 người và đó là vụ tấn công tàn bạo nhất nhằm vào người Do Thái kể từ sau Thế chiến II.

Việc Thẩm phán Bonadio quyết định hủy quyền miễn truy tố của bà Cristina Kirchner khiến Thượng viện phải tiến hành bỏ phiếu để quyết định có truất quyền này của bà Kirchner hay không. Nếu bị tước quyền miễn trừ truy tố, bà Kirchner ắt sẽ bị tống giam. Đây là lần thứ 4 bà Kirchner bị khởi tố. 3 lần trước đây liên quan đến cáo buộc tham nhũng. Được biết, nữ cựu Tổng thống sẽ nhận ghế Thượng nghị sĩ vào tuần sau.

Tài sản bị phong tỏa

Ngày 2-11, Tòa phúc thẩm Argentina đã bác đơn kháng cáo của bà Cristina Kirchner liên quan đến các tội danh tham nhũng. Theo đó, bà Cristina Kirchner phạm tội thông đồng và tham ô trong thời gian tại nhiệm từ năm 2007-2015. Ngoài ra, lệnh đóng băng số tài sản trị giá 565 triệu USD của bà cũng được giữ nguyên. Và các công tố viên tiếp tục các vụ kiện đối với nữ cựu Tổng thống.

Thẩm phán Carlos Bonadio cũng đã ra lệnh phong tỏa số tài sản trị giá 130 triệu pesos (khoảng 8,4 triệu USD) của bà Kirchner vì trách nhiệm hình sự trong việc thành lập bất hợp pháp Công ty Los Sauces mục đích để rửa tiền khi còn đương nhiệm. Theo bản cáo trạng dài 392 trang, thông qua Công ty Los Sauces, gia đình nữ cựu Tổng thống đã tiếp nhận hàng triệu USD "bôi trơn" từ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng bị nâng giá thông qua 2 doanh nhân Cristobal Lopez và Lazaro Baez (đều đã bị bắt để phục vụ điều tra).

Ngoài ra, Thẩm phán Julian Ercolini cũng ra lệnh xét xử bà Cristina Fernandez vì thành lập Công ty Hotesur để kiếm hợp đồng xây dựng công trình công cộng. Thẩm phán Julian Ercolini còn quyết định phong tỏa khối tài sản trị giá 10 tỷ pesos của nữ cựu Tổng thống. Cho đến nay, bà Cristina Kirchner vẫn luôn bác bỏ mọi cáo buộc và coi tất cả là "âm mưu chính trị".

Bảo Anh
.
.
.