Cảnh sát Ấn Độ đối phó với nạn cưỡng dâm như thế nào?

Thứ Tư, 20/04/2016, 15:58
Những vụ cưỡng hiếp bùng nổ và gia tăng khiến phụ nữ Ấn Độ rơi vào nỗi sỡ hại bị tấn công tình dục bất cứ khi nào bước chân ra khỏi nhà. Thậm chí, loại tội phạm phổ biến ở quốc gia Nam Á này còn trở thành nỗi ám ảnh của các nữ du khách nước ngoài. Và cảnh sát Ấn Độ trở thành lực lượng tiên phong, chủ lực trong việc kiểm soát và ngăn chặn vấn nạn này bằng một loạt biện pháp độc đáo.


Vận động nạn nhân tố giác

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, đội quân tình nguyện do nữ cảnh sát Ayesha đã bắt đầu thực hiện chiến dịch vận động các nạn nhân bị xâm hại tình dục tố cáo thủ phạm hãm hiếp. 

Theo tin từ hãng Bloomberg, tên thật của nữ cảnh sát Ayesha cùng các thành viên trong đội đều được giấu kín bởi chính họ cũng là nạn nhân của nạn tấn công tình dục. Chẳng hạn, đội trưởng Ayesha đã bị tới 5 người đàn ông tấn công, lôi ra khỏi xe buýt mà cô đang đi để hãm hiếp cô. Vụ việc xảy ra khi Ayesha cùng người nhà vừa đưa thi thể người chị gái đi hỏa táng về. 

Nước mắt lưng tròng, Ayesha nhớ lại: "Vụ tấn công xảy ra vào khoảng nửa đêm. Khi đó, 5 kẻ tấn công đã dựng hàng rào chặn đường cách thị trấn Latehra khoảng 5km. Những kẻ này lệnh cho chúng tôi giao nộp tiền, vàng. Sau đó, chúng lôi tôi vào một khu rừng và thay nhau hãm hiếp". 

Ấn Độ đã quyết định tăng số lượng nữ cảnh sát để chống nạn cưỡng dâm. (Ảnh: AP).

Cô cũng kể rằng, thời điểm đó, khi cô cố gắng cảnh báo với chúng rằng cô là cảnh sát, chúng vẫn không nao núng mà còn đánh đập anh trai và bố cô. Người mẹ trẻ có 2 con này sau vụ việc đó từng nghĩ đến chuyện quyên sinh. Nhưng rồi, mẹ cô là người đã xoa dịu nỗi đau và khuyên cô vượt qua mọi trở ngại, tìm và bắt bằng được những kẻ tấn công nói trên. 

Cùng với một đồng nghiệp trong đơn vị, Ayesha đã truy lùng ra nơi ẩn náu của 5 kẻ này, bắt chúng và đưa ra trước công lý. Tại phiên tòa xét xử ở thị trấn Latehar, 5 tên này đều thừa nhận tội danh cướp tài sản và hãm hiếp. Chúng đã bị trừng phạt thích đáng vì tội lỗi của mình. Từ đó, Ayesha đã tự nhủ với lòng mình sẽ luôn đồng hành cùng các nạn nhân bị cưỡng dâm, giúp họ tìm được "ánh sáng nơi cuối đường hầm" bằng cách dũng cảm đứng lên vạch tội những kẻ đã làm nhục mình. 

Ayesha cho biết, khi ý tưởng được hình thành và cô bắt đầu chiêu mộ thành viên của đội, nhiều lời đe dọa đã được gửi tới nơi làm việc và cả nhà của Ayesha. Nhưng cô không run sợ nữa. 

"Tôi đã vượt qua những ngày tháng kinh khủng nhất của đời mình và tôi thấy mình phải có trách nhiệm với cộng đồng vì việc này", Ayesha nói. 

Cô cũng giải thích rằng, để vận động các nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp ra tố cáo thủ phạm không phải là dễ bởi tâm lý e dè, sợ hãi và nỗi lo nhục nhã vẫn thường trực trong quan điểm của người dân nước này. Hơn thế nữa, những vụ việc đã xảy ra với kết cục là sự nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật của các thủ phạm khiến các nạn nhân đôi khi cảm thấy bất lực và không muốn chuốc thêm phiền não cho mình. 

Vì thế, các thành viên trong đội của Ayesha không chỉ phải kể lại câu chuyện của chính mình mà còn phải thường xuyên cập nhật về những vụ án nóng, các phiên xét xử công minh nhằm vào các vụ án tấn công tình dục để làm minh chứng cho các nạn nhân thấy rằng luật pháp vẫn nghiêm minh và trừng trị thích đáng kẻ có tội.

Tăng cường số cảnh sát nữ

Theo kết quả của một cuộc khảo sát của Phòng hợp tác thương mại và công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), cưỡng hiếp đang trở thành một vấn nạn đáng lo ngại ở Ấn Độ. Có đến 92% phụ nữ đi làm cho biết, họ cảm thấy không an toàn, đặc biệt là vào ban đêm tại tất cả các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước, đặc biệt ở khu vực đô thị như thủ đô New Delhi, thành phố Bangalore, Kolkata… 

Thống kê của cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, số vụ cưỡng hiếp trong 5 năm gần đây đã gia tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với 10 năm trước và tăng nhanh hơn gấp 4 lần so với các loại tội phạm khác. Thủ đô New Delhi, bộ mặt của Ấn Độ lại là nơi có số vụ cưỡng hiếp nhiều nhất nước. 

