Campuchia:

Tướng cảnh sát bị tố lạm quyền và "ăn chặn" của cấp dưới

Thứ Sáu, 05/08/2016, 11:20
Ủy ban Chống tham nhũng Campuchia thông báo, Trung tướng Run Rathveasna đã bị cấp dưới tố cáo lạm quyền và tham ô. Nhân vụ việc này, Bộ Giáo dục Campuchia quyết định mở rộng chương trình giáo dục chống tham nhũng cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 6.


Báo Campuchia Daily ngày 27-7 đưa tin, Ủy ban Chống tham nhũng Campuchia (ACU) đã đưa lên trang web của đơn vị này nội dung tố cáo Trung tướng Rathveasna, chỉ huy đơn vị giám sát cảnh sát giao thông Campuchia. 

Theo ACU, cấp dưới đã tố cáo Trung tướng Rathveasna bỏ túi nhiều khoản tiền công từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn tiền phạt người đi xe máy vi phạm luật giao thông. Trang web của ACU viết: "Ông Rathveasna bị cáo buộc bỏ túi riêng khoảng 3 triệu riel (750 USD) mỗi tháng cùng 10% tiền phạt lỗi vi phạm luật giao thông ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh thành khác". Cấp dưới còn tố cáo ông này ăn chặn tiền làm việc thêm giờ của cảnh sát giao thông trong dịp Tết năm mới của người Khmer. Ông còn bị tố cáo âm mưu bán một xe tải Madza của đơn vị giám sát để "tư lợi" 32.000USD. 

Bộ Nội vụ Campuchia họp để đẩy mạnh chống tham nhũng trong ngành.

Ngoài ra, ông Rathveasna cũng bị tố cáo đưa nhiều người thân giữ chức đội trưởng các đội cảnh sát giao thông và ban hành quyết định bổ nhiệm những người này mà không trình báo với cấp trên. ACU không đăng các chứng cứ mà người tố cáo đã nộp. 

Báo Cambodia Daily cho biết, không thể liên lạc với Chủ tịch Om Yentieng và Phó Chủ tịch Chhay Savuth của ACU, cũng như người phát ngôn của cảnh sát quốc gia. Song song với đơn tố cáo, ACU đã đăng các phủ nhận của Trung tướng Rathveasna. Ông giải trình đã tuân thủ các quy định cần thiết, phủ nhận chuyện có người thân dưới quyền.

Ông cũng khẳng định không hề "rút ruột" tiền phạt lỗi vi phạm luật giao thông và những khoản tiền cấp cho đơn vị. Ông giải thích việc một số anh em trong các tổ cảnh sát giao thông chưa nhận được tiền làm việc thêm giờ vì họ chưa điền đầy đủ giấy tờ cần thiết. Ông bác bỏ chuyện "âm mưu bán xe của đơn vị". Nói chuyện qua điện thoại với báo Cambodia Daily, Trung tướng Rathveasna khẳng định mình vô tội, nhưng không cho biết ông đã giải trình thế nào với ACU. 

Ông nói: "Tôi không muốn bình luận gì thêm vì đã giải thích với ACU. Tôi chỉ muốn nói anh em dưới quyền đã vu khống. Đó là lý do AC đăng tải giải trình của tôi". Tuy nhiên, hồi tháng 5, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng cho biết, cảnh sát giao thông đã không nhận được khoản chia tiền phạt lỗi vi phạm luật giao thông.

Vị bộ trưởng đe dọa sẽ giáng cấp các sĩ quan nếu trong một thời hạn ngắn không chịu chỉnh đốn. Bộ trưởng Sar Kheng nhận định: "Đến nay các cảnh sát giao thông chưa nhận được tiền chia, vậy thì số tiền đó đi đâu? Chúng tôi gọi đó là bất công. Họ làm việc gian khổ dưới trời nắng gay gắt mà lại không được hưởng tiền công". Cuối năm 2015, chính phủ Campuchia thông báo, cảnh sát giao thông có quyền giữ 70% tiền phạt người đi xe máy phạm lỗi luật giao thông.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở Phnompenh.

Khoản tiền này đã tăng 50% so với trước đây và được quy định trong luật giao thông mới của Campuchia có hiệu lực từ tháng 1-2016. Nhân vụ lùm xùm này, báo Phnom Penh Post đưa tin Bộ Giáo dục - Thanh niên-Thể thao Campuchia đã mở rộng chương trình giáo dục chống tham nhũng của ACU cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 6. Người phát ngôn Ros Salin của Bộ này cho biết, chương trình được tổ chức trong 3 tiết học/tuần, xác định tham nhũng là lạm quyền, đưa hối lộ và xung đột quyền lợi, đồng thời hướng dẫn luật chống tham nhũng cho học sinh.

Chương trình này do ACU xây dựng cùng tổ chức Minh bạch quốc tế ở Campuchia (TI Cambodia), được đưa vào giảng dạy cho học sinh cấp trung học từ hai năm qua. Chủ nhiệm Kol Preap của TI Cambodia nói, chương trình giáo dục chống tham nhũng sẽ giúp thay đổi suy nghĩ của người dân và về lâu dài họ sẽ duy trì được văn hóa chống tham nhũng.

Trường Vân
.
.
.