Campuchia:

Phá đường dây lừa bán phụ nữ cho các đối tượng buôn người Trung Quốc

Thứ Tư, 19/12/2018, 22:23
Nghèo đói khiến nhiều phụ nữ ở khu vực sông Mekong đánh cược vào hôn nhân với người Trung Quốc. 


Họ bị bó buộc bởi học vấn thấp cũng như kỳ vọng của xã hội rằng con gái lấy chồng sẽ chu cấp cho bố mẹ. Một số khác bị bắt cóc hoặc lừa sang biên giới lấy chồng. AFP ngày 14-12 cho hay.

Môi giới hôn nhân là một ngành thương mại lớn. Số liệu chính thức cho thấy 10.000 phụ nữ Campuchia đã đăng ký lấy chồng ở các tỉnh Quảng Đông, Quý Châu và Vân Nam (Trung Quốc). Các cô dâu thường được cho vào kho lưu trữ, ảnh được mời chào trên WeChat và các trang web hẹn hò. Chỉ trong 2 năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 250 vụ buôn bán phụ nữ từ Campuchia vào Trung Quốc và các chuyên gia cho rằng, con số sẽ còn tăng lên nhanh chóng - báo chí Campuchia vừa cho biết.

Ai cũng có miếng trừ… nạn nhân

Có những cuộc hôn nhân hạnh phúc, khi người phụ nữ đủ tiền để chu cấp cho ngôi làng nghèo mà họ đã rời bỏ. Nhưng đa số lâm vào hoàn cảnh như Nary, người đã nghe lời anh trai tới gặp một tay môi giới hôn nhân người Campuchia để rồi bị lừa phũ phàng. 

"Khi đó, tôi rất tin anh ấy", Nary nói nhỏ. Cô ngồi trong căn lều ven đường của gia đình, nơi mưa dột xuống nhà qua những lỗ nhỏ trên mái tôn ở ngoại ô Phnôm Pênh. Trở về nhà sau 6 năm tủi nhục, buộc phải rời xa con trai và có rất ít cơ hội gặp lại, Nary đau đớn kể về nỗi bất hạnh của mình. Anh trai cô bỏ trốn với 3.000 USD, sau khi lừa em gái 17 tuổi rời Campuchia sang Trung Quốc lấy chồng.

Những tay môi giới chia 7.000 USD còn lại, số tiền mà người đàn ông Trung Quốc đã mang cả gia tài ra trả để lấy được vợ. Tuy nhiên, sống chung với một người xa lạ cách hàng nghìn cây số trong bối cảnh bất đồng ngôn ngữ, khiến cuộc hôn nhân của Nary sớm bất hạnh. "Ngày lấy chồng không phải ngày vui với tôi", Nary nói. 

Cô là một trong hàng chục nghìn thiếu nữ Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar lấy chồng Trung Quốc mỗi năm, nhằm bù đắp hậu quả chênh lệch giới tính do chính sách một con kéo dài ba thập niên của Trung Quốc gây ra. Khi chính sách này kết thúc, đàn ông Trung Quốc đối mặt khủng hoảng thiếu vợ, khi số nam giới nhiều hơn phụ nữ là 33 triệu. 

"Gia đình tôi rất nghèo. Tôi hy vọng giúp đỡ được bố mẹ bằng cách lấy chồng Trung Quốc. Thế là tôi đi lấy chồng", cô nói. Nhưng anh trai đã lấy hết số tiền hồi môn mà cô để lại cho bố mẹ và biến mất. Người Trung Quốc thường chi 10.000 tới 15.000 USD cho một cô dâu, phần lớn số tiền này vào tay kẻ môi giới, tiền đến tay nhà gái chỉ còn 1.000 - 3.000 USD, còn bản thân cô gái trẻ không được đồng nào. 

Chou Bun Eng, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia Campuchia về buôn bán người, cho biết tiền bạc đang trở thành động lực để một số gia đình bán đi con gái. "Họ mong đợi con gái mang về món lời", ông nói. Nary tới Trung Quốc bằng visa du lịch, nhưng khi tới Thượng Hải, cô bất ngờ phát hiện người đàn ông đã trả tiền cho mình là một công nhân xây dựng, sống tại một ngôi làng, chứ không phải là "bác sĩ giàu có" như đã hứa hẹn.

Nhiều kẻ môi giới lừa đảo sa lưới.

Bị cướp mất con và đẩy ra đường

Hôn nhân của Nary bắt đầu có vấn đề một tháng sau khi cô sinh hạ một bé trai. Mẹ chồng quyết liệt bắt cô ngừng cho con bú. "Bà ấy không cho tôi gặp con, thậm chí bế con", Nary nhớ lại.

Gia đình họ muốn ly hôn, nhưng visa của Nary đã quá hạn. Cô hiểu rời khỏi nhà sẽ đối mặt nguy cơ bị bắt vì lưu trú trái phép tại Trung Quốc. Cuối cùng, cô rời nhà, tìm được công việc trong một nhà máy thủy tinh gần đó với mức lương thấp và làm việc vài năm. Tuy nhiên, Nary vẫn bị bắt do lưu trú trái phép và phải ngồi tù một năm. 

Trong tù, cô gặp rất nhiều phụ nữ Việt Nam và Campuchia có hoàn cảnh tương tự. Mẹ của Nary đã tới nhờ một tổ chức từ thiện ở Campuchia giúp đỡ và đưa cô về nước. Nary bây giờ làm việc trong một xưởng may với mức lương tối thiểu. Tuy đã thoát khỏi cuộc hôn nhân tồi tệ, nhưng cô phải chịu cảnh chia cắt với con trai. "Tôi biết mình sẽ không bao giờ gặp lại thằng bé nữa", Nary nói.

Kiếm tiền

Một phụ nữ được trả tiền, bị mua hoặc bị bán cho người khác làm vợ và được đưa qua biên giới dù bản thân đồng thuận cũng được Liên hợp quốc xếp vào nhóm nạn nhân buôn người. 

Ở Campuchia, môi giới hôn nhân và bên thứ ba liên quan có thể bị phạt tù tới 15 năm và lâu hơn nếu nạn nhân chưa tới tuổi thành niên. Nhưng rất ít vụ bị xét xử, khi các tay môi giới sẵn sàng chi tới 5.000 USD bịt miệng. "Nạn nhân cần tiền", một công tố viên Campuchia giấu tên cho hay. "Họ sợ hãi bởi mạng lưới buôn người rất lớn, làm việc có tổ chức".

Trung Quốc cũng có luật chống mua bán cô dâu, nhưng việc thi hành còn rất lỏng lẻo. Để ngăn chặn, chính quyền Campuchia yêu cầu đàn ông ngoại quốc kết hôn theo luật pháp Campuchia, cung cấp bằng chứng về tuổi tác, quê quán và giấy tờ. "Về bản chất, kết hôn với đàn ông Trung Quốc không xấu", Chou Bun Eng nói. "Nhưng nó trở thành vấn đề khi được thực hiện trái phép thông qua ''trung gian".
Nguyễn Lai
.
.
.