Binh lính Uganda bị cáo buộc lạm dụng tình dục ở Trung Phi

Thứ Hai, 26/06/2017, 12:19
Tờ Guardian (Anh) đưa tin, binh sĩ quân đội Uganda đang bị điều tra về cáo buộc tấn công, hãm hiếp phụ nữ khi làm nhiệm vụ truy quét "Đội quân Kháng chiến của Chúa" (The Lord's Resistance Army - LRA) ở Cộng hòa Trung Phi.


Quân đội Uganda cam kết không khoan nhượng với các binh lính sai phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vì nhiều lý do khác nhau, vụ việc sẽ bị "chìm xuồng" và người vi phạm không bị truy tố trước pháp luật.

13 phụ nữ và ba trẻ em gái bị tấn công tình dục

Theo đó, ít nhất hai sĩ quan sẽ phải hầu tòa vì cáo buộc tấn công, hãm hiếp, lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em gái khi làm việc tại Cộng hòa Trung Phi (CAR) trong khoảng thời gian từ giữa năm 2015 - 2017.

Ít nhất một vụ hãm hiếp đã được xác định. Những binh sĩ này được tăng cường đến CAR, tham gia lực lượng Liên minh châu Phi để truy quét LRA, đặc biệt là nhà lãnh đạo của tổ chức - Joseph Kony. Được biết, Uganda đã đưa 2.500 binh sĩ đến CAR kể từ năm 2009.

Binh lính Uganda trong đợt truy quét "Đội kháng chiến của Chúa" ở CAR.

Theo báo cáo của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) công bố tháng trước, tổ chức này đã phỏng vấn 13 phụ nữ và ba trẻ em gái ở thị trấn Obo của CAR. Những phụ nữ và trẻ em gái cho biết, đã bị binh lính Uganda lạm dụng tình dục.

Đây không phải lần đầu tiên, binh sĩ Uganda bị cáo buộc tấn công tình dục khi hoạt động ở nước ngoài. Năm 2016, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình Uganda tại CAR đã gây ra 14 vụ hãm hiếp, trong số nạn nhân có cả trẻ em.

"Cáo buộc của HRW thực sự gây sốc và đáng lo ngại. Quân đội Uganda cần làm tất cả để đưa vụ việc ra trước công lý. Là một người đã từng làm việc với các nạn nhân của bạo lực tình dục, tôi hiểu nỗi đau mà các nạn nhân đang phải trải qua và hy vọng rằng, Bộ Quốc phòng Uganda (UPDF) sẽ tìm được công lý cho các nạn nhân", Lino Ogora, Giám đốc của Tổ chức Sáng kiến tư pháp và phát triển, có trụ sở tại thành phố Gulu ở miền bắc Uganda nói.

Alix Boucher, chuyên viên làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược Châu Phi ở Washington cho biết, UPDF đang điều tra vụ án một cách nghiêm túc. "Tôi tin rằng, cam kết điều tra của Uganda không chỉ là "lời hứa đầu môi" để xoa dịu dư luận quốc tế", Alix Boucher nói.

Lo ngại vụ việc sẽ "chìm xuồng"

UPDF cho biết, sẽ không khoan nhượng đối với các hành vi tấn công, lạm dụng tình dục. "Chúng tôi không chấp nhận sĩ quan sai phạm. Cuộc điều tra đang được tiến hành. Sĩ quan vi phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật Uganda", Richard Karemire, phát ngôn viên của UPDF nói.

Tuy nhiên, có ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, vụ điều tra sẽ "chìm xuồng". Maria Burnett, Phó giám đốc của HRW nói rằng, "cam kết điều tra của UPDF phải được thực hiện nghiêm túc.

Thực tế cho thấy, có trường hợp, cảnh sát, quân đội Uganda cam kết điều tra nhưng sau đó thực hiện không nghiêm túc. Hành vi vi phạm không bị xử lý có thể dẫn đến vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Chỉ huy trong quân đội Uganda cũng như tất cả các lực lượng vũ trang khác phải có trách nhiệm về hành vi của mình, cho dù làm việc ở CAR, Somalia, Uganda hay bất cứ nơi đâu".

Phil Clark, chuyên gia nghiên cứu về châu Phi tại Đại học Soas, London cho biết: "Không ít lần Uganda tuyên bố sẽ giải quyết các trường hợp bị cáo buộc tấn công tình dục phụ nữ thông qua các tòa án quân sự quốc gia nhưng thực tế không thực hiện đúng như vậy. Thông thường, chỉ những nhân viên cấp thấp và trung bình bị xử lý".

Tờ Guardian (Anh) đưa tin, không ít quân nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc phải đối mặt với cáo buộc hãm hiếp và lạm dụng tình dục. Trước đây, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng nói rằng, binh lính bị buộc tội phải được đưa ra xét xử tại Tòa án quốc gia.

Theo đó, các binh sĩ vi phạm sẽ được gửi trả về quê hương để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra và truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, chính vì chính sách này mà nhiều vụ việc bị "chìm xuồng" hoặc làm không đến nơi đến chốn.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.