Cảnh sát Anh lo đối phó với nạn phân biệt chủng tộc hậu Brexit

Thứ Năm, 07/07/2016, 17:00
Các vụ bạo lực, đụng độ do phân biệt chủng tộc đã tăng gấp 5 lần chỉ trong một tuần sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Tình trạng này buộc lực lượng cảnh sát Anh phải tăng cường an ninh và tuần tra trên đường phố. 


Báo cáo của Hội đồng cảnh sát quốc gia Anh hôm 2-7 cho hay, các vụ bạo lực liên quan đến Brexit (việc Anh rời bỏ EU) ngày càng gia tăng. Cảnh sát không chỉ nhận được hàng trăm đơn khiếu nại gửi tới các đồn cảnh sát, mà còn phát hiện ra nhiều sự thực đáng sợ nhất thông qua các lời phàn nàn trên trang web mang tên True Vision.

Những lời phàn nàn này cho biết, đi đâu họ cũng thấy có nạn phân biệt chủng tộc và những vụ ẩu đả, đánh nhau xuất phát từ nguyên nhân này, có ít nhất 331 vụ đã xảy ra trong một tuần qua theo lời khiếu nại của người dân. Con số này tăng gấp hơn 5 lần so với con số 63 vụ/tuần theo các báo cáo ở thời gian trước. Cảnh sát cũng cho biết, số vụ phân biệt chủng tộc phần lớn diễn ra nhằm vào đối tượng là người Hồi giáo hoặc người châu Phi.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit đã làm gia tăng các hoạt động phân biệt chủng tộc ở Anh. ảnh: LNP.

Tại một số nơi như Birmingham, West Yorkshire, tình trạng này đã trở nên đáng báo động. Hôm 30-6, cảnh sát ở Manchester đã buộc phải mở một chiến dịch chống bạo lực và phân biệt chủng tộc. Còn ở West Midlands, theo ghi nhận của phóng viên hãng BBC, các vụ bạo lực đường phố bắt đầu xuất hiện. Trong một số khu vực khác, việc hình thành các cộng đồng dân cư đối lập đã xảy ra những mâu thuẫn cơ bản. Số người bản địa kỳ thị đối với người nhập cư cũng gia tăng.

Điển hình nhất là vụ cảnh sát phải tiến hành điều tra vụ phá hoại tại trụ sở Hiệp hội văn hóa và xã hội Ba Lan vì động cơ phân biệt chủng tộc. Tòa nhà này đã bị một nhóm hung thủ không rõ tung tích sơn, vẽ dòng chữ phản cảm lên tường. Tại vùng Cambridgeshire, nhiều tờ rơi với nội dung “trục xuất bọn Ba Lan” được viết bằng tiếng Anh và tiếng Ba Lan đã được phân phát ở nhiều nơi”.

Theo dõi kỹ trên trang mạng xã hội, cảnh sát còn phát hiện một nhóm mang tên hashtag PostRefRacism, trong đó đăng tải những câu chuyện kinh khủng về nạn phân biệt chủng tộc, nhất là đối với những người nhập cư. Biên tập viên chính trị của đài Sky News Adam Boulton kể rằng, chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, ông và gia đình đã tận mắt chứng kiến 3 lần câu hỏi kiểu “Bao giờ chúng mày mới cút về nước” hoặc “Đây là nước Anh, bọn ngoại quốc có 48h để cút khỏi đây”…

Sự kỳ thị này còn len lỏi vào tận trường học và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều học sinh là con em những người nhập cư tại Anh. Tại các khu vực công cộng như nhà ga, bến xe buýt, sân bay, trung tâm thương mại, những người nhập cư thường xuyên nhận được những cái nhìn nảy lửa hoặc ghen tức từ người vốn có thái độ phân biệt chủng tộc từ trước…

Một chiến dịch kêu gọi đoàn kết trong nội bộ nước Anh đang được tiến hành nhằm ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc. Trong ảnh là một tờ rơi được viết tay nhằm kêu gọi người dân tự bảo vệ trước những nguy cơ này. ảnh: Twitter.

Tình trạng này đã ở mức đáng báo động khiến Thủ tướng Anh David Cameron phải tuyên bố rằng, sẽ không “dung thứ” cho việc phân biệt chủng tộc. Đồng thời, hôm 27-6, ông David Cameron đã đề nghị và nhận được sự ủng hộ của các thành viên nội các trong việc thành lập một cơ quan dân sự để thực thi nhiệm vụ phức tạp là đàm phán về việc Anh rời khỏi EU và đưa ra chiến lược giúp nước Anh đoàn kết, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đặc biệt, chuyên gia chuyên giải quyết các vấn đề phức tạp của Thủ tướng là ông Oliver Letwin đã được giao phó việc tư vấn cho các quan chức chính phủ và thực hiện một chiến dịch chống phân biệt chủng tộc với các tổ chức xã hội. Nhiều nghị sĩ Anh đã ủng hộ quyết định này. 

Trong khi đó, Đại sứ quán nhiều nước ở Anh trong đó có Đại sứ quán Ba Lan tại Anh đã bày tỏ những mối lo ngại sâu sắc trước các vụ phân biệt đối xử và lăng mạ trực tiếp đối với cộng đồng người Ba Lan. Nhiều quốc gia cũng gửi công văn đề nghị Anh sớm giải quyết tình trạng này, ngăn chặn nguy cơ lan rộng của nạn phân biệt chủng tộc.

Chi Anh
.
.
.