Chung quanh chuyện Trung Quốc trừng phạt 3 nhà thầu quân sự lớn của Mỹ

Thứ Ba, 03/11/2020, 07:53
Trung Quốc vừa tuyên bố kế hoạch trừng phạt hãng Boeing Defense, Raytheon và Lockheed Martin vì tham gia gói bán vũ khí quân sự trị giá hơn 1,8 tỷ USD cho Đài Loan.


Lệnh trừng phạt bất ngờ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã thông báo về việc này trong cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh hôm 26-10. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt 3 hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá hơn 1,8 tỷ USD.

Cụ thể, 3 gói mua bán vũ khí gồm 135 tên lửa AGM-84H thuộc biến thể SLAM-ER với giá ước tính hơn 1 tỷ USD; 11 xe phóng pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Lockheed Martin sản xuất với giá trị khoảng 436,1 triệu USD và 6 bộ phận cảm biến bên ngoài của F-16 với giá 367,2 triệu USD. Gói thầu này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt vào ngày 21-10.

5 máy bay F-16 của Mỹ bay biểu diễn qua trụ sở làm việc của người đứng đầu chính quyền Đài Loan. ảnh: Getty.

 "Để duy trì lợi ích quốc gia, Trung Quốc quyết định thực hiện các biện pháp cần thiết để trừng phạt những công ty Mỹ liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm Lockheed Martin, Boeing Defense, Space & Security và Raytheon, cũng như các cá nhân và thực thể Mỹ có liên quan", ông Triệu Lập Kiên nói.

Trước đó vào tháng 7, Trung Quốc cho biết họ sẽ trừng phạt Lockheed Martin vì đã bán 66 máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan. Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ đánh giá, gói thầu quân sự nói trên nhằm tạo ra "khả năng phòng thủ đáng tin cậy" cho Đài Loan. Các vỏ trinh sát có thể được sử dụng trên máy bay để cảnh báo quân đội Đài Loan về việc tập hợp lực lượng của Trung Quốc đại lục; HIMARS có thể được sử dụng để tấn công lực lượng đó trước khi đổ bộ qua eo biển Đài Loan; và vũ khí SLAM-ER có thể được sử dụng để tấn công các tàu hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc từ trước đến nay luôn duy trì chính sách "Một Trung Quốc" trong đó Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan đều thuộc Trung Quốc. Việc chấp nhận hay từ chối nguyên tắc này là một nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan. Hồi tháng 1, sau khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử lãnh đạo Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa đã nhấn mạnh chính sách với Đài Loan là nhất quán và phản đối vùng lãnh thổ này độc lập.

Raytheon là một trong 3 hãng lớn của Mỹ bị Trung Quốc tuyên bố trừng phạt. ảnh: AP.

"Dù cho tình hình bên trong Đài Loan thay đổi như thế nào, sự thật nền tảng sẽ không thay đổi là chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần của Trung Quốc", hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau cuộc bầu cử ở Đài Loan. Chính quyền Bắc Kinh khẳng định sẽ giữ vững nguyên tắc "một Trung Quốc", "kiên quyết phản đối các hành động và ý đồ ly khai vì "Đài Loan độc lập" dưới bất cứ hình thức nào" và hi vọng thế giới ủng hộ nỗ lực "hợp nhất quốc gia" của Trung Quốc.

Còn Mỹ vẫn có mối quan hệ chưa rõ ràng với Đài Loan vì không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Nghĩa là Washington không chính thức công nhận quốc gia, nhưng có một Văn phòng đại diện được gọi là Viện Mỹ ở Đài Loan. Hồi đầu tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ thông báo thiết lập cơ chế đối thoại kinh tế song phương mới với Đài Loan, đồng thời giải mật tài liệu từ thời Tổng thống Ronald Reagan (1981 - 1989) với nội dung sẽ bảo vệ vùng lãnh thổ này.

Khi đó, phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do Viện Nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ) tổ chức, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương David Stilwell khẳng định các động thái của Mỹ không phải là sự thay đổi chính sách, mà là một phần của "chuỗi thay đổi đáng kể" của chính quyền Washington đối với chính sách "một Trung Quốc". Theo ông Stilwell, Washington cảm thấy cần phải đưa ra các điều chỉnh trong bối cảnh "các mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ Bắc Kinh đối với hòa bình và ổn định" tại khu vực trọng yếu của thế giới. "Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ Đài Loan trước chiến dịch của Trung Quốc nhằm gây sức ép, hăm dọa và cô lập Đài Loan", ông Stilwell nhấn mạnh.

Rủi ro trong chuỗi cung ứng

Theo Bloomberg, ngay sau tuyên bố của Trung Quốc,  người phát ngôn hãng Boeing đã viết trong một email như sau: "Boeing đã hợp tác thành công với cộng đồng hàng không ở Trung Quốc trong gần 50 năm qua, giúp Trung Quốc đảm bảo một hệ thống hàng không an toàn, hiệu quả và mang lại lợi nhuận. Đó là mối quan hệ đối tác với những lợi ích lâu dài và là mối quan hệ hợp tác mà Boeing vẫn cam kết". Còn Raytheon và Lockheed Martin thì chưa đưa ra bình luận gì.

