"Cơn đau đầu" của cảnh sát Mỹ

Thứ Năm, 08/12/2016, 11:11
Ngày 2-12 (theo giờ địa phương), với sự tham gia của gia đình các nạn nhân, cùng 200 nhân viên của Trung tâm Đào tạo người khuyết tật Inland Regional, lễ tưởng niệm trọng thể đã được tổ chức để đánh dấu tròn một năm xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng tại trung tâm này ở thành phố San Bernardino, bang California, khiến 14 người thiệt mạng và 22 người bị thương.


Hung thủ là cặp vợ chồng Syed Farook-Tashfeen Malik theo đạo Hồi, có tư tưởng cực đoan. Theo kết quả điều tra, người vợ từng thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trước thời điểm chúng thực hiện vụ tấn công, còn người chồng đã liên lạc với lực lượng Hồi giáo cực đoan trên mạng xã hội vài năm trước.

Đây là vụ thảm sát đẫm máu nhất tại Mỹ kể từ vụ tấn công khủng bố hôm 11-9-2001. Và cho đến nay, các nhà điều tra FBI vẫn chưa tìm được thêm thông tin liên quan đến vụ xả súng kể trên.

Cảnh sát Mỹ.

Theo người phát ngôn FBI, bà Laura Eimiller, mặc dù một năm đã trôi qua, nhưng lực lượng chức năng vẫn chưa giải đáp được những vấn đề khi điều tra vụ tấn công kể trên.

Các nhà điều tra vẫn tiếp tục tìm kiếm nơi cất giấu ổ cứng máy tính của hung thủ. Giám đốc FBI James Comey cho biết, cặp vợ chồng này có tư tưởng cực đoan trước khi họ gặp nhau.

Các cuộc lục soát xe và nhà riêng của chúng đã phát hiện một lượng lớn vũ khí: 2 khẩu súng ngắn, 2 súng trường, hơn 6.000 băng đạn cùng 12 bom ống và dụng cụ chế tạo bom ống.

Trước đó, cảnh sát thành phố Jacksonville, bang Florida đã bắt Nicholas Daquan Humphrey, 23 tuổi, người da màu, sau khi hắn bắt 11 người làm con tin trong Ngân hàng Community First Credit Union trên đường West Edgewood hôm 1-12.

Vụ bắt giữ hung thủ diễn ra sau khoảng 2 giờ thương thuyết căng thẳng giữa cảnh sát với Nicholas Daquan Humphrey. Theo giới truyền thông, khoảng 9h ngày 1-12 (theo giờ địa phương), Nicholas Daquan Humphrey dắt chó vào Ngân hàng Community First Credit Union và chĩa súng vào nhân viên giao dịch, yêu cầu đưa tiền cho hắn.

Nhưng một người đã nhanh chóng thông báo vụ việc cho cảnh sát. Cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm SWAT lập tức có mặt bao vây ngân hàng, phong tỏa khu vực lân cận.

Nhưng Nicholas Daquan Humphrey đã nhiều lần gí súng vào đầu con tin, dọa sẽ giết họ, nếu cảnh sát xông vào bên trong Ngân hàng Community First Credit Union.

Trong khi cảnh sát thương thuyết với Nicholas Daquan Humphrey, lực lượng đặc nhiệm SWAT đã bất ngờ tiến vào bên trong ngân hàng, giải cứu toàn bộ 11 con tin và bắt sống hung thủ.

Đặc nhiệm Mỹ phong tỏa hiện trường vụ bắt cóc.

Ngày 1-12, tờ Sputnik dẫn lời đại diện tập đoàn Tehmash, đơn vị sản xuất súng Osa cho biết, lực lượng cảnh sát bang Arizona, Mỹ sẽ sớm được trang bị súng ngắn phi sát thương Osa do Nga sản xuất. Bởi giới chức bang Arizona đã đặt hàng mua loại súng này cho lực lượng cảnh sát. Đây là lần đầu tiên lực lượng cảnh sát Mỹ chính thức mua vũ khí của Nga.

Súng Osa có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau như đạn gây choáng, đạn pháo sáng và các loại đạn này được thiết kế với tiêu chí ít gây thương tích cho mục tiêu - gây chấn động như gây sốc, mất nhận thức trong thời gian ngắn.

Súng ngắn Osa có cơ chế nạp đạn trực tiếp vào nòng, có bốn hoặc hai nòng, sử dụng cơ chế điểm hỏa bằng điện tử, không có khả năng bị hóc đạn. Và lô hàng đầu tiên gồm 60 khẩu súng và 10.000 viên đạn sẽ được bàn giao trong thời gian tới.

Cảnh sát trưởng bang Arizona Paul Babyu cho biết, việc trang bị loại vũ khí phi sát thương của Nga sẽ giúp cảnh sát giảm bớt sự cố chết người trong khi bắt giữ và trấn áp tội phạm, nhất là trong bối cảnh người nhập cư bất hợp pháp gia tăng.

"Những người nhập cư bất hợp pháp tuy không có vũ khí, nhưng họ có thể tấn công cảnh sát bằng gạch đá và tôi từng chứng kiến nhiều vụ trấn áp bằng súng dẫn đến chết người. Trong trường hợp này súng Osa của Nga tỏ ra rất hiệu quả", Cảnh sát trưởng Paul Babyu khẳng định. 

Ngày 30-11 (theo giờ địa phương), cảnh sát Baltimore, bang Maryland, đã mở cuộc điều tra vụ nổ súng ở khu vực Tây Bắc thành phố này. Bởi nghi can gây ra vụ nổ súng khiến 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Cùng ngày 30-11, Bộ An ninh nội địa khẳng định, Abdul Razak Ali Artan, thủ phạm trong vụ tấn công tại trường Đại học Ohio khiến 11 người bị thương không có mối liên hệ với các tổ chức khủng bố.

Bộ trưởng Jeh Johnson cho rằng, mặc dù Abdul Razak Ali Artan từng bày tỏ sự ủng hộ đối với Hồi giáo cực đoan trên mạng xã hội và kênh thông tin Amaq liên quan đến IS cũng gọi tên này là "chiến binh IS", nhưng hiện không có bằng chứng về sự liên hệ trực tiếp giữa hắn với các tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, FBI cho rằng, hành động của Abdul Razak Ali Artan chịu ảnh hưởng từ tư tưởng bạo lực cực đoan của tên Anwar al-Awlaki. Do đó, FBI vẫn đang điều tra theo hướng này. 

Trịnh Huyền My
.
.
.