Thái Lan: Thủ tướng nhận phán quyết về cáo buộc lạm quyền

Thứ Tư, 07/05/2014, 08:23
Ngày 7/5, tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết về cáo buộc lạm quyền đối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Nếu bị tuyên bố là có tội, bà Yingluck Shinawatra sẽ phải từ chức và điều này cũng có nghĩa là lực lượng đối lập sẽ có cơ hội để đưa ra những yêu sách của mình. Ngược lại, phán quyết cũng có thể khiến những người ủng hộ đảng cầm quyền Puea Thai xuống đường biểu tình.

Tin từ tờ Bangkok Post cho hay, ngày 6/5, bà Yingluck Shinawatra đã có buổi trình diện trước trụ sở tòa án Hiến pháp ở Bangkok và biện luận cho bản thân trước những cáo buộc nói trên. Trước tòa, Thủ tướng tạm quyền bác bỏ cáo buộc lạm quyền trong việc điều chuyển công tác của Tổng Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) Thawil Pliensri hồi năm 2011.

Bà Yingluck Shinawatra nói: “Tôi không vi phạm bất kỳ quy định nào. Tôi không được hưởng lợi từ gì việc bổ nhiệm này. Mọi quyết định và hành động của tôi đều dựa trên lợi ích quốc gia”. Thẩm phán tòa án hiến pháp Charoon Intachan cho hay vụ việc này bắt nguồn từ đơn kiện của một nhóm Thượng nghị sĩ Thái Lan. Trong quá trình tìm hiểu điều tra, 9 thành viên của tòa án đã tiếp cận đủ các bằng chứng cụ thể và sẵn sàng đưa ra phán quyết. Vì thế, thẩm phán Charoon Intachan tuyên bố: “Phán quyết cuối cùng được đưa ra vào trưa 7/5”.

Theo nhận định của các nhà phân tích, bất kể phán quyết được đưa ra như thế nào thì tình hình chính trị phức tạp ở Thái Lan vẫn không hề thay đổi. Ngược lại, căng thẳng có thể gia tăng bởi sự thúc ép từ lực lượng đối lập do đảng Dân chủ đứng đầu vì không đạt được mục đích hoặc sự tham gia biểu tình trên đường phố của những người ủng hộ đảng cầm quyền Puea Thai bởi phán quyết gây bất lợi cho Thủ tướng tạm quyền.

Các chuyên gia về luật thì cho rằng, một khi phán quyết nói bà Yingluck Shinawatra có tội thì không chỉ riêng mình Thủ tướng tạm quyền mà toàn bộ nội các cũng sẽ bị buộc phải từ chức. Vì thế, theo cố vấn pháp luật của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, Noppadon Pattama, chính phủ phải chuẩn bị kế hoạch đối phó với tình huống này và các đảng phái phải thống nhất để chính phủ tạm quyền điều hành cho đến khi có chính phủ mới chứ không nên cùng một lúc “làm hai việc” bởi điều đó dễ gây thêm bất ổn.

Trong trường hợp phán quyết của tòa án bảo vệ Thủ tướng tạm quyền, theo ông Noppadon Pattama, chính phủ cũng phải chuẩn bị các phương án bảo vệ an ninh đề phòng lực lượng biểu tình chống đối thực hiện các cuộc tuần hành quy mô lớn như thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban từng đe dọa. Đó là chưa kể đến khả năng lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập sẽ dùng sức ép đối với chính phủ nhằm đạt được mục đích của họ bất chấp phán quyết của tòa án.

Ngày 6/5, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan đã có cuộc điều trần tại tòa án Hiến pháp trước khi các thẩm phán đưa ra phán quyết cuối cùng vào trưa 7/5.

Bởi lẽ, theo nhiều nguồn tin khác nhau, trong thời gian vừa qua, một mặt đưa ra kế hoạch cải cách Hiến pháp, đòi cải tổ chính trị trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 20/7, Chủ tịch đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cũng đã có một loạt hoạt động “ngoại giao con thoi” nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng phái khác ở Thái Lan.

Thêm vào đó, ngoài cáo buộc lạm quyền, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cũng đang bị giảm sút uy tín bởi các cáo buộc và điều tra tham nhũng khác do Ủy ban chống tham nhũng quốc gia thực hiện

Huyền Chi
.
.
.