Đài Loan chi hơn 1 tỷ USD để mua 135 tên lửa AGM-84H thuộc biến thể SLAM-ER với giá ước tính hơn 1 tỷ USD. ảnh: US Navy.

Hiện chưa rõ các lệnh trừng phạt của Trung Quốc sẽ gây khó khăn như thế nào đối với các nhà sản xuất hàng không vũ trụ của Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá rằng, trong 3 nhà thầu quân sự này, Lockheed Martin dường như sẽ gặp ít rủi ro nhất bởi hãng này bán ít sản phẩm thương mại ở Trung Quốc và doanh số bán hàng của hãng được tạo ra ở Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 1% doanh thu của hãng. Ngược lại, Boeing Defense và Raytheon có thể dễ bị tổn thương hơn bởi cả hai đều kinh doanh hàng không thương mại ở Trung Quốc.

Về phần Boeing, các lệnh trừng phạt dường như chỉ nhắm vào các công ty sản xuất quân sự và những đơn vị này lại không kinh doanh tại Trung Quốc. Nếu máy bay Thương mại Boeing bị nhắm mục tiêu, hãng sẽ dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là vì Boeing đang cố gắng tái chứng nhận máy bay 737 Max ở Trung Quốc sau nhiều sự cố tai nạn.

Với Raytheon, có một số vấn đề tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng đối với công ty con Collins Aerospace. Jefferies cho biết: "Do các sản phẩm của Collins Aerospace được phân tán rộng rãi trên thị trường hàng không vũ trụ, việc đánh giá mục tiêu của gói trừng phạt có thể trông như thế nào đối với các sản phẩm của công ty sẽ khó hơn.

Chúng tôi hy vọng rằng nếu bất kỳ lệnh trừng phạt nào được mở rộng sang phía thương mại, nó sẽ chủ yếu tập trung vào các thiết bị quân sự. Nếu vậy, các liên doanh kinh doanh của Collins Aerospace với Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) thuộc sở hữu nhà nước dường như sẽ thoát khỏi các vấn đề nghiêm trọng". Cũng theo Jefferies, tác động trực tiếp của lệnh trừng phạt có thể đến khi Collins Aerospace tiếp xúc với Comac, cung cấp hệ thống điện tử hàng không cho ARJ21 và C919.

Đòn trả đũa?

Các nhà phân tích cho rằng, động thái mới của Trung Quốc là đòn trả đũa với Mỹ. Bởi lẽ, hồi tháng 4, Mỹ đã liệt 4 công ty của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì các hoạt động quân sự hóa trái phép các đảo trên Biển Đông, trong đó có 3 công ty thường xuyên hợp tác với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tàu hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan hồi tháng 1. ảnh: Reuters

Chưa kể, trong số 24 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ hồi năm ngoái, có 18 công ty liên hệ với quân đội Trung Quốc, trong đó có 8 công ty trực thuộc 3 tập đoàn nhà nước lớn của Trung Quốc gồm Tập đoàn Công nghệ Điện tử, Tập đoàn Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc. Các tập đoàn này đều nằm trong danh sách 10 nhà thầu quân sự hàng đầu của Trung Quốc và được cho là cung cấp thiết bị điện tử, phần mềm và kỹ thuật liên quan đến tàu cho Trung Quốc để nước này xây dựng các tiền đồn ở Biển Đông…

Trên thực tế, quan hệ của Mỹ với Đài Loan đã phát triển khi "cuộc chiến thương mại" Mỹ-Trung trở nên căng thẳng. Năm nay, Washington đã cử hai phái đoàn chính phủ tới Đài Loan, khiến Trung Quốc đe dọa sẽ có các biện pháp đáp trả. Washington cũng đã điều chỉnh chính sách một Trung Quốc để đối phó với "mối đe dọa ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với hòa bình và ổn định trong khu vực" và mục tiêu của họ là Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc đương nhiên là hoan nghênh việc mua bán, hợp tác quốc phòng với Mỹ và đang tăng cường khả năng phòng thủ để ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột xuyên eo biển nào có thể xảy ra. Trong năm 2020, Đài Loan đã chi hơn 1 tỷ USD để mua các máy bay phản lực nhằm đáp ứng các cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan.

Tờ South China Morning Post dẫn nhận định của các chuyên gia quân sự cho hay thương vụ vũ khí mới nhất của Mỹ nhằm giúp Đài Loan có thể chống lại hỏa lực ngày càng hiện đại của Trung Quốc. Theo ông Mei Fu-hsing, Giám đốc Trung tâm Phân tích An ninh Đài Loan, một viện nghiên cứu tư nhân ở New York (Mỹ), điểm nổi bật trong thỏa thuận là tên lửa hành trình AGM-84H không chỉ tầm bắn tương đối xa mà còn có thể tấn công chính xác các mục tiêu đất liền và trên biển.

Những hệ thống này có thể khai hỏa tới các mục tiêu dọc bờ biển Trung Quốc và có thể thực hiện các nhiệm vụ phản công. Còn GS Alexander Huang Chieh-cheng, chuyên nghiên cứu quốc tế và quan hệ chiến lược tại ĐH Tamkang (Đài Loan) thì đánh giá việc Mỹ cung cấp những vũ khí như vậy cho Đài Loan là một cách đáp trả rõ ràng đối với quân đội Trung Quốc.

Khánh Chi
.
.
.