Chiến dịch chống trốn thuế và rửa tiền trong bóng đá
Sau khi siêu cầu thủ Lionel Messi bị tuyên án 21 tháng tù giam vì tội trốn thuế, CLB Barcelona đã thể hiện sự ủng hộ với ngôi sao người Argentina này bằng cách mở chiến dịch chung tay bảo vệ Messi trên mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phá sản ngay lập tức khi chính CLB này cùng một số cầu thủ thành viên khác bị phát giác gian lận với cơ quan thuế vụ.
Giờ thì không chỉ Tây Ban Nha mà Bồ Đào Nha, Đức, Italia, Pháp… đều đã mở một chiến dịch lớn chống trốn thuế và rửa tiền trong làng túc cầu châu Âu.
Cuộc truy đuổi của cảnh sát Tây Ban Nha
Chiến dịch chống trốn thuế nhằm vào các cầu thủ của cảnh sát tư pháp Tây Ban Nha (UCO) đang ngày càng được mở rộng. Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala cho biết, danh sách các cầu thủ trốn thuế bị phát giác ngày càng dài và bản án dành cho siêu cầu thủ Lionel Messi chỉ là bước khởi đầu của chiến dịch này.
Ông Rafael Catala cho biết, theo luật pháp Tây Ban Nha, mức án dưới 2 năm thì có thể không phải ngồi tù mà đóng tiền phạt nên Lionel Messi đã lựa chọn giải pháp đóng 2 triệu Euro tiền phạt. Tuy nhiên, bản án là "lời cảnh tỉnh" đối với cầu thủ này và là khuyến cáo đối với những cầu thủ khác.
Cũng theo lời Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha, CLB bóng đá Barcelona đang dần bị biến thành một ổ tội phạm trốn thuế. Nguyên do là vì sau Lionel Messi, UCO đã có thêm bằng chứng về việc khai gian tiền chuyển nhượng của Barcelona trong vụ mua cầu thủ Neymar từ CLB Santos hồi năm 2013.
Nhiều khả năng, Neymar sẽ phải hầu tòa vào tháng 8 tới. Khi đó, CLB Barcelona mua Neymar với giá 65 triệu USD bao gồm 45 triệu cho gia đình cầu thủ này và phần còn lại thuộc về CLB Santos.
Nhưng theo thông tin mà Qũy đầu tư DIS sở hữu 40% giá trị của Neymar cung cấp cho tờ The Guardian, số tiền chuyển nhượng thực tế là 94 triệu USD xuống còn 65 triệu USD. Điều này khiến DIS không nhận được khoản tiền đúng như chia sẻ. Còn CLB Barcelona đã che giấu khoản tiền chênh lệch để trốn thuế.
Điều đáng chú ý là không chỉ ở Tây Ban Nha mà tại quê nhà Brazil, Neymar cũng đang gặp rắc rối liên quan đến tài chính khi tài sản của cầu thủ này bị phong tỏa với cáo buộc trốn thuế.
Trong khi đó, CLB Barcelona vì muốn êm thấm mọi việc đã phải ký hiệp ước với nhà chức trách Tây Ban Nha, nộp phạt 5,5 triệu Euro và chịu trách nhiệm toàn bộ về những sai trái trong thương vụ chuyển nhượng Neymar năm 2013.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó, tờ El Mundo của Tây Ban Nha cho biết, đến lượt hậu vệ Adriano của CLB Barcelona bị cáo buộc 2 tội danh trốn thuế với tổng số tiền là 646.085 Euro. Cách thức trốn thuế của Adriano được xác định rõ ràng là trong 2 năm 2011 và 2012, anh đưa nguồn thu từ bản quyền hình ảnh của mình thông qua một mạng lưới kinh doanh tại Madeira ở Bồ Đào Nha.
Ngoài ra, còn một số cầu thủ bóng đá khác cũng bị sờ gáy như Dani Alves của CLB Juventus. Anh này bị cáo buộc trốn 1,3 triệu Euro…
Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala cho biết, sở dĩ các cầu thủ bóng đá ở các CLB của nước này hay phạm tội trốn thuế vì theo luật Tây Ban Nha, sau 6 năm cứ trú và nộp thuế cá nhân, các cầu thủ sẽ không còn được hưởng lợi từ luật cho phép người nước ngoài chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 24,75%. Vì thế, khi có mức thu nhập trên 300.000 Euro, mức thuế cá nhân của họ đã vào khoảng 52%, tùy thuộc các xứ tự trị taị Tây Ban Nha.
Chẳng hạn như với trường hợp của Lionel Messi thì mức thuế là 56%. Vì thế, cầu thủ này đã sử dụng một công ty ở Panama làm tấm bình phong che giấu tài sản của mình và vì thế thì chỉ phải đóng mức thuế cá nhân ở mức 30%, thấp hơn nhiều so với thực tế mức thuế phải đóng.
