Bức tranh toàn cảnh về vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
- Bài học từ cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
- 754 người bị bắt vì tham gia đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
- Các cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 50 năm qua
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã họp phiên bất thường, trong khi đó hàng nghìn người đổ ra các đường phố ở nước này thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trong khi đó, tướng Umit Dundar, quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội (Tổng tham mưu trưởng quân đội Hulusi Akar bị bắt cóc trước khi xảy ra đảo chính) lại công bố thiệt hại về người: Hơn 190 người chết (41 cảnh sát, 2 binh sĩ, 47 dân thường, 104 kẻ âm mưu đảo chính) và 1.154 người bị thương.
Cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 16-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel không những lên án vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất", mà còn kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xử lý những kẻ âm mưu đảo chính theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Chính phủ Đức không đồng tình với cáo buộc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, khi ông Recep Tayyip Erdogan cho rằng, âm mưu đảo chính được điều hành từ Bắc Mỹ. Bởi sau vụ đảo chính bất thành, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc người đứng sau âm mưu này là giáo sỹ cựu thù Fethullah Gulen sống lưu vong ở bang Pennsylvania, Mỹ từ năm 1999. Và đề nghị Washington dẫn độ ông Fethullah Gulen về quy án tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chặn cầu Bosphorus ở thủ đô. |
Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại thành phố Istanbul chiều 16-7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, Mỹ phải dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen vì đã lên kế hoạch và chỉ đạo cuộc đảo chính quân sự bất thành hôm 15-7.
Cùng ngày 16-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng nguyên tắc pháp trị khi họ bắt giữ những người bị nghi cầm đầu âm mưu vụ đảo chính tối 15-7. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu rằng, những cáo buộc của dư luận về việc Washington liên quan tới cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ song phương.
Ông John Kerry cũng cho biết, hiện Washington chưa nhận được bất kỳ đề nghị dẫn độ chính thức nào từ Thổ Nhĩ Kỳ đối với giáo sỹ Fethullah Gulen. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố, Washington sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra, nhưng những lời nói bóng gió hay cáo buộc về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính bất thành là hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ 2 nước.
Hầu hết các nước Trung Đông đều lên án âm mưu đảo chính quân sự do một nhóm binh sỹ và sỹ quan trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hôm 15-7 nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Về phần mình, giáo sỹ Fethullah Gulen đã bác bỏ cáo buộc có liên quan, đồng thời lên án cuộc đảo chính. Được biết, từ năm 2014, ông Recep Tayyip Erdogan bắt đầu chiến dịch thanh lọc những người ủng hộ phong trào Gulen trong bộ máy chính phủ và giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ảnh hưởng của phong trào Gulen trong quân đội không bị loại bỏ hoàn toàn.
Trước đó (năm 2013), ông Recep Tayyip Erdogan đã giành thắng lợi ngoạn mục trước giới tướng lĩnh quân đội, khi tống giam 17 người, trong đó có các quan chức quân đội cấp cao, với cáo buộc âm mưu lật đổ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền.
Những nhận định khác nhau
"Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xin lỗi Nga, cũng như giới chức nước này đẩy mạnh cuộc chiến chống các lực lượng khủng bố tại Syria có thể là một trong những nguyên nhân khiến quân đội bất mãn và tiến hành cuộc đảo chính", đây là nhận định được ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đưa ra hôm 16-7, khi có cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Ria Novosti.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng bên chiếc xe tăng do quân đảo chính bỏ lại. |
Ông Viktor Ozerov cũng không loại trừ việc tham gia đảo chính không chỉ có giới thân cận với ông Recep Tayyip Erdogan, mà còn có nhiều nhân vật khác, là nạn nhân của quyết định được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Ông Dmitry Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga cho rằng, quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ được tăng cường hơn sau cuộc đảo chính bất thành vừa qua.
Trong khi đó lại có người cho rằng, vụ đảo chính hôm 15-7 chỉ là một màn kịch sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gọi đây là "món quà từ thánh Allah" - sẽ dùng vụ đảo chính để đàn áp mạnh tay hơn với những ai dám chống đối, cũng như thanh lọc quân đội để tăng cường kiểm soát đất nước.
Nỗi lo này càng có cơ sở khi Đài Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, gần 3.000 thẩm phán và công tố viên bị cách chức, cùng gần 3.000 quân nhân bị bắt sau vụ đảo chính hụt. Giới chuyên môn cho rằng, nhóm sĩ quan và binh sĩ đã có một ưu thế lớn là sự bất ngờ - động thủ đúng thời điểm Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đi nghỉ mát, và chiếm giữ các vị trí chiến lược ở thủ đô và thành phố Istanbul lúc gần nửa đêm - thời gian các lực lượng an ninh ít phòng bị nhất.
