Cảnh sát đặc nhiệm đập tan khủng bố

Thứ Sáu, 20/01/2017, 11:25
Vào lúc thế giới chật vật chống một loạt vụ tấn công và âm mưu của những tay súng khủng bố Hồi giáo cực đoan, Cảnh sát đặc nhiệm Indonesia (Densus 88) được khen ngợi là một lực lượng chống khủng bố hiệu quả nhất thế giới, khi họ giành chiến thắng trong việc ngăn chặn một loạt vụ tấn công đẫm máu ở quốc gia Ðông Nam Á đông dân Hồi giáo này.


Riêng  năm 2016, Densus 88 phá được ít nhất 14 vụ tấn công khủng bố, thực hiện hơn 150 vụ bắt giữ, đập tan nhiều âm mưu khủng bố từ tấn công tự sát ở thủ đô Jakarta cho đến một vụ tấn công bằng rocket từ đảo Batam nhắm vào Singapore. Hồi năm 2010, một phân tích dữ liệu của Hãng tin Reuters cho thấy, Densus 88 đã ngăn chặn được ít nhất 54 âm mưu khủng bố hoặc tấn công khủng bố tại Indonesia vốn có 250 triệu dân, quốc gia đông dân hàng thứ tư thế giới.

Trong 6 năm qua, chỉ có một vụ tấn công khủng bố lớn ở Indonesia làm dân thường thiệt mạng, khi bọn khủng bố dùng súng và bom tấn công một siêu thị ở Jakarta và các đồn cảnh sát, làm chết 3 người Indonesia và 1 người mang hai quốc tịch Canada-Algeria. Cả 4 tên khủng bố đều bị giết trong vụ tấn công vào đầu năm 2016. Từ năm 2002 đến 2009, có 9 vụ tấn công khủng bố lớn khiến 295 người chết và hàng trăm người khác bị thương.

Rất ít thông tin về Densus 88 vốn được thành lập năm 2002, sau vụ đánh bom ở đảo Bali khiến hơn 200 người chết. Densus 88 có khoảng 500 nhân viên, được trang bị vũ khí hiện đại, được đào tạo bài bản và được các nước phương Tây - chủ yếu là Mỹ, Úc tài trợ hơn 200 triệu USD, theo một sĩ quan cho biết. 

Densus 88 chủ yếu thu thập tin tình báo, nhưng hiện nay đa phần hoạt động này được tiến hành trên mạng, bằng cách xâm nhập và theo dõi các diễn đàn “chat”, mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn mà bọn khủng bố thường sử dụng. Một sĩ quan cấp cao giấu tên cho Reuters biết: “Chúng tôi lập lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố để học từ kẻ thù”.

Densus 88 có 30 sĩ quan chỉ huy, trong đó nhiều người có bằng tiến sĩ và giỏi về các chuyên môn như hành vi xã hội, tâm lý. Theo Reuters: “Họ không phải cảnh sát bình thường”. Cũng có một số ít nhân viên Densus 88 mặc quân phục màu đen, trang bị vũ khí hiện đại, thường xuất hiện trong các cuộc truy quét nghi phạm khủng bố, phần lớn họ tập trung vào nhiệm vụ thu thập tin tình báo từ thực địa và giám sát các hoạt động trên mạng internet. Densus 88 có một nhóm điều tra viên và phân tích các tin tình báo này, cũng như xác minh các chứng cứ và các loại chất nổ.

Cảnh sát đặc nhiệm Densus 88 tịch thu chất nổ sau một cuộc truy quét khủng bố.

Sidney Jones, Chủ nhiệm Viện Phân tích xung đột (IPAC) nói chìa khóa để Densus lập thành tích lớn là khả năng thu thập tin tình báo: “Họ hiểu rõ mạng lưới khủng bố và có nhiều chỉ điểm, nên có khả năng hiểu được nguồn tin về những mối đe dọa tiềm tàng”.

Greg Barton, giáo sư chuyên nghiên cứu về khủng bố ở Viện Nghiên cứu chính trị Hồi giáo toàn cầu Alfred Deakin Institute (Melbourne, Úc) nói: “Densus 88 hoạt động hiệu quả hơn bất kỳ lực lượng chống khủng bố nào trên thế giới”. Ông cho biết đơn vị này có một biện pháp điều tra “chiến lược” nhằm thu thập tin tình báo: nghi can bị giữ ở đồn cảnh sát thay vì bị giam trong tù, và cho phép họ được gặp gia đình. Các nhà điều tra cũng ngồi nghe nghi can nói chuyện “và đó là một cách thu thập tin tình báo hiệu quả”. 

