Cảnh sát Đức căng mình chống khủng bố

Thứ Năm, 20/10/2016, 08:22
Cái chết của nghi can khủng bố Jaber Albakr (Jaber al-Bakr) đang là chủ đề gây tranh cãi tại Đức. Bởi tên này đã tự sát thành công (treo cổ) chỉ 2 ngày sau khi bị bắt. Và trước đó, Jaber Albakr cũng từng bỏ trốn tới 2 ngày, khiến cảnh sát Đức phải dốc toàn lực truy lùng mới bắt được hắn. 


Ngay sau khi nghi can người tị nạn Syria treo cổ trong phòng giam tại nhà tù ở thành phố Leipzig, người đứng đầu cơ quan Tư pháp bang Saxony cho biết, cuộc điều tra về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Jaber Albakr đang được tiến hành. Hãng AFP, tờ Bild và hãng DPA cho biết, cảnh sát phát hiện Jaber Albakr treo cổ trong phòng giam và hắn đã chết tại bệnh viện của nhà tù Leipzig.

Theo tờ Der Spiegel, kể từ khi bị bắt hôm 10-10, Jaber Albakr đã tuyệt thực và không hợp tác với cảnh sát trong quá trình thẩm vấn. Và dù bị giám sát 24/24h, nhưng tên này vẫn treo cổ. Hãng BBC cho rằng, cái chết của Jaber Albakr sẽ khiến cảnh sát gặp khó khăn trong việc tìm hiểu kế hoạch và đồng phạm của tên này.

Cảnh sát phát hiện thuốc nổ và đai bom trong một căn hộ ở thành phố Chemnitz sáng 8-10.

Theo cảnh sát, Jaber Albakr đã trốn thoát khỏi cuộc bao vây của cảnh sát tại căn hộ của hắn ở thành phố Chemnitz hôm 8-10. Sau đó, Jaber Albakr tới thành phố Leipzig để nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng người Syria, nhưng hắn đã bị 3 người tị nạn Syria trói và báo cho cảnh sát hôm 10-10. Ba người này được báo giới Đức vinh danh là "những người hùng Syria ở Leipzig".

3 người tị nạn Syria đã bắt và trói tên này, bất chấp việc Jaber Albakr đề nghị trả 1.000 USD để được thả. Khi phát biểu với Đài Phát thanh ZDF, Giám đốc Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang (BfV) Hans-Georg Maassen cho biết, việc bắt Jaber Albakr đã giúp ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố tiềm ẩn, bởi qua điều tra cho thấy tên này có liên hệ với IS.

Nhưng cho tới nay, cơ quan chức năng Đức vẫn chưa rõ Jaber Albakr đã bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan tại Syria hay ở Đức và cũng chưa có bằng chứng cho thấy, hắn đã nhận lệnh tấn công khủng bố từ IS ở nước ngoài. Các nhà điều tra đang xác định các hoạt động của tên này trong thời gian ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi theo tờ Die Welt, Jaber Albakr đã ở Thổ Nhĩ Kỳ một thời gian ngắn, sau đó quay lại Đức cuối tháng 8-2016. Cảnh sát Đức còn cho biết, Jaber Albakr được cấp quy chế tị nạn tạm thời tại Đức từ tháng 6-2015 và đã lập phòng thí nghiệm chế tạo bom ảo ngay trong căn hộ của hắn.

Hãng AP vừa dẫn nguồn tin từ cơ quan công tố liên bang Đức cho biết, Saleh A., công dân Syria 29 tuổi, nghi can của IS đã được trao trả về Đức, sau khi hắn đầu thú với nhà chức trách Pháp và tiết lộ một âm mưu tấn công khủng bố. Tòa án Đức cũng mới tuyên án 4 năm tù giam đối với Vucelic V., 51 tuổi, người Montenegro vì tội vận chuyển các loại súng và thuốc nổ sang Pháp.

Theo cảnh sát, Jaber Albakr đang lên kế hoạch đánh bom ở Đức.

Cảnh sát phát hiện Vucelic V. cất giấu một lượng lớn vũ khí trong xe ôtô - 8 khẩu súng trường Kalashnikov, súng ngắn, 2 quả lựu đạn và 200g thuốc nổ TNT. Tuy thừa nhận chở số vũ khí kể trên, nhưng Vucelic V. phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng có liên quan tới kế hoạch tấn công khủng bố. Vucelic V. cho biết, được trả 2.000 euro để chuyển số vũ khí này tới Pháp.

Gần 1 tháng trước (24-9), Viện Công tố Đức đã bắt Anil O, 22 tuổi, nghi can của IS tại sân bay Dusseldorf. Anil O được đào tạo cách sử dụng vũ khí tại một trại huấn luyện của IS, sau đó được giao ít nhất một khẩu súng trường tự động và lựu đạn để có thể sẵn sàng chiến đấu. Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định, không thay đổi chính sách nhập cư, bất kể việc đảng CDU của bà vừa thất bại nặng nề trong 2 cuộc bầu cử cấp bang hồi tháng trước, khi cử tri phản ứng với chính sách mở cửa với người di cư.

Theo bà Merkel, mục tiêu cần thực hiện là thúc đẩy việc gửi trả về nước những di dân không đủ điều kiện được cấp cơ chế tị nạn tại Đức, cũng như thúc đẩy đồng thuận về mức quota phân bổ người tị nạn tại các nước thành viên Liên minh châu Âu một cách phù hợp.

Ngày 11-10, Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan (ICSR) thuộc Đại học King (Anh) công bố kết quả điều tra cho thấy, các nhà tù ở châu Âu đang là nơi "tuyển dụng lý tưởng" của các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Và các tổ chức cực đoan ngày càng giảm sự ưu tiên vào trường học tôn giáo, chuyển hướng vào các nhà tù ở châu Âu để tuyển dụng những tên tội phạm có quá khứ bạo lực. Giám đốc ICSR Peter Neumann cảnh báo, quá trình cực đoan hóa diễn ra ngày càng nhanh bên trong nhà tù, nhất là những đối tượng bị tống giam vì phạm các tội bạo lực rất dễ cực đoan hóa. ICSR cho biết, 57% đối tượng từng ngồi tù và bị lôi kéo trở thành phần tử cực đoan sau khi ra tù và 27% trở thành cực đoan ngay trong thời gian ở tù.

Quốc Dũng
.
.
.