Bên cạnh đó là tốc độ triển khai của lực lượng đảo chính khi tiến chiếm các vị trí quyền lực quan trọng ở các thành phố lớn cho thấy, trình độ tổ chức và hiệu suất làm việc rất cao. Nhưng họ vẫn thất bại vì thiếu sự đoàn kết, nhất trí trong quân đội.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống can thiệp vào nền chính trị nước này, khi nhiều lần tổ chức đảo chính lật đổ chính phủ. Tính đến nay, quân đội đã thực hiện 4 cuộc đảo chính kể từ năm 1960. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binaila Yildirim cho biết, những kẻ lập ra ủy ban đảo chính bất hợp pháp đã bị lộ danh tính và sẽ bị bắt giữ.
Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, thủ lĩnh cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ là ông Muharrem Kose, cựu Đại tá quân đội có liên hệ với phong trào tôn giáo và xã hội do giáo sỹ Fethullah Gulen đứng đầu. Hồi tháng 3 vừa qua, Đại tá Muharrem Kose bị sa thải sau cáo buộc là thành viên của phong trào Gulen.
Ngoài ông Muharrem Kose còn có Đại tá Mehmet Oguz Akkus, Đại tá Erkan Agin, Thiếu tá Dogan Uysal… Được biết, 29 Đại tá và 5 tướng quân đội đã bị cách chức sau âm mưu đảo chính. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết, số người bị bắt sau âm mưu đảo chính đang tăng lên.
Cảnh báo từ trước
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, âm mưu đảo chính đã bị đẩy lùi, và ông đang kiểm soát đất nước. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người đứng sau kế hoạch này. Ông Recep Tayyip Erdogan cũng khuyến cáo, một vụ đảo chính nữa có thể sẽ được tiến hành vào bất cứ thời điểm nào và kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường phản đối đảo chính.
Người biểu tình ủng hộ chính quyền trên một xe bọc thép của phe đảo chính. |
Hơn 4 tháng trước (11-3), tờ Lenta của Nga từng dẫn lời Giáo sư Paul Shlikov của Viện châu Á và châu Phi thuộc Đại học Lomonosov cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào tình huống vô cùng khó khăn và 3 yếu tố chính có thể dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự tại nước này đều đang hiện diện. Chuyên gia về Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, cựu nhân viên Lầu Năm góc Michael Rubin từng đưa ra những cảnh báo về khả năng xảy ra đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ và thực tế đúng như vậy.
Tổng biên tập "Các vấn đề chiến lược quốc gia" thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Azdar Kurtov cũng từng nhận định, cuộc xung đột giữa giới quân sự với ông Recep Tayyip Erdogan đã có lịch sử khá lâu, nhưng chỉ gia tăng mạnh sau các sự kiện ở Syria và Iraq. Và ông Recep Tayyip Erdogan đang khiến giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ mất dần quyền lực.
Ông Ismail Hakki Pekin, cựu Cục trưởng Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng khuyến cáo, chính sách của ông Recep Tayyip Erdogan trong vấn đề Syria khiến không ít tướng lĩnh quân đội nước này bất mãn.
Theo tờ The Wall Street Journal, sau khi ông Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền, giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hầu như bị cô lập. Trong khi đó, cảnh sát là lực lượng trung thành với ông Recep Tayyip Erdogan luôn sẵn sàng đối đầu với quân đội.
Hơn 1 năm trước (7-4-2015), một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho 62 quân nhân cuối cùng đang ngồi tù vì liên quan tới âm mưu đảo chính lật đổ ông Recep Tayyip Erdogan năm 2003. Trước đó, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ từng kết án tù đối với số sỹ quan này, vì họ nằm trong âm mưu đảo chính có tên gọi "Sledgehammer" diễn ra năm 2003. Cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ilker Basbug là tướng lĩnh cao cấp nhất bị bắt và nhận án tù chung thân vì dính líu tới nhóm "Ergenekon" âm mưu lật đổ chính phủ, cũng được trả tự do.
Trong khi phóng thích 62 quân nhân kể trên, Cơ quan công tố Istanbul lại ra lệnh bắt 34 quân nhân bị tình nghi hoạt động gián điệp, tham gia vào tổ chức khủng bố và mưu toan cản trở công việc của chính phủ. Đó là đợt bắt giữ thứ ba trong quá trình điều tra âm mưu lật đổ chính phủ, liên quan tới hoạt động của tổ chức khủng bố "Tawhid Salam" và cái gọi là "cơ cấu song song" - còn gọi là "nội các ngầm" trong các cơ quan nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người tham gia "cơ cấu song song" bị cáo buộc đã nghe lén điện thoại của các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Những người tham gia "cơ cấu song song" là thành viên phong trào của giáo sỹ Fethullah Gulen.
Chiều 16-7, cảnh sát Hy Lạp cho biết, một trực thăng Black Hawk của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ cánh xuống sân bay thành phố Alexandroupolis ở miền Bắc Hy Lạp sau khi phát tín hiệu khẩn cấp. Trên trực thăng có 8 người, trong đó 7 người mặc quân phục. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, chính quyền Ankara đã đề nghị Athens dẫn độ 8 đối tượng kể trên. |