Chiến dịch đòi công nhận danh tính của phụ nữ Afghanistan trên mạng xã hội
WhereIsMyName - Tên tôi ở đâu?
Đó là tên chiến dịch đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Afghanistan. WhereIsMyName ra đời với mục đích làm thay đổi tập quán thiếu tôn trọng phụ nữ đã tồn tại lâu đời trong xã hội Afghanistan.
Chiến dịch do một nhóm nữ hoạt động nhân quyền dẫn đầu, được truyền thông gọi là "thách thức truyền thống lâu đời của người Afghan". Những người đứng đầu chiến dịch WhereIsMyName hy vọng, tên phụ nữ sẽ xuất hiện trong những văn bản chính thức và được người dân Afghanistan sử dụng rộng rãi.
Chiến dịch WhereIsMyName nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người trong xã hội. |
Trong xã hội gia trưởng Afghanistan, tên người phụ nữ không được tiết lộ, ngay cả trên ngôi mộ. Dòng chữ phổ biến trên những ngôi mộ phụ nữ qua đời là "Người mẹ, con gái hay chị gái của X".
Việc sử dụng tên phụ nữ được coi là không phù hợp, thậm chí là sự xúc phạm đối với quốc gia. Là người mang nặng, đẻ đau nhưng trên giấy khai sinh không có tên của người mẹ. Trong thiệp mời đám cưới, tên của cô dâu cũng không được đề cập, thay vào đó là tên cha và chồng của cô ấy.
"Xã hội chúng ta đang tồn tại nhiều điều bất công với phụ nữ. Về cơ bản, mọi thứ đều là điều cấm đối với phụ nữ. Với chiến dịch này, chúng tôi muốn thay đổi nhiều thứ. Truyền thông xã hội đã mở ra cánh cửa mới cho thế hệ trẻ Afghanistan", nhà hoạt động Bahar Sohaili, một thành viên tích cực của chiến dịch nói với phóng viên báo chí.
Phóng viên Farhad Darya của Afghanistan đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch. Anh đăng một bức ảnh của mình cùng với vợ kèm theo chú thích "Farhad và Sultana Darya". Hàng ngàn người Afghanistan, bao gồm các nhà khoa học, nhà báo, nhạc sĩ đã ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch trên Facebook và Twitter.
"Có lần, tôi đến ngân hàng tư nhân để điền vào một mẫu đơn. Khi nhân viên ngân hàng hỏi tên mẹ tôi, tôi dừng lại vài giây vì đã quên tên của bà. Đã lâu rồi, không có ai hỏi hoặc gọi tên mẹ tôi. Giờ đã đến lúc phải thay đổi tất cả", Batool Mohammadi, một thành viên tham gia chiến dịch nói.
Xã hội Afghanistan chưa sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi?
Theo các nhà nghiên cứu, việc xoá tên phụ nữ bắt nguồn từ phong tục lâu đời của người Afghan. Họ coi phụ nữ là hạng hai trong xã hội. Mọi vi?c về giáo dục và hôn nhân đều do người đàn ông trong gia đình quyết định. Kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001, phụ nữ Afghanistan đã giành lại quyền đi học, bỏ phiếu và làm việc. Nhưng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn diễn ra phổ biến và người vi phạm thường không bị trừng phạt.
"Nhiều lần, tôi gặp và trò chuyện với những người phụ nữ tuyệt vời với suy nghĩ và ý tưởng rất thông minh. Tuy nhiên, khi tôi nói muốn phỏng vấn hoặc chụp ảnh thì họ nói rằng, phải xin ý kiến chồng, cha hoặc anh trai", Farzanah Wahidi, một phóng viên ảnh ở Kabul nói.
"Chúng tôi đặt mục tiêu gây áp lực lên chính phủ để ban hành luật bảo vệ quyền của phụ nữ. Bất cứ khi nào chúng tôi đưa ra yêu cầu được bảo vệ quyền phụ nữ thì họ lại sử dụng tôn giáo để bác bỏ điều đó", nhà hoạt động nhân quyền Bahar Sohaili nói. Bahar Sohaili cho biết thêm, cô và bạn bè sẽ đấu tranh không ngừng nghỉ cho đến khi tên và danh tính phụ nữ được công nhận.
Abdullhah Atahi, phát ngôn viên của Tòa án Tối cao ở Kabul nói với phóng viên báo chí rằng, xã hội Afghanistan chưa sẵn sàng cho sự thay đổi này. "Chúng tôi không có vấn đề gì về việc ghi tên người mẹ vào giấy khai sinh của con cái hoặc các tài liệu liên quan khác. Tuy nhiên, trong văn hoá Afghanistan, mọi người vẫn chưa sẵn sàng cho một bước tiến mới. Nó có thể "châm ngòi" cho cuộc hỗn loạn không mong muốn".
Shahgul Rezaie, nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ nói rằng, dù thế nào đi chăng nữa thì cuộc chiến giành quyền phụ nữ ở Afghanitan vẫn sẽ tiếp tục. "Có những quan chức chống lại nỗ lực thay đổi của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng hết sức để các nhà lập pháp buộc phải sửa đổi luật hiện hành và xây dựng luật mới để bảo vệ quyền phụ nữ", bà Shahgul Rezaie nói.