Cảnh sát châu Á tăng cường bảo vệ "mục tiêu mềm"
Theo giới truyền thông, Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã cảnh báo về những vụ khủng bố quốc tế có liên quan đến công dân nước này, như vụ tấn công khủng bố hồi tháng 3-2016 tại Bỉ khiến hơn 30 người chết và 340 người bị thương, trong đó có 2 công dân Nhật Bản.
Sau đó (tháng 7-2016), các tay súng đã tấn công một nhà hàng tại Dhaka, Bangladesh, sát hại hơn 20 người, trong đó có 7 người Nhật Bản. Do đó, Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản khuyến cáo, sẽ có thêm người Nhật Bản trở thành nạn nhân của các vụ khủng bố, nên sẽ tăng cường thu thập thông tin để ngăn chặn "vấn nạn này".
Cảnh sát chống khủng bố Indonesia tuần tra ở Jakarta. |
Ngoài ra, Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản còn lên kế hoạch tăng cường tần suất tuần tra gần các "mục tiêu mềm" - những nơi nhiều người tụ tập, nhưng có các biện pháp an ninh tương đối lỏng lẻo.
Tuyên bố của Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản được đưa ra đúng thời điểm hội nghị "Trái tim châu Á" diễn ra trong 2 ngày (3 và 4-12) ở thành phố Amritsar, bang Punjab, miền Tây Bắc Ấn Độ và chống khủng bố là trọng tâm của hội nghị này.
Vụ trưởng Vụ Pakistan-Afghanistan-Ấn Độ thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gopal Baglay cho biết, khủng bố là thách thức lớn nhất bao vây toàn bộ khu vực, nên tập trung thảo luận vấn đề này.
Trước đó (28-11), mạng Zee News đưa tin, Cơ quan điều tra quốc gia Ấn Độ và Cảnh sát bang Tamil Nadu đã bắt 3 thành viên thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda, bị cáo buộc liên quan tới các vụ đánh bom nhằm vào tòa án ở nhiều bang của Ấn Độ.
Cảnh sát cho biết, 3 đối tượng này còn bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công một số lãnh đạo cấp cao Ấn Độ, trong đó có Thủ tướng Narendra Modi. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh lại tuyên bố, ông không coi IS là thách thức đối với Ấn Độ.
Trước đó (2-12), Bộ trưởng Tư pháp Singapore Kasiviswanathan Shanmugam cho biết, nước này đang đối mặt với nguy cơ khủng bố lớn. Tuyên bố của ông Kasiviswanathan Shanmugam được đưa ra trong bối cảnh các nhóm cực đoan đang tăng cường hoạt động tại Indonesia, khi có hàng chục nghìn người Hồi giáo xuống đường ở Thủ đô Jakarta, để phản đối Thị trưởng vì tội báng bổ kinh Koran.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Kasiviswanathan Shanmugam, một vụ tấn công khủng bố chỉ còn là vấn đề thời gian, chứ không phải "có xảy ra hay không".
Bởi những tay súng định tấn công bằng rocket vào vịnh Marina (cảnh sát Indonesia bắt 6 tay súng được cho có liên hệ với IS và âm mưu tấn công Singapore), khu giải trí phức hợp nổi tiếng của Singapore kết hợp nghỉ dưỡng với sòng bạc.
Bộ Nội vụ Singapore ước tính, khoảng 1.000 người đã rời khu vực Đông Nam Á tới các vùng chiến sự tại Syria và Iraq đầu quân cho IS, trong đó có gần 10 người Singapore.
Cảnh sát chống khủng bố Indonesia cũng bắt 2 phần tử liên quan tới IS, từng lên kế hoạch đánh bom Đại sứ quán Myanmar và các tòa nhà chính phủ ở Jakarta.
Hãng Reuters vừa dẫn lời quan chức cấp cao của Cảnh sát Thái Lan cho biết, họ đã bắt 3 người đàn ông bị nghi tấn công bằng bom nhằm vào các khu du lịch ở Thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận.
Phó Tư lệnh cảnh sát quốc gia Srivara Ransibrahmanakul tuyên bố, 3 người này chuẩn bị tấn công ở Bangkok và các khu vực xung quanh, nhưng chúng không phải là phần tử ly khai.
Cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa thông báo, Chính phủ đã quyết định nâng mức báo động khủng bố lên cấp cao nhất, sau khi Cảnh sát tìm thấy những bằng chứng cho thấy âm mưu đánh bom khủng bố ở một công viên tại Thủ đô Manila, gần Đại sứ quán Mỹ, theo chỉ đạo của IS.
Theo ông Ronald Dela Rosa, âm mưu này bị phát hiện sau khi 2 đối tượng (thuộc một lực lượng Hồi Giáo hoạt động ở miền Nam Philippines có liên quan đến IS) liên quan trực tiếp đến vụ đặt bom kể trên khai báo và Cảnh sát đang truy lùng 3 đồng phạm khác.