Và chuyên án chống rửa tiền của Europol
Cho đến nay, bê bối trốn thuế trong làng túc cầu thế giới, đặc biệt là ở châu Âu không còn là chuyện hiếm. Hồi năm 2013, tại Italia, các đội bóng lớn tại Serie A như Juventus, Iter và cả Milan đều dính đến gian lận tài chính. Khi đó, cảnh sát Italia còn khẳng định, có tới 41 CLB bóng đá ở quốc gia này trốn thuế quốc tế, lập hóa đơn giả và tham gia cả hoạt động rửa tiền cho các đường dây tội phạm.
Đặc biệt, từ khi "Hồ sơ Panama" được tiết lộ hồi tháng 4, các quốc gia châu Âu đã đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chống trốn thuế và rửa tiền trên toàn khu vực.
Chẳng hạn ở Đức, chính phủ đã đề xuất một dự luật liên quan đến chống rửa tiền và mong muốn các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) tiêu chuẩn hóa việc nhập dữ kiện, cùng nối mạng, chia sẻ danh sách của mình để giới chức ngành thuế có thể truy cập khi cần, phục vụ cho cả công tác điều tra chống rửa tiền.
Tờ Daily Telegraph còn cho hay, lo ngại trước nguy cơ các tổ chức tội phạm, mafia tìm cách rửa tiền thông qua bóng đá, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã đề nghị Ủy ban chống nạn rửa tiền của EU phối hợp với Europol điều tra về việc này. Đồng thời, UEFA cũng đang xem xét việc thay đổi các điều lệ của mình theo hướng có thể hạn chế được hoạt động phạm pháp này.
Một số thành viên của UEFA cũng đề nghị Liên đoàn bóng đá xem xét các quy tắc chống rửa tiền trong bóng đá Argentina như việc minh bạch các khoản thu chi, làm rõ hồ sơ khách hàng trước mỗi vụ trao đổi hoặc ký hợp đồng quảng cáo, chuyển nhượng… Một số thành viên khác thì cho rằng đã đến lúc chính phủ các nước cũng phải ra tay trong việc này.
Hãng tin BBC cho biết, trong chiến dịch chống rửa tiền được tiến hành gần 4 tháng qua, Europol đã được cảnh sát Bồ Đào Nha cung cấp một số bằng chứng cho thấy mafia Nga đã rửa tiền qua các CLB bóng đá ở nước này. Ít nhất 3 người thuộc tổ chức mafia này đã bị bắt và CLB bóng đá Bồ Đào Nha Uniao de Leiria đang bị điều tra. Ngoài ra, còn có 3 CLB bóng đá khác cũng bị nghi ngờ làm ăn cho mafia Nga.
Tờ Newsweek đưa tin, tổ chức mafia Nga được nhắc đến ở đây có tên gọi là Matrioskas (Búp bê Nga) và cảnh sát Bồ Đào Nha đã phát hiện một lượng lớn tiền mặt được chuyển giữa Nga - Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó là bảng kê khai tiêu chuẩn sống cao cấp của một số cá nhân cấp cao trong CLB Uniao de Leiria trong khi thực tế lại không phải như vậy.
Người đứng đầu cơ quan điều tra về tài chính của Europol Igor Angelini cho biết: "Hoạt động rửa tiền của mafia Nga đang diễn ra ở Áo, Đức và Vương quốc Anh. Chúng tôi đang lần theo từng dấu vết. Có vẻ như Matrioskas đã mở rộng việc rửa tiền trong lĩnh vực bóng đá từ năm 2008. Tại Bồ Đào Nha, chúng tôi đã lục soát 22 căn nhà và công ty, tìm được nhiều bằng chứng quan trọng. Chúng tôi đang tiếp tục tìm thấy các mối dây liên hệ giữa hoạt động của Matrioskas với một số băng nhóm mafia khác ở Estonia, Latvia, Moldova…".
Một bản báo cáo do Trung tâm quốc tế về an ninh thể thao (ICSS) và Đại học Sorbonne ở Thủ đô Paris (Pháp) phối hợp thực hiện hồi năm ngoái cũng cho biết, 80% giá trị các khoản cá cược thể thao toàn cầu được thực hiện ở những thị trường bất hợp pháp, không được quản lý đầy đủ. 53% các hoạt động cá độ bất hợp pháp là từ châu Á, trong khi 49% thị trường cá độ hợp pháp là ở châu Âu.
Các công nghệ mới và truyền hình trực tiếp đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường cá cược thể thao trong những năm gần đây, cho phép người xem thể thao đánh cược liên tục, trực tiếp và với rất nhiều loại hình ngay khi các trận đấu đang diễn ra. Báo cáo cũng khẳng định, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế và rửa tiền trong bóng đá châu Âu đã gia tăng và nhiều cầu thủ bị cám dỗ vào hành vi rửa tiền.