Cảnh sát Ấn Độ bị tố tra tấn nghi phạm đến chết tại nơi giam giữ

Thứ Hai, 16/01/2017, 13:15
Trong bản báo cáo mới công bố thời gian gần đây, Tổ chức giam sát nhân quyền (HRW) cho biết, cảnh sát Ấn Độ đã tra tấn nghi phạm, dẫn đến cái chết của nhiều người tại nơi giam giữ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là không có nhân viên cảnh sát nào bị truy tố trước pháp luật.


Hơn 590 nghi phạm thiệt mạng tại nơi giam giữ

Báo cáo dựa trên kết quả "điều tra sâu" vào 17 người chết trong nhà giam từ giữa năm 2009 và 2015, trong đó có hơn 70 cuộc phỏng vấn với thân nhân các nạn nhân, chuyên gia tư pháp và các quan chức cảnh sát. Theo HRW, cảnh sát Ấn Độ đã dùng nhiều hình thức tra tấn nghi phạm, kể cả việc sử dụng "chiêu" lạm dụng tình dục, tra tấn bằng nước hay đánh đập.

Bản báo cáo dài 114 trang nhận định, "cảnh sát Ấn Độ coi thường các quy định về bắt giữ, nghi phạm tử vong vì bị tra tấn, trong khi đó, những người chịu trách nhiệm không bị trừng phạt".

Hơn 590 nghi phạm đã chết trong trại giam ở Ấn Độ từ giữa năm 2010 đến 2015.

Hơn 590 nghi phạm đã chết tại trại giam trong khoảng thời gian từ giữa năm 2010 đến 2015. Hơn 430 trường hợp tử vong trong nhà giam đã được cảnh sát báo cáo với Ủy ban nhân quyền quốc gia của Ấn Độ từ giữa tháng 4/2012 đến tháng 6/2015. HRW dẫn chứng một số trường hợp cụ thể trong báo cáo.

Cảnh sát cho biết, một người đàn ông tên là Shyamu Singh đã tự sát trong nhà giam vào tháng 4-2012. Tuy nhiên, anh trai của Shyamu Singh, người cũng bị cảnh sát bắt giữ nói với các nhà điều tra rằng, hai anh em bị bốn sĩ quan cảnh sát giữ chân, tay và đổ nước vào mũi liên tục.

"Sau khi đổ nước vào mũi khiến tôi gần như bị ngạt, họ bắt đầu làm việc tương tự với Shyamu. Shyamu yếu hơn tôi nên nhanh chóng bất tỉnh. Lúc này, những nhân viên cảnh lộ rõ sự lo lắng trên khuôn mặt. Tôi nghe thấy họ nói với nhau rằng, Shyamu phải chết. Một trong những nhân viên cảnh sát đưa một gói thuốc gì đó vào miệng Shyamu", anh trai của Shyamu kể lại.

Cảnh sát nói với gia đình Singh rằng, anh đã chết vì trúng độc. Một cuộc điều tra nội bộ được diễn ra nhưng chính cuộc điều tra này đã xóa mọi dấu vết về sự liên quan của nhân viên cảnh sát với cái chết của Singh.

Một cuộc điều tra chính thức của cơ quan nhà nước kết luận rằng, bảy nhân viên cảnh sát đã tra tấn và hạ độc Singh đến chết. Tuy nhiên, sau đó cả bảy người đều được chứng minh vô tội. Bản báo cáo cũng đề cập đến trường hợp khác, một cảnh sát trưởng thừa nhận, nghi can trong cuộc điều tra buôn bán hàng giả đã bị đánh đập.

Vị cảnh sát này nói rằng, hành động của cảnh sát là cần thiết vì nghi can cứng đầu, không chịu cung cấp thông tin gì phục vụ quá trình điều tra. "Chúng tôi buộc phải dùng biện pháp mạnh tay với nghi can này. Đó là hành động cần thiết để có thông tin phục vụ điều tra, mở rộng vụ án", báo cáo của HRW dẫn lời vị cảnh sát cho biết.

Không nhân viên cảnh sát nào bị truy tố

Cảnh sát Ấn Độ thường xuyên báo cáo những vụ nghi phạm chết trong nhà giam bằng các lý do như ốm đau, tự tử và tai nạn. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát Ấn Độ bị cáo buộc tra tấn nghi phạm nhưng không có nhân viên nào bị truy tố trước pháp luật.

Theo HRW, thủ tục điều tra cái chết của các nghi phạm tại nơi giam giữ không được coi trọng. Chưa đến 1/3 trong số 97 trường hợp tử vong vào năm 2015 được điều tra nghiêm túc, 26 trường hợp không tiến hành khám nghiệm tử thi. Tại Ấn Độ, cơ quan giám sát của cảnh sát được giao tiến hành điều tra các trường hợp này nhưng phần lớn đã thất bại.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, cái chết của các nghi phạm tại nơi giam giữ diễn ra thường xuyên. Các sĩ quan cảnh sát thường tìm cách bao che cho đồng nghiệp thay vì đưa họ ra trước ánh sáng công lý. Cảnh sát ở Ấn Độ phải nhận thức được rằng, đánh nghi phạm, buộc họ nhận tội là hành vi không thể chấp nhận.

Nếu thực hiện hành vi này, các nhân viên cảnh sát phải bị truy tố trước pháp luật", Meenakshi Ganguly, Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á của HRW cho biết. Đồng thời, báo cáo của HRW đưa ra một số kiến nghị, trong đó có đề nghị Ấn Độ thiết lập chương trình bảo vệ nhân chứng nhằm khuyến khích các nạn nhân bị bạo lực đứng lên tố cáo hành vi của cảnh sát mà không sợ bị trả thù.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.