Châu Âu tuyển thêm cảnh sát vũ trang đối phó với khủng bố

Thứ Tư, 06/04/2016, 14:16
Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 2-4 của Viện nghiên cứu dư luận IXE cho thấy, có 44% số người được hỏi khẳng định họ sợ di chuyển bằng máy bay và 78% lo ngại Italia sẽ bị tấn công khủng bố. 


Kết quả thăm dò của IXE cũng cho thấy, lo ngại khủng bố của người Italia đứng đầu trong danh sách các nỗi lo lắng của họ. Chỉ riêng trong đợt lễ Phục sinh vừa qua, Italia đã huy động hơn 5.000 cảnh sát và binh sỹ để bảo vệ Tòa thánh Vatican và các mục tiêu ở thủ đô Rome. Còn theo kết quả thăm dò công bố ngày 31-3 của Viện Emnid cho thấy, có 31% số người Đức được hỏi khẳng định, những gì vừa xảy ra đã trực tiếp làm thay đổi kế hoạch đi du lịch của họ.

Trong khi đó, Chính phủ Anh vừa quyết định tuyển thêm 1.500 cảnh sát mang súng được huấn luyện bài bản - sẽ tài trợ cho 1.000 người trong số cảnh sát kể trên, trong đó 600 người được bố trí ở thủ đô London và 400 người triển khai tại các thành phố vùng England và xứ Wales. Xứ sở sương mù gia tăng lượng cảnh sát có vũ trang tại các sân bay, nhà ga và những tòa nhà quan trọng, sau khi xảy ra khủng bố tại Pháp và Bỉ.

Cảnh sát Italia bắt giữ Eddine Ouali.

Được biết, sân bay Zaventem ở thủ đô Brussels, Bỉ mở cửa một phần từ ngày 3-4 với các biện pháp kiểm soát an ninh mới. Ngày 2-4, hãng AFP dẫn lời các công tố viên liên bang Bỉ cho biết, đã buộc tội nghi can thứ 3 Y.A, 35 tuổi, tham gia hoạt động của một tổ chức khủng bố. 2 nghi can khác liên quan đến âm mưu này là Abderrahmane A. và Rabah M. đã bị giam tại Bỉ. Còn chủ mưu Reda Kriket, đã bị bắt gần Paris sau khi cảnh sát phát hiện một kho vũ khí và thiết bị nổ ở nhà hắn.

Còn theo cảnh sát Italia, giới chức nước này sẽ dẫn độ Djamal Eddine Ouali, 40 tuổi, nghi can người Algeria, tới Bỉ trong vài ngày tới. Tên này bị tình nghi đã cung cấp giấy tờ giả cho mạng lưới khủng bố tham gia các vụ tấn công ở Paris và Brussels. Djamal Eddine Ouali từng sống ở Brussels và mở một công ty chuyên mua bán đồ may mặc, đã cùng vợ làm đơn xin cư trú ở Italia. Tính đến nay đã có 9 đối tượng bị tạm giam và Djamal Eddine Ouali là một trong những mắt xích quan trọng của đường dây chuyên cung cấp giấy tờ giả.

Trước đó, giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lực lượng an ninh và cảnh sát nước này đã bắt một người đàn ông Nhật Bản định tham gia tổ chức IS. Đối tượng kể trên bị bắt cùng một số người Syria tại huyện Nizip, tỉnh Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria. Kiểm tra điện thoại di động của người này, cảnh sát xác nhận đối tượng đã liên lạc với IS và tìm cách tới Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã xác nhận vụ việc này và được biết, đối tượng kể trên đến từ tỉnh Wakayama, phía Nam tỉnh Osaka. Và đây là lần đầu tiên giới chức an ninh nước ngoài bắt giữ một công dân Nhật Bản tìm cách gia nhập IS. Tờ Japan Times vừa dẫn đánh giá Chiến lược Đông Á 2016 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, IS đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn ở Đông Á.

Đây là lần đầu tiên đánh giá của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản dành hẳn một chương để đề cập tới nguy cơ từ IS. Và đánh giá này được công bố 3 ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một người Nhật Bản bị nghi đang tìm cách vượt biên giới để vào Syria gia nhập IS.

Cảnh sát bắt giữ một nghi phạm liên quan tới mạng lưới khủng bố trong chiến dịch truy quét ở Rome.

Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakar cũng vừa cho biết, họ vừa bắt 15 thành viên IS tại Kuala Lumpur và 6 bang khác, khi những người này lên kế hoạch tấn công khủng bố và tìm các hóa chất để chế bom. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, nước này thành lập Trung tâm chống hoạt động tuyên truyền của IS (hoạt động từ 1-4). Đồng thời khẳng định, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Đây là lần đầu tiên Malaysia lập trung tâm chuyên chống lại các hoạt động tuyên truyền và tuyển mộ qua Internet của IS. Giám đốc của Cơ quan tình báo thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia Mohamad-Fuzi Harun là người đứng đầu Trung tâm này. Được biết, mỗi bang ở Malaysia sẽ có một đơn vị chuyên chống lại các bài tuyên truyền của IS trên Internet và ngăn chặn không cho chúng truyền bá các quan điểm cực đoan nhằm tuyển mộ và lôi kéo công dân Malaysia gia nhập tổ chức này ở Syria.

Ông Khalid Abu Bakar còn cho biết, Malaysia không thể chờ đợi thêm được nữa và đó là lý do tại sao mọi thông tin, dù nhỏ nhặt nhưng có liên quan đến IS đều phải bị chống lại. Đồng thời cho biết, cảnh sát Malaysia đã cấm một số nhóm tôn giáo có khuynh hướng thánh chiến và đang giám sát chặt chẽ một số trường tôn giáo nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của IS ở Malaysia. Trong khi đó, ông Mohamad-Fuzi Harun nhấn mạnh, các chiến binh không gian mạng của IS phải bị ngăn chặn.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.