Congo:

Nhiều bà mẹ thức trắng đêm vì sợ con gái bị bắt cóc và cưỡng hiếp

Thứ Năm, 15/12/2016, 10:40
Theo thông tin do các cơ quan chức năng của Congo cung cấp thì bạo lực tình dục đã giảm đáng kể ở nước này trong thời gian gần đây.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái ở nơi được mệnh danh là "Thủ đô hiếp dâm của thế giới" vẫn phải sống trong nỗi sợ hãi có thể bị tấn công tình dục bất cứ lúc nào.

"Tôi không dám ngủ vì sợ con gái bị bắt cóc và cưỡng hiếp"

Nhiều bà mẹ ở Kavumu, một thị trấn ở phía Đông Congo không dám ngủ vào ban đêm vì sợ những điều không hay sẽ xảy ra với con gái mình.

"Tôi không dám ngủ vì sợ con gái bị bắt cóc và cưỡng hiếp. Nỗi sợ hãi lớn nhất là vào những đêm mưa vì khi đó, tiếng mưa, gió ồn ào có thể khiến chúng tôi không phát hiện được những kẻ hiếp dâm xuất hiện, bắt cóc con gái mình. Chúng tôi ngồi cả đêm, nhìn chằm chằm ra phía cửa chính", một bà mẹ ở Kavumu chia sẻ với phóng viên tờ The Guardian (Anh).

Theo thống kê, kể từ năm 2013, 49 trẻ em, trong đó em nhỏ nhất mới 18 tháng tuổi ở Kavumu đã bị bắt cóc và hãm hiếp.

"Tôi sợ và tất cả mọi người trong thị trấn đang phải sống trong sợ hãi", Felicia, mẹ của Charlotte, một cô bé 9 tuổi bị cưỡng hiếp năm ngoái lên tiếng.

Bà Felicia cho biết thêm, không một nạn nhân của bạo lực tình dục nào nhận được tiền bồi thường mặc dù Tòa án đã yêu cầu phải thực thi.

"Không ai trong Chính phủ giúp đỡ chúng tôi. Đôi khi chúng tôi nghe trên đài phát thanh rằng, các nạn nhân sẽ được trợ giúp nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ điều gì", bà Felicia nói.

Một bà mẹ ở Kavumu khác có con gái Natasha bị bắt cóc và hãm hiếp cũng nói rằng, khi sự việc xảy ra với con gái, gia đình không nhận được sự trợ giúp hay lời nói động viên nào từ các nhân viên thuộc Chính phủ.

Margot Wallstrom, cựu chuyên gia đặc biệt của Liên Hợp Quốc về chống bạo lực tình dục là người đầu tiên nhận định Congo là "Thủ đô hiếp dâm của thế giới" vào năm 2010.

Tổng thống Joseph Kabila tuyên bố Congo đã có nhiều hành động "mạnh tay" chống lại bạo lực tình dục.

Trong một bài phát biểu vào tháng 10/2016, Jeanine Mabunda, cố vấn đặc biệt về bạo lực tình dục của Tổng thống Joseph Kabila khẳng định, "số lượng các vụ hiếp dâm ở Congo đã giảm 50% trong hai năm qua".

Gần đây, Jeanine Mabunda tiếp tục khẳng định "kỳ tích" này tại các cuộc họp, trên các phương tiện truyền thông, tài khoản xã hội của mình.

Bà Jeanine Mabunda (bên phải) cố vấn đặc biệt về bạo lực tình dục của Tổng thống Congo.

Bài toán không hề đơn giản

Tuy nhiên, bất chấp một chiến dịch PR của Chính phủ Congo nhằm thuyết phục thế giới rằng, số lượng các vụ cưỡng hiếp đã giảm mạnh, số liệu khảo sát của tờ The Guardian cho thấy thực tế hoàn toàn trái ngược. Theo tờ The Guardian, số vụ hiếp dâm ở Congo gần như không giảm, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng.

"Giảm 50%. Tôi không tin vào điều này. Vấn đề đang bị đẩy theo một hướng khác", một nhân viên hoạt động xã hội đề nghị giấu tên nói với phóng viên tờ The Guardian.

Julienne Lusenge, nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng ở miền đông Congo nói rằng, cô không tin vào kết quả báo cáo. "Thực tế cho thấy, số vụ hiếp dâm giảm ở một số nơi nhưng lại bùng phát ở nơi khác. Hiếp dâm đang "lây lan" khắp mọi nơi", Julienne Lusenge nói.

Một nhân viên của Liên Hợp Quốc đề nghị giấu tên, người đã hoạt động chống bạo lực tình dục ở Congo trong nhiều năm nhận định, tuyên bố của chính phủ về việc có nhiều hoạt động tích cực giải quyết nạn hiếp dâm là "thái quá".

Chuyên gia Mabunda thừa nhận rằng, giải quyết vấn đề hiếp dâm ở Congo là bài toán không hề đơn giản. "Nhiệm vụ mà chúng tôi phải thực hiện nặng nề, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi chúng tôi không có nhiều tiền", Mabunda nói.

Mabunda cho biết, chính phủ đã phát động chiến dịch "phá vỡ sự im lặng" về bạo lực tình dục bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền trực quan, thiết lập đường dây nóng để khuyến khích mọi người lên tiếng. Tuy nhiên, giống như hàng triệu người nghèo ở Congo, rất ít bà mẹ Kavumu biết chữ và có điện thoại để thực hiện các cuộc gọi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, vấn nạn tham nhũng tràn lan trong các tòa án và nhà tù đang là thách thức lớn cho cuộc chiến chống hiếp dâm ở Congo.

Ông Charles-Guy Makongo, Giám đốc của tổ chức American Bar Association nói rằng, người dân ở Congo không có điều kiện để tiếp cận công lý. 

"Chính phủ Congo đã triển khai tòa án di động. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp cuối cùng. Công lý phải được thực thi ở khắp mọi nơi, công bằng với tất cả", ông Makongo nói. 

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.