"Cơn bĩ cực" của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Bảy, 06/05/2017, 17:17
Hơn 9.000 nhân viên cảnh sát đã bị đình chỉ công tác và đang bị điều tra vì bị cáo buộc có liên quan tới Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ.


Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quyết định kể trên được đưa ra trong bối cảnh lực lượng cảnh sát nước này đang điều tra về các mối liên hệ giữa những người trong nước với Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Còn theo giải thích của Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu, đây là một phần trong chiến dịch nhằm vào mạng lưới của Giáo sĩ Fethullah Gulen đã thâm nhập vào lực lượng cảnh sát.

Cảnh sát và lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ nổ ở Diyarbakir.

Ông Suleyman Soylu cho biết, Bộ Nội vụ đã tấn công vào một mạng lưới của Giáo sĩ Fethullah Gulen, và những kẻ thâm nhập vào hàng ngũ cảnh sát được gọi là "thầy tế ngầm". Chiến dịch truy quét "thầy tế ngầm" vẫn đang tiếp tục được tiến hành và sẽ có nhiều người bị bắt thời gian tới.

Theo giới truyền thông, chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy nằm trong lực lượng cảnh sát được triển khai trên 81 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong những chiến dịch trấn áp phần tử nổi dậy lớn nhất ở nước này thời gian qua.

Trong khi đó, hãng Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, động thái kể trên diễn ra để bảo đảm an ninh quốc gia. Và trước đó, hơn 1.000 người bị cáo buộc ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen đã bị bắt.

Điều đáng nói là việc thanh trừng cảnh sát diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi ông Tayyip Erdogan giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới trao thêm quyền lực cho tổng thống.

Tổng thống Tayyip Erdogan từng cáo buộc Giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sống tại bang Pennsylvania (Mỹ), đứng sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-7-2016.

Theo thống kê, lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 250.000 nhân viên, và hiện nhiều người đã bị "phong tỏa". Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7-2016, đã có 40.000 người bị bắt và 120.000 người hoặc bị sa thải hoặc bị đình chỉ công tác.

Cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo một tin gây sốc bởi Mevlut Mert Altintas, kẻ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov ở Ankara hôm 19-12-2016 là thành viên của "thầy tế ngầm", hoạt động trong lực lượng cảnh sát. Điều này được thông báo sau khi cảnh sát thu được tài liệu trong vụ đột kích hôm 26-4.

Theo giới truyền thông, danh tính của cựu nhân viên cảnh sát Mevlut Mert Altintas được đề cập trong 1 đĩa cứng có dung lượng 2 terabyte tại nhà riêng của một thành viên thuộc tổ chức khủng bố Fethullah (FETO), hoạt động trong lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo những tư liệu được giải mật, những cảnh sát làm việc cho FETO "tuân thủ mệnh lệnh đầy đủ" được nhắc đến với mật danh "A-5" và "A-4", còn người nào có điểm yếu sẽ là "B-5". Và khoảng 2.500 cảnh sát bị FETO coi là "kẻ thù", trong đó có 55 quan chức cấp cao là "kẻ thù nguy hiểm" và được gắn mật danh "F-5".

Tính đến nay cơ quan chức năng mới giải mật khoảng 7% số tư liệu thu giữ được. Được biết, khoảng 8.500 cảnh sát được huy động phối hợp với Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) để truy bắt "thầy tế ngầm" trong lực lượng cảnh sát. Cũng liên quan tới cựu nhân viên cảnh sát Mevlut Mert Altintas, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt nữ nghi phạm người Nga Ekaterina B, 33 tuổi tại Ankara.

Những người bị nghi ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen vừa bị bắt.

Theo tờ Hurriyet và Sabah Daily, nhân viên điều tra nghi ngờ Ekaterina B hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã duy trì liên lạc qua điện thoại và nhắn tin qua ứng dụng WhatsApp với hung thủ Mevlut Mert Altintas tới cuối tháng 11-2016, không lâu trước khi vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov xảy ra.

Còn theo lời khai của Seher Ozeroglu, chị gái Mevlut Mert Altintas - em trai cô có quan hệ tình cảm đặc biệt với một phụ nữ Nga, người được cho là nhân viên tình báo phương Tây.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa xác nhận, vụ nổ tại trụ sở cảnh sát ở thành phố Diyarbakir, khiến 3 người chết là hậu quả của vụ tấn công khủng bố, không phải là tai nạn như tuyên bố trước đó. Diyarbakir là thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, và là nơi các chiến binh thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) nổi dậy chống Chính phủ trong hơn 30 năm qua.

Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu cho biết, vụ nổ đã được kích hoạt thông qua một đường hầm đào thông suốt từ ngoài vào trong trụ sở. Sát thủ đặt khối thuốc nổ ngay đoạn đường hầm bên dưới tòa nhà.

Nhưng trước đó, ông Suleyman Soylu từng tuyên bố, vụ nổ tại trụ sở cảnh sát là một vụ tai nạn - xảy ra do sự cố trong quá trình sửa chữa phương tiện tăng thiết giáp. Và cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm. Theo hãng thông tấn Dogan, cảnh sát đã bắt 5 đối tượng tình nghi để điều tra về vụ nổ kể trên.

Quốc Dũng
.
.
.