Còn báo cáo của Cục Thống kê tội phạm cho hay, cứ mỗi 20 phút lại có một vụ cưỡng hiếp được tŕnh báo ở Ấn Độ và con số này chỉ chiếm 5% tổng số vụ cưỡng hiếp. 30% trong số các vụ cưỡng hiếp được theo đuổi để trừng trị tội phạm. Đồng thời, Cục Thống kê tội phạm còn cho rằng, để xảy ra việc này là do lực lượng cảnh sát Ấn Độ còn thiếu và còn mỏng, nhất là thiếu về cảnh sát nữ. 

Ở Ấn Độ, số lượng nữ cảnh sát khá ít, thậm chí ít nhất khi so với các quốc gia châu Á. Tờ Times of India cho biết, chỉ có 7% nhân viên cảnh sát là nữ và họ lại thường được giao làm những việc vặt không liên quan đến tiếp xúc với công dân. Trong khi đó, các nghiên cứu của Cục Thống kê tội phạm chỉ ra rằng, phụ nữ sẽ dễ dàng trình báo và yêu cầu sự bảo vệ hơn nếu người nghe cũng là nữ. 

Tờ Washington Post thì dẫn một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nữ cảnh sát càng thấp thì khả năng nạn nhân của hành vi hiếp dâm trình báo nhà chức trách càng thấp. Các nạn nhân chỉ tố cáo nếu họ biết cảnh sát nữ làm việc trong đồn. 

Các nữ cảnh sát đang vận động nạn nhân những vụ cưỡng hiếp ra tố giác thủ phạm. (Ảnh: News.trust.org).

Vì thế, từ cuối năm ngoái, trong phiên họp nội các, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định nâng số lượng nữ cảnh sát lên để họ chiếm ít nhất 1/3 tổng số cảnh sát ở thủ đô New Delhi. Mục tiêu của ông Narendra Modi là sẽ tuyển thêm khoảng 9.000 nữ cảnh sát trong vòng 3 năm nữa. 

Trước mắt, đối với các nữ cảnh sát đang làm việc trong ngành, Bộ Nội vụ đã mở thêm các lớp huấn luyện mới. Tháng 10 năm ngoái, một nhóm gồm 40 cảnh sát nữ đã được phân công làm nhiệm vụ tại các trạm xe buýt, tàu điện ngầm, bên ngoài các trường học và nhiều khu vực khác, nơi phụ nữ thường bị đe dọa xâm hại tình dục. Hai tháng sau, lớp nữ cảnh sát thứ 2 cũng được "tung vào trận" sau khi đã trải qua những tháng ngày tập luyện gian khổ, căng thẳng.

Những cảnh báo và các hình phạt nghiêm minh

Cùng với việc tăng cường số lượng nữ cảnh sát, cảnh sát Ấn Độ hồi đầu năm 2016 còn gửi tin nhắn tới gần 600.000 người từng bị cáo buộc có hành vi xâm phạm tình dục phụ nữ, yêu cầu họ phải tự điều chỉnh hành vi của mình, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm khắc. Mỗi bang, mỗi thành phố đều có cách "dọa" khác nhau. 

Như ở bang Uttar Pradesh, cảnh sát viết: "Anh và điện thoại của anh vẫn đang bị theo dõi. Hi vọng là hành xử của anh lúc này đã nghiêm chỉnh. Chúng tôi chúc anh một năm mới hạnh phúc". 

Cảnh sát ở New Delhi thì không chỉ nhắn tin mà còn thành lập thêm nhiều đường dây nóng hỗ trợ nữ giới về vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục. Tất cả các khiếu nại đều được xem xét ngay lập tức và vụ việc nào nghiêm trọng đều được điều tra cụ thể. 

Thậm chí, thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal sau khi lập một ủy ban nghiên cứu cách hạn chế tội phạm tình dục, tăng cường an ninh cho trẻ em và phụ nữ tại thành phố đã quyết định dùng ngân sách để mở các tòa án lưu động với mục đích xét xử được nhiều hơn các vụ cưỡng hiếp. 

Chính phủ Ấn Độ thì dự tính hạ độ tuổi vị thành niên xuống 15 để những "yêu râu xanh" ở độ tuổi này vẫn phải chịu mức án tối đa là 3 năm quản thúc tại gia. Bên cạnh đó, chính phủ còn vận động Quốc hội thông qua luật chống hiếp dâm, đề ra hình phạt tử hình đối với những người tái phạm tội này hay tăng án tù cho những hành vi tấn công phụ nữ bằng axit, buôn bán người. 

Bằng chứng mới nhất về các nỗ lực của chính phủ là việc thẩm phán Seema Singhal đã tuyên án tử hình đối với 7 tên đã hãm hiếp và giết hại một phụ nữ Nepal trong phiên xử hồi cuối tháng 12 vừa qua.

Chu Nguyễn
.
.
.