Theo giáo sư Greg, vì lâu nay, các nhóm nhân quyền cáo buộc Densus 88 lạm quyền, đánh đập các nghi can khủng bố. Ủy ban Nhân quyền quốc gia Indonesia đã xác định 121 nghi can khủng bố bị chết trong lúc bị giam giữ kể từ năm 1997, nhưng cảnh sát thường phủ nhận cáo buộc rằng họ tra tấn hoặc ép cung. Tổ chức Nhân quyền quốc tế hồi đầu năm 2016 nói trong ngành cảnh sát Indonesia có “văn hóa miễn buộc tội lưu cữu”, và cần phải điều tra khả năng Densus 88 “tra tấn” các nghi can. 

Dù Densus 88 lập nhiều chiến tích thời gian gần đây, nhưng điều đáng lo là Indonesia tiếp tục bị đe dọa khủng bố, nhất là từ các tay súng từng đánh thuê cho quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) từ Syria và Iraq trở về nước. Một số người Indonesia cũng dành sự ủng hộ cho IS. Đã có khoảng 800 người đến  Syria đánh thuê cho IS, 169 tên bị bắt và bị trục xuất về nước, theo Cục Phòng chống khủng bố Indonesia. Riêng trong 2 tháng cuối năm 2016, có 40 người bị bắt, ít nhất 6 vụ tấn công khủng bố bị phát hiện, theo Reuters. Cảnh sát nói ít nhất 2 trong 6 vụ này nhắm vào dịp Tết Dương lịch 2017.

Nhiều vụ âm mưu khủng bố dính líu IS, và cảnh sát cho biết các âm mưu này là do Bahrun Naim khởi xướng hoặc chỉ đạo thực hiện. Naim là một tên khủng bố người Indonesia trốn sang Syria hồi năm 2014. Một nguồn tin từ Densus 88 cho biết: “Bọn khủng bố nội địa và những tay đòi thánh chiến Hồi giáo Jihad trong nước chưa bao giờ ra nước ngoài. Nhưng trong thời internet và các công nghệ như mạng xã hội, chúngđã chế tạo bom và chất nổ để tiến hành những âm mưu khủng bố”.

Chính quyền Indonesia rất lo ngại một vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra trong mùa nghỉ lễ. Vào ngày Noel 24-12 vừa qua, Densus 88 đã bắn chết 2 nghi phạm khủng bố ở vùng Tây Java, khi chúng lên kế hoạch khủng bố dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2017. Trước đó một tuần, họ cũng tiêu diệt 3 nghi can khủng bố trong một vụ đấu súng ở ngoại ô Jakarta. Densus 88 cho biết họ đã phát hiện  một âm mưu tấn công tự sát vào dịp cuối năm 2016.

85.000 cảnh sát và 15.000 quân nhân đã được triển khai bảo vệ Indonesia vào dịp lễ Noel  2016 và Năm mới 2017. Theo tướng cảnh sát Tito Karnavian, số nghi can khủng bố bị bắt và tiêu diệt tăng gấp đôi trong năm 2016, là bằng chứng cho thấy sự bành trướng của IS ra toàn cầu. Cụ thể, Jakarta bắt 137 nghi phạm khủng bố (so với năm 2015: 75 tên) và tiêu diệt 33 nghi can (năm ngoái: 7 tên). Ông Tito nói rằng bọn IS bị các nước phương Tây và Nga đánh mạnh ở Trung Đông, bị dồn vào chân tường nên chúng kêu gọi các “chi nhánh” ở nước ngoài thực hiện tấn công khủng bố để thu hút sự chú ý. Ông nhận định xu hướng bành trướng của IS sẽ còn tiếp tục trong năm 2017.

Về lâu dài, những mối lo ngại lớn là sự trở về Indonesia của những tay súng IS nguy hiểm như tên Naim. Theo nhà nhân tích Rakyan Adibrata, thì đấy sẽ là một dạng khủng bố khác, Densus 88 sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Giáo sư Jones của IPAC nói ngày càng nhiều người Indonesia sẵn sàng bán nhà cửa, vay mượn tiền để gia nhập IS.

Anh Thái (theo Reuters)
.
.
.