Cảnh sát châu Âu xung đột với người biểu tình

Thứ Năm, 12/05/2016, 07:35
Xô xát dữ dội đã diễn ra trong cả ngày 7-5 giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát Italia và Áo tại Brennero (thành phố biên giới giữa 2 nước), sau khi căng thẳng ngày càng tăng giữa 2 nước liên quan tới việc chính phủ Áo quyết định xây một hệ thống hàng rào ở biên giới nhằm chặn dòng người di cư. 


Điều đáng nói là có hơn 500 phần tử cực hữu, vô chính phủ ở Italia và một số nước châu Âu đã xung đột với gần 1.000 cảnh sát chống bạo động của Italia và Áo. Và do bị những phần tử cực hữu kể trên kích động nên người biểu tình đã tấn công cảnh sát, chặn tuyến đường cao tốc và đường sắt giữa Italia và Áo, hô vang các khẩu hiệu chống lại việc Áo xây hàng rào và lắp rào chắn kiểm soát ở biên giới. Lực lượng cảnh sát đã phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông.

Theo giới truyền thông, Áo đang xây một hệ thống rào chắn dài 370 mét ở đèo Brenner, tuyến đường huyết mạch nối Italia và Áo, nhằm giảm bớt dòng người di cư từ Italia tới nước này. Italia không những quan ngại trước việc Áo đóng cửa biên giới khiến người di cư mắc kẹt tại nước này, mà còn lo lắng về những hậu quả kinh tế có thể xảy ra.

Cùng ngày 7-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã khuyến cáo, việc Áo xây rào chắn tại biên giới với Italia sẽ là một "thảm họa chính trị" cho châu Âu. Đồng thời quan ngại về phản ứng sau hành động của Áo - nhiều nước ở châu Âu cũng đóng cửa biên giới. Người phát ngôn EC Mina Andreeva cho biết, EC đang theo dõi mọi diễn biến trong Liên minh châu Âu (EU) đi ngược lại các hoạt động bình thường của Hiệp ước Schengen và đặc biệt chú ý đến các hoạt động của Áo tại Brenner.

Người biểu tình tại nhà ga Brenner.

Theo hãng thông tấn ANSA của Italia, Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka từng tuyên bố (hạ tuần tháng 4), sẽ không có việc Áo xây dựng các bức tường hay hàng rào chặn dòng người di cư như thông tin báo chí đã đưa, nhưng trong trường hợp cần thiết Áo sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát.

Cũng trong ngày 7-5, khoảng 1.800 người theo phe cực hữu đã tụ tập tại thủ đô Berlin, biểu tình yêu cầu Thủ tướng Angela Merkel từ chức vì cho phép tiếp nhận người tị nạn vào Đức. Khoảng 7.500 người thuộc phe cánh tả cũng xuống đường biểu tình, chống lại cuộc biểu tình của những người cực hữu. Và cảnh sát buộc phải triển khai và lập một hàng rào nhằm hạn chế 2 nhóm biểu tình này đụng độ nhau, để 2 cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa. Nhưng một số người quá khích đã cố tình phá hàng rào ngăn cách, ném chai lọ vào cảnh sát khiến ít nhất 13 người bị thương.

Và cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay để kiểm soát tình hình. Trước đó (5-5), bà Angela Merkel đã hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu phải bảo vệ biên giới ngoài EU, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ quay trở lại của "chủ nghĩa dân tộc" khi "lục địa già" đang phải chống lại cuộc khủng khoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II đến nay.

Trước đó (4-5), cảnh sát Pháp cũng phải sử dụng hơi cay đối với người biểu tình khi nhân viên cảnh sát đưa các di dân ra khỏi trường Jean-Jaures ở Đông Bắc Paris. Sau đó (5-5), một vụ rượt đuổi bằng ôtô giữa cảnh sát Bỉ với các đối tượng tình nghi buôn người đã diễn ra trên đường cao tốc ở miền Bắc nước Pháp, khiến các đối tượng này bị thương khi va chạm xe với cảnh sát.

Ngày 6-5, hải quân Italia cho biết, họ đã giải cứu gần 1.800 người di cư từ Bắc Phi đến Italia trong 24 giờ qua, đồng thời cảnh báo con số này đang gia tăng khi thời tiết ấm lên. Còn khi phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia Phần Lan (6-5), Bộ trưởng Nội vụ nước này Petteri Orpo thông báo, Phần Lan sẵn sàng kiểm soát biên giới với Thụy Điển, nếu dòng người tị nạn tới châu Âu vượt tầm kiểm soát. Phần Lan cũng vừa thắt chặt kiểm tra tại các cảng biển, sân bay cũng như biên giới phía Bắc với Nga.

Trong khi đó, quan chức EU phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopulos cho biết, EC đã quyết định kéo dài thời gian kiểm soát biên giới tại 6 nước (Đức, Áo, Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Thụy Sĩ) thuộc hiệp ước Schengen thêm 6 tháng. Và cũng theo quyết định của EC, kể từ cuối tháng 6, người dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể đi du lịch ngắn ngày tại các quốc gia châu Âu thuộc hiệp ước Schengen mà không cần thị thực.

Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho biết, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ cho phép bãi bỏ chế độ thị thực sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất 5 điều kiện do châu Âu yêu cầu. Ngoài ra, EC còn khuyến cáo, sẽ phạt nặng các nước không chấp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn của châu Âu.

Quốc Dũng
.
.
.